Áp lực nguồn vốn
Không ngân hàng nào lại tăng lãi suất huy động khi nguồn vốn đang dư thừa để làm giảm lợi nhuận.
Lãi suất huy động trong vòng vây chi phí
Từ ngày 9/9, khách hàng gửi tiền từ 50 triệu đồng được tặng trực tiếp 50.000 đồng, tặng thêm 0,1% lãi suất cho khách hàng gửi tiền qua hệ thống ngân hàng điện tử… những lời rao này đang tràn ngập trên trang web Eximbank. Ngân hàng này hiện đang áp dụng chương trình gửi vốn mới kỳ hạn 1 tháng lãi suất 5,4%/năm, 3 tháng 5,5%/năm. Trong khi trần lãi suất huy động theo quy định hiện hành là 5,5%/năm đối với những kỳ hạn dưới 6 tháng.
Trước đó, DongA Bank cũng đã niêm yết lãi suất 5,1%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng. NCB lãi suất 5,5%/năm đối với cả ba loại kỳ hạn 3, 4, 5 tháng. CB kỳ hạn 1 và 5 tháng lãi suất 5,4%/năm, kỳ hạn 2, 3, 4 tháng là 5,45%/năm.
Dường như một sự ngầm hiểu cho hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) tái cơ cấu trong những tuần gần đây đều đã nâng lãi suất tiết kiệm áp sát trần quy định. Thậm chí một số NHTM còn công bố kỳ hạn 13 tháng lãi suất 7,9%/năm (sau đó lẳng lặng rút chương trình vào để trên sổ sách có mức lãi suất tham chiếu cho vay cộng thêm 3%-3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân) nhưng lại cho rút vốn linh hoạt.
Lãi suất huy động từ đầu năm đến nay nhấp nhổm tăng, do một lượng nợ xấu khá lớn trong các NHTM hàng tháng vẫn phải trích trả lãi đều đặn. Chỉ cần lấy con số 200.000 tỷ đồng mà VAMC đã mua của các NHTM và phát hành trái phiếu đặc biệt.
Các NHTM hàng năm phải trích lập 20% trên số nợ xấu đã bán đó sẽ thấy số vốn cần bù đắp cho nợ xấu hàng tháng của các NHTM là bao nhiêu. Hay nói cách khác là lấy tổng tiền gửi của ngân hàng đó chia cho số nợ xấu ngân hàng đã công bố trên tổng dư nợ sẽ thấy nguồn vốn đang bị áp lực như thế nào. Điều này nói nên một thực tiễn không phải ngẫu nhiên các NHTM tăng lãi suất hầu hết ở các kỳ hạn ngắn.
Trong khi tỷ lệ LDR (cho vay vốn trên nguồn vốn huy động) toàn hệ thống ngân hàng đến tháng 6/2016 vẫn ở mức 86,44%, tức là cứ huy động 100 đồng thì cho vay đến hơn 86 đồng, chỉ còn chưa đến 14 đồng chi trả cho các nhu cầu thường xuyên và đột xuất trong quá trình hoạt động.
Trong khi đó tỷ lệ cho vay trên nguồn vốn huy động của các NHTM có vốn Nhà nước chi phối đã tăng nhẹ lên mức 93,93%, khối NHTMCP tỷ lệ LDR 78,58%. Theo quy định hiện hành đang được áp dụng đối với các NHTM có vốn Nhà nước chi phối là 90%, khối các NHTM cổ phần là 80%.
Thu hẹp kỳ hạn trần lãi suất?
Đang có những lập luận rằng NH dư thừa vốn khi so sánh các chỉ số tốc độ tăng trưởng tín dụng và nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phát đi một bản báo cáo vốn huy động từ hệ thống ngân hàng tăng khoảng 11% trong khi tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại, ước khoảng 9,2% trong 8 tháng đầu năm 2016.
Nhiều tổng giám đốc NHTM cũng nói đang thừa vốn vì không muốn công bố thực trạng nguồn vốn của mình đang phải tiêu tốn cho việc trích lập dự phòng cho nợ xấu.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong 8 tháng đầu năm 2016 được NHNN mới đây công bố có mức tăng 9,67%, tương đương với khoảng hơn 450.000 tỷ đồng được đưa ra nền kinh tế không phải là thấp so với GDP.
Tỷ lệ này nếu so với cùng thời điểm năm 2015 tốc độ tín dụng tăng có 9,54% nhưng nếu so với thời điểm 8 tháng đầu năm 2014 tín dụng chỉ tăng hơn 4,5% tăng trưởng tín dụng năm nay khá cao. Những người trong cuộc cho rằng nếu tỷ lệ LDR ở mức 60% khi đó mới có thể khẳng định NHTM thừa vốn.
Nếu các ngân hàng thừa vốn sẽ lập tức giảm lãi suất huy động để tạo chênh lệch lãi suất cho vay có lợi cho hiệu quả kinh doanh. Có lẽ không có nhà kinh doanh nào lại cố đẩy lãi suất đầu vào lên trong khi lãi suất đầu ra thì không tăng theo. Bởi bản chất của lãi suất chính là giá trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, không thể tăng lãi suất đầu vào để mang áp lực thu hẹp lợi nhuận lại của bất cứ nhà kinh doanh nào.
Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng thời điểm hiện tại chỉ như cách cửa sổ để nhà điều hành chính sách tiền tệ nhìn vào các TCTD. Nhưng không phải thước đo cơ bản trong lúc này để khẳng định NHTM đang dư thừa vốn. Vốn trong dân cư vẫn là thị trường bền vững nhất và có ít điều kiện nhất trên thị trường huy động vốn của các ngân hàng.
NHTM có thể dư thừa thanh khoản hay nói cách khác thừa tiền mặt không thừa nguồn vốn cho vay. Điều này đã được NHNN khẳng định trong tuần qua nhà điều hành đang mua ngoại tệ vào trong khi đó một lượng tín phiếu NHNN cũng đang được tung ra để hút tiền đồng trở về. Con số ước đoán trong tháng 8 được các Tổng giám đốc NHTM tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng họ đã bán khoảng 7-8 tỷ USD.
Mua và bán USD lúc này được các chuyên gia tài chính ví von như con dao hai lưỡi nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất tăng. Nhưng có lẽ nhà điều hành chính sách tiền tệ đã có những phương án cho kịch bản FED phá giá đồng bạc xanh để thu lợi nhuận trên toàn cầu trở về nước Mỹ.
Không thể phủ nhận việc nhà điều hành áp trần lãi suất huy động 5,5%/năm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng trong bối cảnh nền kinh tế thời gian qua đã tạo ra một đường cong lãi suất để giảm rủi ro kỳ hạn cho các NHTM.
Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay nên chăng có thể rút ngắn trần lãi suất huy động xuống đối với kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống sẽ mở rộng hơn cho các NHTM có thể chủ động nguồn vốn trong đáp ứng nhu cầu thanh khoản và tạo nguồn cho vay với lãi suất linh hoạt hơn.
Một chuyên gia tài chính ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, không quá lo nếu thu hẹp kỳ hạn đối với trần lãi suất huy động, bởi thực tế trần lãi suất vẫn giữ nguyên chỉ thay đổi kỳ hạn. Theo đó, sẽ từng bước trả lại lãi suất cho thị trường, hướng đến tự do hóa lãi suất và khuyến khích người gửi tiền gửi kỳ hạn càng dài lãi suất càng cao.