Áp dụng mô hình DUPONT trong dự báo khả năng sinh lời của doanh nghiệp chế biến thực phẩm

Phạm Văn Tuệ Nhã - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Nghiên cứu này nhằm xác định những nhân tố tác động tới khả năng sinh lời tương lai theo hướng tiếp cận của DuPont - phương pháp bóc tách một số chỉ số thể hiện khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, biên lợi nhuận, vòng quay tổng tài sản, hệ số nhân vốn chủ sở hữu (lần lượt đại diện cho hiệu quả quản lý chi phí, hiệu quả sử dụng tài sản và cơ cấu vốn) cùng với sự thay đổi của chúng đều có tác động tới khả năng sinh lời 1 năm sau - được đo lường bằng ROA (tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản), ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) và sự thay đổi của chúng. Từ đó, tác giả đưa ra một số hàm ý khái quát cho xây dựng mô hình dự báo khả năng sinh lời.

Giới thiệu

Dự báo tài chính là việc dự báo về các chỉ tiêu cơ bản trên báo cáo tài chính của các kỳ kinh doanh sắp tới, từ đó xác định nhu cầu vốn bổ sung cho doanh nghiệp (DN). Dự báo tài chính có ý nghĩa đối với cả bên trong và bên ngoài DN. Đối với bên trong DN, dự báo tài chính sẽ giúp DN chủ động trong kế hoạch tài chính để đảm bảo vốn cho hoạt động kinh doanh.

Đối với bên ngoài DN, dự báo tài chính giúp các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính đánh giá cụ thể hơn về triển vọng trong tương lai của DN từ đó có các quyết định hợp lý để giảm thiểu rủi ro. Dự báo tài chính còn là căn cứ quan trọng để xác định rủi ro.

Khả năng sinh lời phản ánh mối quan hệ giữa quy mô và lợi nhuận của một DN trong một thời hạn nhất định. Thông thường, khả năng sinh lời của doanh nghiệp sẽ được tính bằng công thức tổng lợi nhuận chia cho tổng tài sản sử dụng, số người lao động hoặc khối lượng tư bản dài hạn.

Dự báo tài chính nói chung và dự báo khả năng sinh lời nói riêng là một trong những tiền đề để doanh nghiệp (DN) có thể đối phó với những bất trắc trong tương lai, từ đó tiến tới hiện thực hóa mục tiêu tài chính – kinh doanh của mình một cách thuận lợi. Tuy nhiên, một trong những thách thức đối với các chuyên gia dự báo tài chính là thiết lập mô hình dự báo hiệu quả. Trong bước đầu của công việc này, chuyên gia cần có định hướng rõ ràng và khả thi cho việc xây dựng mô hình dự báo.

Phương pháp DuPont trong phân tích tài chính là phương pháp phân tách chỉ tiêu khả năng sinh lời thành các chỉ tiêu thành phần chi phối nó, từ đó mở ra một hướng tiếp cận trong xây dựng mô hình dự báo khả năng sinh lời dựa trên các chỉ tiêu thành phần đó. Tuy nhiên, việc kiểm định và áp dụng định hướng này vẫn còn hạn chế, nhất là ở quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Chế biến thực phẩm là một trong những ngành có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Khả năng sinh lời của ngành này những năm gần đây có nhiều biến động. Một số doanh nghiệp có thời điểm giảm sút khả năng sinh lời nghiêm trọng, thậm chí đối diện với nguy cơ phá sản. Điều này khiến cho việc dự báo khả năng sinh lời trở nên thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh và biện pháp dự phòng đối phó với những biến động dự kiến trong tương lai.

Nghiên cứu này kiểm định hướng tiếp cận của DuPont trong dự báo khả năng sinh lời của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam, tứ đó đưa ra một số hàm ý nhằm bước đầu tích hợp các nhân tố tài chính vào mô hình dự báo khả năng sinh lời theo hướng tiếp cận DuPont cho các doanh nghiệp này.

Cơ sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu

Phương trình DuPont

Bảng 1: Thống kê mô tả các biến

Biến

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

ROA

0.071233

0.085532

-0.19184

0.721875

ROE

0.131486

0.190463

-1.48107

1.166013

dROA

0.000629

0.074476

-0.56983

0.646511

dROE

0.001636

0.209922

-1.40926

1.67175

PM

0.75973

2.831195

-48.4673

11.73675

ATO

0.079559

0.099771

-0.19652

0.91448

EM

2.477499

1.887674

1.039132

17.21495

dPM

-0.02204

4.324314

-52.2889

49.4932

dATO

0.000446

0.086129

-0.72403

0.825828

dEM

-0.06736

1.042074

-9.09063

8.350039

Size

14.11117

1.558592

11.09796

18.71124

Nguồn: Tính toán của tác giả trên phần mềm Stata

 

 

Phương trình DuPont được đặt tên theo doanh nghiệp đã phát triển mô hình này. Phương trình DuPont phân tách chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) như sau:

ROA = (Lợi nhuận sau thuế)/(Tổng tài sản bình quân) = (Lợi nhuận sau thuế)/(Doanh thu thuần) × (Doanh thu thuần)/(Tổng tài sản bình quân) = Biên lợi nhuận (PM) × Vòng quay tổng tài sản (ATO)

ROE = (Lợi nhuận sau thuế)/(Vốn chủ sở hữu bình quân) = (Lợi nhuận sau thuế)/(Doanh thu thuần) × (Doanh thu thuần)/(Tổng tài sản bình quân) × (Tổng tài sản bình quân)/(Vốn chủ sở hữu bình quân) = Biên lợi nhuận (PM) × Vòng quay tổng tài sản (ATO) × Hệ số nhân vốn chủ sở hữu (EM)

Hai phương trình trên cho thấy, ROA bị chi phối bởi hiệu quả quản lý chi phí (thể hiện gián tiếp qua biên lợi nhuận) và hiệu quả sử dụng tài sản (thể hiện qua vòng quay tổng tài sản). ROE cũng bị chi phối bởi hai nhân tố này và cả cơ cấu vốn (thể hiện qua hệ số nhân vốn chủ sở hữu). Khi các nhân tố này thay đổi, ROA và ROE sẽ thay đổi theo. Dựa vào đó, doanh nghiệp có thể phân tích các kịch bản mà trong đó khi các nhân tố trên thay đổi thì ROA và ROE sẽ thay đổi theo như thế nào, làm cơ sở để tiến tới dự báo khả năng sinh lời tương lai.

Các nghiên cứu thực nghiệm áp dụng phương pháp DuPont

Một số nghiên cứu thực nghiệm của nước ngoài đã kiểm định mối quan hệ giữa các nhân tố trong phương trình DuPont với khả năng sinh lời tương lai theo một số hướng tiếp cận khác nhau, từ đó rút ra hàm ý cho dự báo khả năng sinh lời. Đó có thể là mối quan hệ giữa quy mô của các nhân tố này ở kỳ hiện tại với khả năng sinh lời kỳ sau, hoặc giữa sự thay đổi của các nhân tố này ở kỳ hiện tại với sự thay đổi khả năng sinh lời kỳ sau, hoặc kết hợp cả hai. Trong đó, nghiên cứu tiên phong của Fairfield và Yohn (2001) bao hàm cả hai hướng tiếp cận này, qua đó phát hiện thấy không phải quy mô mà chỉ có sự thay đổi của biên lợi nhuận (ΔPM) và của vòng quay tổng tài sản hoạt động ròng (ΔATO) kỳ trước mới có đóng góp có ý nghĩa thống kê trong dự báo sự thay đổi tỷ suất sinh lời trên tài sản hoạt động ròng (ΔROA) 1 năm sau đối với các doanh nghiệp tại Mỹ giai đoạn 1977-1996.

Các nghiên cứu tiếp theo của Soliman (2003), Chang và cộng sự (2013), Bauman (2014) đều phát triển dựa trên hướng nghiên cứu của Fairfield và Yohn (2001). Soliman (2003) chia tách PM và ATO thành những bộ phận nhỏ hơn rồi sau đó xem xét mối quan hệ của các bộ phận này với tỷ suất sinh lời kỳ sau, qua đó cho thấy, cả bộ phận bất thường của PM và của ATO đều có vai trò trong dự báo tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản không chỉ 1 năm sau mà cả 2 và 5 năm sau. Bộ phận bất thường của hai chỉ tiêu trên được hiểu là phần chênh lệch giữa chúng với PM và ATO bình quân ngành. Đóng góp mới của nghiên cứu này là ở hướng tiếp cận trong phân tách PM và ATO bằng cách đặt chúng trong quan hệ so sánh với mức bình quân ngành, đồng thời mở rộng phạm vi thời gian kiểm định đến 5 năm... Tất cả các nghiên cứu trên đều lựa chọn ROA làm chỉ tiêu đại diện khả năng sinh lời.

