Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh:

APEC 2017 cần tập trung ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay

PV.

“Chúng ta đang đứng trước vận hội mới để tăng cường hợp tác APEC nhằm mang lại lợi ích cho mọi nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân. Những kết quả đạt được trong năm 2017 kỳ vọng sẽ tạo động lực mới để APEC tiếp tục đi đầu trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tại Hội thảo về các vấn đề ưu tiên của năm APEC 2017 (8/12/2016, tại Hà Nội).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo về các vấn đề ưu tiên của năm APEC 2017.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo về các vấn đề ưu tiên của năm APEC 2017.

Một thế giới đang thay đổi và một APEC đang chuyển mình

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Với thế và lực sau ba mươi năm đổi mới, đây là lúc Việt Nam có thể đóng góp thiết thực hơn nữa cho APEC, mang lại những lợi ích thực chất cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực. Việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và xây dựng nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế thành viên là minh chứng sinh động cho cam kết của Việt Nam đối với APEC cũng như khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Mười năm sau khi Việt Nam lần đầu tiên đăng cai APEC (từ năm 2006), thế giới đang biến chuyển không ngừng và có nhiều diễn biến phức tạp. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thay đổi sâu sắc cuộc sống cũng như cách thức chúng ta kết nối và giao lưu.

Các nền kinh tế, các khu vực đều đang phải đối mặt với những thách thức đan xen, đa chiều, nhất là kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2016, chỉ lần lượt đạt 2,2% và 1,7%, giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng năm 2008-2009.

Giá nguyên liệu giảm, thương mại toàn cầu và chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế khu vực APEC và toàn cầu. Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, gây quan ngại sâu sắc. Những thành quả của tiến trình toàn cầu hóa không được phân bổ đồng đều giữa các khu vực, các nền kinh tế và cộng đồng dân cư. Những tiến bộ về công nghệ có thể làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế. Cạnh tranh địa chính trị, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, bất bình đẳng, nghèo đói, dịch bệnh và biến đổi khí hậu đều ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển bền vững và bao trùm…

Trong một thế giới ngày càng gắn kết, APEC đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc thực hiện các Mục tiêu Bogor (thiết lập một khu thương mại tự do và đầu tư tại châu Á - Thái Bình dương vào năm 2010), bảo đảm tăng trưởng chất lượng và liên kết khu vực. Những nỗ lực cải cách APEC chưa được như mong đợi.

Trước sự hình thành của ngày càng nhiều các cơ chế liên kết khu vực, APEC cần tự đổi mới để khẳng định vai trò là diễn đàn kinh tế hàng đầu ở khu vực. Những hoạt động hợp tác và liên kết của APEC cần được mở rộng và thực chất hơn.

Động lực mới cho một APEC có trách nhiệm

Trong 27 năm hình thành và phát triển, APEC đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của mình, nhất là vào những thời điểm khó khăn. Vào đỉnh điểm các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997-1998 và toàn cầu năm 2008-2009, các nền kinh tế thành viên APEC đã hợp tác, sát cánh cùng vượt qua khó khăn.

“APEC đã thích ứng tốt hơn với tình hình mới”, nhấn mạnh điều này Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng APEC cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay thông qua đẩy mạnh hợp tác với tầm nhìn dài hạn. “Chúng ta đang đứng trước vận hội mới để tăng cường hợp tác APEC nhằm mang lại lợi ích cho mọi nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân. Tôi hy vọng những kết quả đạt được trong năm 2017 sẽ tạo động lực mới để APEC tiếp tục đi đầu trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Trên quan điểm đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các ý kiến thảo luận tại Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM), cần tập trung thảo luận để xác định những ưu tiên cho APEC trong năm sau, dưới chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Bên cạnh đó, cần phát huy những kết quả đạt được APEC 2016 tại Peru và trong những năm trước để tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực chung, nhất là thực hiện các chiến lược của APEC về tăng trưởng chất lượng, kết nối và năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ. Năm APEC 2017 cần tiếp nối những nