Áp lực từ nợ đọng thuế
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền nợ thuế tính đến đầu tháng 4/2019 là 82.972 tỷ đồng, tăng hơn 6.640 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Nếu các cơ quan chức năng không đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm, số nợ 37.640 tỷ đồng không có khả năng thu do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản… sẽ đẩy nợ đọng thuế tăng cao, gây áp lực lớn với cơ quan quản lý thuế.
37.640 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu
Trong số 82.972 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế, có tới 45,5% - tương đương 37.640 tỷ đồng không có khả năng thu. Nợ thuế không có khả năng thu rơi vào các trường hợp người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc doanh nghiệp đã giải thể...
Với những trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, cơ quan thuế đã cùng chính quyền địa phương xác minh thông tin người nộp thuế và thông báo cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng vẫn không thu được nợ thuế.
Trong khi đó, căn cứ quy định của Luật Quản lý thuế, tiền phạt chậm nộp 0,03% một ngày trên số tiền thuế chậm nộp, không phân biệt người nộp thuế có thuộc đối tượng "không thể thu nợ" hay không. Quy định này dẫn đến tình trạng khoản chậm nộp thuế tính trên số nợ không còn khả năng thu tăng nhanh, trong khi các khoản nợ gốc này đã không thể thu nộp ngân sách.
Một nguyên nhân nữa khiến nợ thuế liên tục tăng cao là các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, do các dự án có vướng mắc chưa đi vào hoạt động... nên chưa có khả năng nộp thuế. Thêm vào đó, trong quý I-2019, số nợ thuế tăng là do một số người nộp thuế kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, nhưng lại không nộp thuế đúng hạn.
Theo PGS.,TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, nợ thuế tiếp tục có chiều hướng gia tăng chủ yếu do các khoản nợ không có khả năng thu bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày trên tổng số nợ.
Nợ thuế cũng là thực trạng chung của nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. “Tại các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), tỷ lệ nợ thuế bình quân dưới 10%. Tại các nước Đông Nam Á, tỷ lệ nợ trên tổng thu ngân sách lại không đồng đều: Indonesia là 6,8%, Malaysia: 10,3%, Campuchia: 22,2%. Tại Việt Nam, năm 2016 tỷ lệ nợ thuế là 8,5%, năm 2017: 7,6% và đến 30-9-2018: 7,5%” - PGS.,TS. Lê Xuân Trường cho biết.
Để phản ánh đúng thực trạng nợ thuế và giảm áp lực không cần thiết trong quản lý cho cơ quan thuế, giảm tình trạng “nợ ảo” do các khoản nợ không thể thu bị tính tiền phạt chậm nộp, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, một số nước đã thực hiện chính sách xóa nợ thuế cho những đối tượng nợ thuế đã chết, mất tích, phá sản, không còn khả năng thanh toán các khoản nợ thuế với ngân sách để giảm áp lực cho cơ quan quản lý.
Kiến nghị biện pháp xử lý
Để xử lý tình trạng nợ đọng thuế tăng nhanh, Tổng cục Thuế đã thực hiện nhiều giải pháp. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, trong năm 2019, mục tiêu của toàn ngành là phấn đấu đưa tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách.
Để thực hiện, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế các địa phương tích cực rà soát, phân loại các khoản nợ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thu về ngân sách nhà nước. Đối với những khoản nợ không có khả năng thu, Tổng cục Thuế sẽ báo cáo Bộ Tài chính, kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết xóa nợ thuế để lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.
Mặc dù việc xem xét, xóa nợ với những trường hợp không còn khả năng thu là cần thiết, song tình trạng chậm nộp thuế gia tăng, ngoài nguyên nhân khách quan do doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến giải thể, phá sản, còn có nguyên nhân là một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhà nước bằng cách chây ì, chậm nộp... Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là chế tài xử phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Như vậy, cần tăng nặng mức xử phạt doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, lãi phạt thuế cao thì doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc khi chây ỳ, chậm nộp. Hơn nữa, ở một số quốc gia, việc tuân thủ thuế còn được xem xét để đánh giá tín nhiệm, nên doanh nghiệp cũng không dám làm như vậy.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, có hai vấn đề cần làm rõ.
Thứ nhất, xét ở góc độ thu thuế, không thu được nên xóa nợ.
Thứ hai, nếu xét ở góc độ mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế, xóa nợ có thể gây bất bình đẳng, đặt ra tiền lệ xấu.
Bên cạnh đó, cần cân nhắc khi xóa nợ với những doanh nghiệp thành lập mới, nhập khẩu ồ ạt hàng hóa với giá khai rẻ, sau đó giải thể, phá sản trước khi bị cơ quan thuế kiểm tra. Đây là hành vi trốn thuế, nhưng lại có thể được hưởng lợi từ chính sách xóa nợ thuế.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế quốc dân) các khoản nợ thuế mà Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ đều là những khoản nợ tại các doanh nghiệp đã phá sản, giải thể; nợ từ 90 ngày trở lên mà không có khả năng trả. Những khoản nợ thuế này có xóa hay không thì cũng không thể thu.
Nếu chỉ đơn thuần xóa món nợ thuế của những doanh nghiệp đã "chết" thực sự, nhìn chung sẽ không có bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, khi xóa nợ thuế, cần có thông tin cụ thể, tiêu chí rõ ràng.