Nghiên cứu của Jin (2017) có điểm khác biệt khi lựa chọn ROE làm chỉ tiêu đại diện khả năng sinh lời. Với mục tiêu nghiên cứu về lợi nhuận bền vững của các doanh nghiệp tại Canada kể từ khi áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), nghiên cứu này chỉ ra rằng, các nhân tố trong phương trình DuPont có ý nghĩa thống kê trong dự báo ROE 1 năm sau.

Nhìn chung, trên thế giới chưa có nhiều các nghiên cứu tương tự trên được thực hiện tại các nền kinh tế đang phát triển, nhất là tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Các nghiên cứu đã công bố ít có sự so sánh, phân biệt kết quả nghiên cứu giữa các ngành nghề khác nhau.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu của: Nguyễn Thị Đào (2022), Nguyễn Đức Thuần (2021), Nguyễn Tuyết Khanh (2017), Nguyễn Thu Ngân (2015) đã áp dụng phương pháp DuPont trong phân tích tài chính đối với một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc phân tích tác động của thay đổi PM, ATO và EM tới ROA và ROE cùng kỳ, chưa nghiên cứu mối quan hệ của chúng với tỷ suất sinh lời của các kỳ sau nên chưa có nhiều đóng góp cho dự báo tài chính. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu thậm chí chỉ được thực hiện cho một doanh nghiệp nên phạm vi rất hạn hẹp, chỉ có giá trị tham khảo đối với chính các doanh nghiệp đó. Do đó, có thể nói nghiên cứu về mối quan hệ giữa các nhân tố trong phương trình DuPont với khả năng sinh lời tương lai nhằm đóng góp cho dự báo tài chính, tiến tới thiết lập mô hình dự báo khả năng sinh lời cho các doanh nghiệp vẫn là khoảng trống tại Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu

Dữ liệu được thu thập từ các báo cáo tài chính thường niên đã kiểm toán của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm niêm yết trên hai sàn giao dịch chứng khoán HNX và HoSE. Các doanh nghiệp này được phân loại theo tiêu chuẩn phân loại ngành GICS. Với số lượng doanh nghiệp là 33 và thời gian nghiên cứu 10 năm (2013-2022), bộ dữ liệu gồm 330 quan sát (dữ liệu mảng cân đối).

Mô hình kiểm định

Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến được phát triển từ các nghiên cứu trước đây của nước ngoài, chủ yếu là nghiên cứu tiên phong của Fairfield và Yohn (2001) để kiểm định tác động của các nhân tố trong phương trình DuPont tới khả năng sinh lời 1 năm sau của doanh nghiệp, từ đó rút ra hàm ý cho bước đầu xây dựng mô hình dự báo khả năng sinh lời dựa trên những nhân tố này:

ROAi,t+1 = α0 + α1×PMi,t + α2×ATOi,t + α3×Sizei,t +ei,t (1)

ROEi,t+1 = β0 + β1×PMi,t + β2×ATOi,t + β3×EMi,t + β4×Sizei,t + ei,t (2)

ΔROAi,t+1 = γ0 + γ1×ΔPMi,t + γ2×ΔATOi,t + γ3×Sizei,t + ei,t (3)

ΔROEi,t+1 = δ0 + δ1×ΔPMi,t + δ2×ΔATOi,t + δ3×ΔEMi,t + δ4×Sizei,t + ei,t (4)

Trong các mô hình (1) và (2), các biến ROAi,t+1 và ROEi,t+1 lần lượt là tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp i trong kỳ t+1, đại diện cho khả năng sinh lời kỳ sau. Các biến PMi,t, ATOi,t, EMi,t lần lượt là biên lợi nhuận, vòng quay tổng tài sản và hệ số nhân vốn chủ sở hữu của DB i trong kỳ t. Các biến này được tính theo công thức trong phương trình DuPont.

Trong các mô hình (3) và (4), các biến ΔROAi,t+1, ΔROEi,t+1 lần lượt đo lường mức thay đổi của ROA và ROE của doanh nghiệp i trong kỳ t+1 so với kỳ t (ΔROAi,t+1 = ROAi,t+1 ‒ ROAi,t; ΔROEi,t+1 = ROEi,t+1 ‒ ROEi,t). Các biến ΔPMi,t, ΔATOi,t, ΔEMi,t lần lượt đo lường mức thay đổi của PM, ATO và EM của doanh nghiệp i trong kỳ t so với kỳ t-1 (ΔPMi,t = PMi,t ‒ PMi,t-1; ΔATOi,t = ATOi,t ‒ ATOi,t-1; ΔEMi,t = EMi,t ‒ EMi,t-1).

