Kinh nghiệm quốc tế về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

Trần Thị Tuyết, Lê Thùy Linh, Nguyễn Tiến Công - Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)

Theo nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, nước giải khát có đường là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nên tình trạng thừa cân và béo phì. Do vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị tới Chính phủ các nước nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào nước giải khát có đường để định hướng tiêu dùng. Nghiên cứu chính sách thuế đối với nước giải khát có đường ở các quốc gia trên thế giới từ đó đưa ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Sự cần thiết áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chiến lược liên quan đến việc áp thuế đối với nước giải khát có đường như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Quyết định số 02/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/01/2022 phê duyệt Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 155/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/1/2022 phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý thận… do tăng lượng đường nạp vào cơ thể nhiều hơn nhiều lần mức cần thiết. Việc gia tăng sử dụng nước giải khát có đường khiến cho tình trạng các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua.

Theo Bộ Y tế, bằng chứng gần đây cho thấy, mối liên quan giữa tiêu thụ nước giải khát có đường với bệnh không lây nhiễm, gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong. Theo đó, giảm tiêu thụ nước giải khát có đường có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp, là các yếu tố nguy cơ gây tử vong phổ biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cho thấy tổn thất rất lớn về kinh tế - xã hội do bệnh không lây nhiễm gây ra. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ hộ gia đình tiêu thụ nước giải khát có đường đã tăng từ 56,22% năm 2010 lên 69,76% năm 2016 và tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người năm 2013 là 47,65 lít/người tăng lên 70,56 lít/người năm 2020. Nếu uống một lon nước ngọt mỗi ngày, nguy cơ béo phì tăng 60% trong 1,5 năm, nguy cơ gẫy xương tăng gấp 2,72 lần, nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 tăng 26%, tăng nguy cơ mắc bệnh lý thận – tiết niệu như sỏi thận, bệnh thận mạn tính, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoăc chết vì nhồi máu cơ tim 20% ở nam và 40% ở nữ, rối loạn chuyển hóa, tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa bao gồm béo phì, rối loạn lipid máu, tăng glucosse máu, tăng 18% nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến béo phì, nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn 75%, tăng nguy cơ răng bị ăn mòn và dễ dẫn đến sâu răng. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em cũng như Luật Trẻ em 2016 đã quy định trẻ em cần phải được chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng với điều kiện tốt nhất có thể. Tuy nhiên, trẻ em Việt Nam đã và đang phải đối mặt với tình trạng thừa cân, béo phì đang ngày càng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở trẻ em lứa tuổi học đường ở cả thành thị và nông thôn. Các nghiên cứu trên thế giới ở trẻ em và thanh thiếu niên đều cho thấy mối liên quan thuận chiều giữa việc tiêu thụ các loại nước giải khát có đường với việc gia tăng hàm lượng mỡ cơ thể và nguy cơ mắc thừa cân, béo phì.

Tỷ lệ thừa cân và béo phì đáng báo động ở trẻ em Việt Nam từ 5 - 19 tuổi tăng từ 8,5% vào năm 2010 lên 19% vào năm 2020. Đây là mức cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%) và cao hơn tỷ lệ tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và thu nhập trung bình của khu vực (13,4% tại Campuchia, 16,6% tại Lào, 14,1% tại Myanmar, 14,5% tại Philippines, 18% tại Indonesia). Khu vực thành thị của Việt Nam tỷ lệ thừa cân béo phì lên tới 26,8%. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, ước tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ có gần 2 triệu trẻ em trong độ tuổi 5 đến 19 tuổi bị thừa cân, béo phì đi kèm các nguy cơ cao hơn đối với nhiều bệnh không lây nhiễm.

Kinh nghiệm quốc tế về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

Theo WHO, nước giải khát có đường là tất cả các loại nước giải khát có chứa đường tự do, bao gồm: Nước ngọt không chứa cồn (soft-drink) có hoặc không có ga, nước ép trái cây/rau củ, nước giải khát từ trái cây/rau củ, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và nước giải khát cho người chơi thể thao (sport drinks), trà pha sẵn, cà phê pha sẵn và nước giải khát sữa có pha chế hương liệu (flavoured milk drinks). Trong định nghĩa này, đường tự do là các đường đơn (như glucose, fructose) và đường đôi (sucrose hoặc đường ăn) được nhà sản xuất, người chế biến, nấu thực phẩm hoặc người tiêu dùng thêm vào thực phẩm và đường tự nhiên có trong mật ong, xi-rô, nước ép hoa quả và nước hoa quả cô đặc.

WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào nước giải khát có đường để định hướng tiêu dùng. Năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường, nhưng hiện nay đã có khoảng 85 quốc gia trên thế giới áp dụng việc áp dụng thuế này đã mang lại hiệu quả cả về nhận thức và hành động từ phía người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất về việc giảm lượng đường trong nước giải khát cũng như giảm tiêu thụ nước giải khát có đường. Trong ASEAN có 6/10 nước đã thu thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, cụ thể:

- Thái Lan: Thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường được áp dụng theo phương pháp hỗn hợp. Các mặt hàng áp dụng thuế tỷ lệ trên giá bán lẻ đề xuất là nước soda (14%); nước giải khát có ga, nước tăng lực, nước uống thể thao (14%); nước trái cây (10%); nước trái cây cô đặc (14%). Bên cạnh thuế tỷ lệ, thuế tuyệt đối được áp dụng dựa theo lượng đường tính theo g/100ml: dưới 6g thuộc đối tượng không nộp thuế tỷ lệ; trên 6g nhưng dưới 8g (THB 1/lít); trên 8g nhưng dưới 10g (THB 3/lít); trên 10g nhưng dưới 14g (THB 5/lít); trên 14g nhưng dưới 18g (THB 5/lít); trên 18g (THB 5/lít).

- Campuchia: Thu thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường có ga không cồn và tương tự với thuế suất 10%.

- Philippines: Thu thuế TTĐB: i) PHP 6/lít đối với nước giải khát có đường sử dụng chất làm ngọt hoàn toàn calo và chất làm ngọt hoàn toàn không calo hoặc hỗn hợp chất làm ngọt có calo và không calo; ii) PHP 12/lít đối với nước ngọt sử dụng xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao hoặc kết hợp với bất kỳ chất làm ngọt có calo hoặc không calo nào; iii) Miễn thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sử dụng đường cốt dừa và glycoside steviol hoàn toàn.

- Malaysia: Đánh thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường: MYR 0,40/lít nước giải khát có hàm lượng đường lớn hơn 5g/100ml và nước giải khát trái cây hoặc rau có hàm lượng đường lớn hơn 12g/100 ml.

- Indonesia: Kiến nghị thu thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường và ga dao động từ IDR 1,500 đến IDR 2,500 cho mỗi lít tùy thuộc vào loại nước giải khát.

Bên cạnh các nước ASEAN, một số các quốc gia trên thế giới đã áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, cụ thể:

- Mexico: Áp dụng mức thuế tuyệt đối MXN 1/lít nước giải khát có đường không cồn (kể cả dưới dạng bột, tinh chất hay thức uống pha sẵn).

- Chile: Nước giải khát có đường với lượng đường cao hơn 6,25g/100ml thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế TTĐB 18%.

- Kenya: Áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có ga, các loại nước hoa quả là 7%.

- Pháp: Thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga là EUR 0,0716/lít.

Để nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia và để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, đồng thời qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế các nước, đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Ba Lan: Áp dụng mức thuế suất là PLN 0,50/lít nước giải khát có đường với một khoản phí bổ sung là PLN 0,05/g đường trên mỗi 5g đường/100ml.

- Ai-len: Áp dụng EUR 16,26/hl đối với nước giải khát có hàm lượng đường từ 5g đến dưới 8g/100ml, EUR 24,39/hl với hàm lượng đường trên 8g/100ml.

- Estonia: Áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm có hàm lượng đường từ 5 – 8g/100ml là EUR 0,1/lít, các sản phẩm có hàm lượng đường trên 8g/100ml thì bị áp EUR 0,3/lít.

- Anh: Thu GBP 0,18/lít đối với nước giải khát có 5–8g đường/100 ml; GBP 0,24/ lít với nước giải khát có lượng đường > 8g/100 ml.

- Fiji: Thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga nhập khẩu với mức thuế suất 5%.

- Argentina: Thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga với mức thuế suất 8,7%.

Bằng chứng khoa học từ nhiều nước trên thế giới đã thực hiện đánh thuế nước ngọt cho thấy tiềm năng của biện pháp thuế này việc thực hiện thuế TTĐB làm giảm sức mua và tiêu thụ nước giải khát có đường (Teng và cộng sự, 2019). Cụ thể, các nghiên cứu nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nam Phi, Mexico… cũng chỉ ra rằng tỷ lệ thừa cân và béo phì sẽ giảm từ 1% xuống 5% nếu áp dụng mức thuế 20% đối với đồ uống có đường (Basu và cộng sự, 2014; Manyema và cộng sự, 2014; Colchero và cộng sự, 2016). Bên cạnh đó, chính sách thuế đối với nước giải khát có đường giúp tăng số thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, WHO khuyến nghị các chính phủ trên toàn thế giới nên tăng thuế đối với nước giải khát có đường sao cho đạt được mức 20% trên giá bán.

Bài học kinh nghiệm với Việt Nam

Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12828:2019, nước giải khát là sản phẩm pha sẵn để uống với mục đích giải khát, được chế biến từ nước, có thể chứa đường, phụ gia thực phẩm, hương liệu, có thể bổ sung các thành phần nguyên liệu có nguồn gốc từ tự nhiên, vitamin và khoáng chất, có ga hoặc không có ga. Nước giải khát bao gồm nước giải khát có ga, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa cà phê, và nước giải khát có chứa nước trái cây, nước giải khát không bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa; thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; nước rau, quả và nectar (mật) rau, quả; và sản phẩm từ cacao. Bên cạnh đó, qua kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước đánh thuế nước giải khát có đường theo tiêu chí hàm lượng đường là trên 5g đường/100ml. Như vậy, căn cứ các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, khuyến cáo của WHO và UNICEF, Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam, để kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, để nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia và để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, đồng thời qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế các nước, đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Phương Hạnh và Nguyễn Thị Thu (2019), Kinh nghiệm quốc tế về thuế tiêu thụ đặc biệt, Công thông tin Cơ sở dữ liệu công bố Khoa học và Công nghệ Việt Nam;
  2. HealthBridge Việt Nam (2021), Báo cáo tổng quan chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt của các nước trên thế giới đối với mặt hàng đồ uống có đường;
  3. Bleich & Vercammen, 2018; Centers for Disease Control and Prevention, 2017.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 9/2023