Áp lực với giá xăng dầu trong nước?

T.Hà

(Tài chính) Sau thời gian ngắn giảm giá mạnh, từ 111,81 USD/thùng xuống còn 46,01 USD/thùng, những ngày gần đây giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng trở lại, gây áp lực với giá xăng dầu trong nước. Theo dự báo kể từ thời điểm 24/2 đến 10/3 là chu kỳ tính giá, căn cứ vào diễn biến giá dầu bình quân 15 ngày liên tiếp, việc đã đến lúc điều chỉnh tăng giá xăng dầu hay chưa sẽ được các cơ quan chức năng xem xét đưa ra.

Năm 2014 là một năm đầy biến động đối với thị trường dầu mỏ thế giới. Nguồn: internet
Năm 2014 là một năm đầy biến động đối với thị trường dầu mỏ thế giới. Nguồn: internet

Doanh nghiệp đầu mối lỗ lớn, quỹ bình ổn cạn dần

Năm 2014 là một năm đầy biến động đối với thị trường dầu mỏ thế giới. Trong sáu tháng đầu năm, giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày 30-6 ở mức 105,37 USD/thùng thì đà giảm mạnh bắt đầu xuất hiện từ tháng 8 trở về những tháng cuối năm. Trong tháng 8, giá dầu giảm xuống còn 96,54 USD/thùng, giảm 6,8% so với mức giá bình quân của tháng 7 và đến tháng 12 giá bình quân chỉ còn 75,79 USD/ thùng, giảm 28,3% so với tháng 6. Tại Việt Nam, giá xăng, dầu trong nước đã thay đổi tổng cộng 19 lần tăng, giảm. Trong đó, tăng 5 lần và giảm 14 lần, đánh dấu mức thay đổi kỷ lục của mặt hàng này trong một năm. Giá dầu giảm tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung nhưng lại ảnh hưởng tới nhiều DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xăng, dầu nói riêng. Phần lớn các đầu mối đều kêu rất khó khăn do càng nhập nhiều về kinh doanh càng lỗ. Khi nhập về không bán được sẽ chịu rất nhiều áp lực như tồn kho (30 ngày), lãi suất ngân hàng... trong khi giá thế giới liên tục giảm khiến cho bị lỗ họ cũng phải bán sớm để tránh gặp phải những áp lực trên. Đề cập tới các khó khăn trong hoạt động kinh doanh của ngành, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo cho biết, do giá dầu thế giới giảm mạnh vào quý IV-2014, đã khiến Petrolimex lỗ lớn, "cuốn" hết phần lãi chín tháng trước đó.

Sau thời kỳ giảm giá, trong những tháng đầu năm 2015, giá xăng dầu thế giới đã có chiều hướng đi lên. Theo tổng hợp giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày gần đây (từ ngày 9 - 23/2/2015) tăng khoảng 20,5% (khoảng 11,555 USD/thùng). Với mức giá trên, giá bán hiện hành xăng dầu trong nước đang âm so với giá cơ sở lên tới hơn 2.000 đồng/lít. Theo đó, đối với xăng RON 92 đang âm gần 2.500 đồng/lít; dầu diezen 0,05S âm 1.922 đồng/lít; dầu hoả âm 1.935 đồng/lít. Tính đến ngày 3/3, giá cơ sở mặt hàng xăng RON A92 đang cao hơn giá bán lẻ đến 729 đồng/l, dầu DO giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ 291 đồng/l. Giá xăng RON A 92 nhập về có mức 72.92 USD/thùng; xăng RON A95 ở mức 76.25 USD/thùng.

Vừa qua nhằm góp phần ổn định giá cả hàng hóa, tránh tác động bất lợi đến xã hội và tâm lý người tiêu dùng do điều chỉnh giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ ổn định giá bán các chủng loại xăng dầu, đồng thời ngày 24/2, Liên Bộ đã quyết định chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu. Mức xả quỹ khá lớn, lên đến 2.448 đồng/lít xăng. Các doanh nghiệp ước tính, với mức xả quỹ này thì chỉ khoảng 2 tháng, Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ hết.

Với trách nhiệm trọng trách đảm bảo "ổn định tâm lý người tiêu dùng" dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán theo chỉ đạo của Thủ tướng, nên Bộ Công Thương  đã quyết định kìm giá bán lẻ lần thứ 2 bằng công cụ Quỹ bình ổn. Tuy nhiên, "việc xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay để giữ giá chỉ là một biện pháp tình thế, mang tính nhất thời" - một số chuyên gia nhận định: "Với tốc độ tiêu thụ xăng dầu hiện nay, Quỹ sẽ hết rất nhanh, có thể chỉ được 2 tháng. Chúng ta sẽ không thể sử dụng mãi một công cụ tài chính để bình ổn giá, nhất là khi Quỹ có giới hạn".Trước đó, Bộ Tài chính công bố, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến hết năm 2014 có 4.018,711 tỷ đồng. Một đại diện của SaigonPetro tính toán, trung bình hiện nay, cả nước tiêu thụ 45 triệu lít, kg xăng dầu, riêng xăng chiếm khoảng 18 triệu lít/ngày. Nhân với mức sử dụng Quỹ bình ổn 2.448 đồng/lít đối với xăng, chỉ trong vòng 1 tháng, mặt hàng này sẽ ngốn khoảng 1.350 tỷ đồng, tức mất 33% số dư Quỹ trên.

Áp lực điều hành giá xăng dầu

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2015, Chính phủ đã khẳng định, thời gian tới Liên Bộ Tài chính – Công Thương tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng các nguyên tắc, quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới và trong nước, các biện pháp về thuế, Quỹ Bình ổn giá, giá bán lẻ để bình ổn giá xăng dầu sẽ được điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt. rong một số trường hợp có thể điều chỉnh lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Một số chuyên gia cho rằng, với diễn biến như hiện nay sau thời gian ngắn giảm giá mạnh, từ 111,81 USD/thùng xuống còn 46,01 USD/thùng, những ngày gần đây khi giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng trở lại thì đã đến lúc Liên Bộ nên xem xét điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước.

Việc làm này không phải không có căn cứ bởi thời điểm này việc điều chỉnh giá là phù hợp do kể từ thời điểm 24/2 đến 10/3 là chu kỳ tính giá, căn cứ vào diễn biến giá dầu bình quân 15 ngày liên tiếp.

Bên cạnh đó, ngoài những lý do như đã phân tích ở trên, thời điểm này là lần đầu tiên trong 18 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 lại giảm. Cụ thể, CPI tháng 2/2015 giảm 0,05% so với tháng trước và giảm 0,25% so với tháng 12/2014, dù vẫn tăng 0,34% so cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 3 nhóm chỉ số giảm giá. Chịu tác động mạnh nhất từ do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 21/1, nhóm giao thông giảm giá mạnh nhất với mức giảm 4,41%. Do đó, nếu giá xăng dầu có điều chỉnh tăng thì cũng sẽ tác động chưa lớn đến diễn biến CPI. Điều này là phù hợp bởi sẽ tránh cho chuyện CPI  tăng “giật cục” khi sắp tới giá điện sẽ chính thức điều chỉnh tăng và giá một số loại dịch vụ y tế cũng sẽ sắp tăng theo lộ trình điều chỉnh viện phí quy định tại Nghị định số 85/2012 của Chính phủ.