Biến Sizei,t là biến kiểm soát, đại diện cho quy doanh nghiệp, được đo bằng logarithm tự nhiên của tổng tài sản bình quân của doanh nghiệp i trong kỳ t.

Phương pháp kiểm định và hiệu chỉnh mô hình

Trước tiên, ma trận tương quan được thiết lập giữa các biến độc lập để chẩn đoán đa cộng tuyến. Nếu hiện tượng này là nghiêm trọng, cách đo lường các biến có thể được hiệu chỉnh để làm giảm tương quan giữa chúng. Tiếp đó, các mô hình được ước lượng bằng phương pháp hiệu ứng cố định (Fixed effects model – FEM).

Phương pháp này phù hợp đối với trường hợp có một số nhân tố tất định theo thời gian nhưng khác biệt giữa các đơn vị chéo (các doanh nghiệp) có thể tác động tới biến phụ thuộc. Bên cạnh đó, để phòng tránh khuyết tật mô hình do hiện tượng sai số không thuần nhất và tự tương quan có thể xảy ra, ước lượng Robust được áp dụng.

Kết quả nghiên cứu và luận giải

Thống kê mô tả

Các giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị nhỏ nhất và lớn nhất của các biến phần nào cho thấy phân phối xác suất của chúng. Đặc biệt, ROA, ROE, dROA và dROE có khoảng giá trị rộng, cho thấy sự khác biệt về khả năng sinh lời giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành chế biến thực phẩm cũng như biến động khả năng sinh lời của chúng qua các năm.

Tương tự, khoảng giá trị của PM, ATO và EM cho thấy sự khác biệt đáng kể về hiệu quả quản lý chi phí, hiệu quả sử dụng tài sản và cơ cấu vốn giữa các doanh nghiệp này (Một số doanh nghiệp thậm chí có giá trị tuyệt đối của PM vượt xa 1,0 do lợi nhuận sau thuế không chỉ bao gồm lợi nhuận từ bán hàng mà còn cả lợi nhuận hoặc lỗ đáng kể từ đầu tư tài chính và lợi nhuận bất thường).

Ma trận tương quan

Bảng 2 cho thấy, hệ số tương quan giữa các biến độc lập đều ở mức thấp, do đó đa cộng tuyến trong các mô hình là không đáng lo ngại.

Bảng 2: Ma trận tương quan giữa các biến độc lập

 

PM

ATO

EM

dPM

dATO

dEM

Size

PM

1

 

 

 

 

 

 

ATO

0.0495

1

 

 

 

 

 

EM

-0.0101

-0.2496

1

 

 

 

 

dPM

0.7253

0.0266

-0.0115

1

 

 

 

dATO

0.0005

0.3963

0.0935

0.025

1

 

 

dEM

-0.0048

-0.0908

0.1451

-0.0207

-0.0035

1

 

Size

0.0244

0.0904

-0.0308

0.0011

-0.0577

0.0508

1

Nguồn: Tính toán của tác giả trên phần mềm Stata

 

Kết quả kiểm định mô hình và luận giải

Kết quả kiểm định các mô hình (1) và (2) lần lượt được tóm lược trong các bảng dưới đây:

Kết quả trên cho thấy, các biến PM và ATO đều có quan hệ có ý nghĩa thống kê với ROA và ROE. Riêng ROE còn chịu thêm tác động của EM. Nói cách khác, biên lợi nhuận, vòng quay tổng tài sản và hệ số nhân vốn chủ sở hữu đều tác động tới khả năng sinh lời 1 năm sau của doanh nghiệp. Trong đó, PM mang dấu âm, cho thấy sự gia tăng của biên lợi nhuận có xu hướng làm giảm khả năng sinh lời 1 năm sau. Trong khi đó, ATO mang dấu dương, cho thấy sự gia tăng vòng quay tổng tài sản có xu hướng giúp cải thiện khả năng sinh lời 1 năm sau. Kết quả này phần nào cho thấy chỉ có sự gia tăng hiệu quả sử dụng tài sản hoạt động mới có thể đem lại lợi ích bền vững cho khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Điều này phản ánh đúng thực tế của những doanh nghiệp vốn chưa khai thác triệt để công suất các tài sản hoạt động của mình, chẳng hạn trong giai đoạn 2019-2022 có nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm không sử dụng các tài sản cố định hữu hình như nhà xưởng, trang thiết bị… ở mức công suất tối đa do nhu cầu sản xuất sụt giảm trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch CPVID-19 kéo dài. Khi bối cảnh kinh tế xã hội dần trở nên thuận lợi hơn, những doanh nghiệp này không nhất thiết phải đầu tư thêm quá nhiều vào các tài sản trên mà chỉ cần tăng công suất hoạt động của chúng là có thể tăng doanh thu và lợi nhuận kỳ vọng – biểu hiện của điều này chính là gia tăng vòng quay tổng tài sản dẫn tới gia tăng khả năng sinh lời kỳ sau.

Trong khi đó, sự gia tăng của biên lợi nhuận chỉ giúp cải thiện nhất thời khả năng sinh lời cùng kỳ và tác động tích cực này khó có thể được duy trì sang kỳ sau. Điều này phù hợp với quan điểm của Penman và Zhang (2004) về lợi nhuận bền vững và những nhân tố chi phối nó.

Bảng 3: Kết quả kiểm định mô hình (1)

 

Hệ số hồi quy

Sai số chuẩn

t

P>|t|

Khoảng tin cậy 95%

 

PM

-0.00089***

0.0002

-4.46

0.000

-0.0013

-0.00048

ATO

0.158748**

0.062347

2.55

0.016

0.031751

0.285745

Size

-0.03215***

0.009138

-3.52

0.001

-0.05077

-0.01354

α0

0.512215***

0.13107

3.91

0.000

0.245234

0.779196

Nguồn: Tính toán của tác giả trên phần mềm Stata

 

Bảng 4: Kết quả kiểm định mô hình (2)

 

Hệ số hồi quy

Sai số chuẩn

t

P>|t|

Khoảng tin cậy 95%

 

PM

-0.00175***

0.000556

-3.15

0.003

-0.00289

-0.00062

ATO

0.278332**

0.123033

2.26

0.031

0.027721

0.528942

EM

0.03101***

0.004952

6.26

0.000

0.020923

0.041096

Size

-0.03973***

0.013642

-2.91

0.006

-0.06752

-0.01195

β0

0.595004***

0.198119

3.00

0.005

0.191449

0.998559

** và *** lần lượt chỉ mức ý nghĩa thống kê 5% và 1%.Nguồn: Tính toán của tác giả trên phần mềm Stata

 

Kết quả kiểm định các mô hình (3) và (4) cho thấy, các biến dPM và dATO đều có quan hệ có ý nghĩa thống kê với dROA và dROE. Riêng dROE còn chịu thêm tác động của dEM. Như vậy, sự thay đổi của biên lợi nhuận, của vòng quay tổng tài sản và của hệ số nhân vốn chủ sở hữu trong kỳ này đều tác động tới sự thay đổi của khả năng sinh lời 1 năm sau. Trong đó, dấu của dPM và dATO trong cả hai mô hình đều âm, cho thấy tác động này là tiêu cực. Tuy nhiên, vì trước đó mối quan hệ giữa ATO năm nay và ROA, ROE 1 năm sau được xác định là cùng chiều trong các mô hình (1) và (2) nên việc dATO năm nay tăng dẫn tới dROA và dROE 1 năm sau giảm theo như kết quả của các mô hình (3) và (4) chỉ có nghĩa là: Khi quy mô thay đổi của ATO (giá trị tuyệt đối của dATO) càng lớn thì quy mô thay đổi của ROA, ROE 1 năm sau càng nhỏ, chứ không có nghĩa là ATO năm nay và ROA, ROE 1 năm sau biến động ngược chiều nhau.

Nói cách khác, dATO năm nay và dROA, dROE 1 năm sau vẫn cùng dấu với nhau (cùng dương hoặc cùng âm), chỉ là chúng có xu hướng thay đổi ngược chiều nhau chứ chúng không trái dấu nhau. Điều này được lý giải là do sự gia tăng đột ngột, bất thường của ATO đôi khi bắt nguồn từ diễn biến thuận lợi nhất thời của thị trường sản phẩm đầu ra, dẫn tới gia tăng đột ngột nhất thời của doanh thu – tử số của ATO, hoặc việc doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất dẫn tới sụt giảm đáng kể quy mô tài sản hoạt động – mẫu số của ATO. Tuy nhiên, những yếu tố này không thể giúp cải thiện khả năng sinh lời một cách bền vững: Tác động của chúng tới khả năng sinh lời ngay trong cùng kỳ càng mạnh thì sự ảnh hưởng còn sót lại của chúng tới khả năng sinh lời ở kỳ sau càng ít đi.

Ngược lại, vì mối quan hệ giữa PM năm nay và ROA, ROE 1 năm sau đã được xác định là ngược chiều từ các mô hình (1) và (2), tức dPM trái dấu với dROA và dROE 1 năm sau, nên kết quả các mô hình (3) và (4) càng cho thấy, PM năm nay tăng càng nhiều thì ROA, ROE 1 năm sau giảm càng mạnh. Điều này góp phần cho thấy sự gia tăng biên lợi nhuận hiện tại không thể cải thiện khả năng sinh lời một cách bền vững.

Biến EM mang dấu dương trong mô hình (2), cùng với biến dEM cũng mang dấu dương trong mô hình (4) cho thấy đòn bẩy tài chính và sự thay đổi của nó có tác động tích cực tới khả năng sinh lời 1 năm sau. Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm thường có tỷ trọng nợ trong cơ cấu vốn khá thấp so với những ngành khác, do đó vẫn còn nhiều tiềm năng để gia tăng đòn bẩy tài chính, từ đó giúp cải thiện ROE tương lai nếu tình hình tài chính lành mạnh.

Cuối cùng, biến Size mang dấu ấm trong cả bốn mô hình, bước đầu cho thấy tính phi kinh tế quy mô. Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm cần cân nhắc điều chỉnh quy mô sản xuất sao cho phù hợp. Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, việc mở rộng quy mô không chắc chắn đảm bảo cải thiện khả năng sinh lời tương lai.

Kết luận

Nghiên cứu cho thấy, biên lợi nhuận, vòng quay tổng tài sản và hệ số nhân vốn chủ sở hữu cùng với sự thay đổi của chúng có tác động tới khả năng sinh lời 1 năm sau của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm niêm yết tại Việt Nam. Do đó, các nhân tố này cần được tích hợp vào trong những mô hình dự báo khả năng sinh lời nói riêng và dự báo tài chính nói chung, nhất là những mô hình theo hướng tiếp cận của DuPont, nhằm giúp các doanh nghiệp cải thiện độ chính xác của dự báo, lập kế hoạch tài chính và đối phó tốt hơn với các biến cố trong tương lai.

Nghiên cứu này đưa ra hàm ý khái quát cho việc thiết lập những điều kiện bước đầu của mô hình dự báo khả năng sinh lời. Việc xây dựng một mô hình dự báo khả năng sinh lời hoàn chỉnh và cụ thể đòi hỏi sự nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa về các nhân tố tác động tới khả năng sinh lời kỳ sau. Điều này sẽ mở ra những hướng nghiên cứu xa hơn trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

  1. Khanh, N. T. (2017, 5), Sử dụng mô hình DuPont phân tích tài chính các doanh nghiệp ngành dầu khí được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tạp chí Kinh tế & Phát triển, 39, pp. 56-64;
  2. Ngân, N. T. (2015), Sử dụng mô hình DuPont để phân tích tỷ số ROE của công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 136 (06), pp. 181-184;
  3. Đào, N. T. (2022), Ứng dụng phương pháp phân tích DuPont trong phân tích tài chính của công ty cổ phần Dược Hậu Giang. Tạp chí Kinh tế & Dự báo, pp. 53-56;
  4. Thuần, T. Đ. (2021, 2), Áp dụng phương pháp DuPont để đánh giá hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp tại Hải Phòng. Tạp chí Công thương, 4, pp. 254-258;
  5. Chang, K. J., Chichernea, D. C., & HassabElnaby, H. R. (2013, 10), On the DuPont analysis in the health care industry. Journal of Accounting and Public policy, pp. 83-103;
  6. Bauman, M. P. (2014), Forecasting operating profitability with DuPont analysis: Further evidence. Review of Accounting and Finance, 13(2), pp. 191-205;
  7. Fairfield, P. M., & Yohn, T. L. (2001), Using Asset Turnover and Profit Margin to Forecast Changes in Profitability. Review of Accounting Studies, 6, 371–385;
  8. Jin, Y. (2017), DuPont Analysis, Earnings Persistence, and Return on Equity: Evidence from Mandatory IFRS Adoption in Canada. Accounting Perspectives, 16(3), pp. 205-235.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2023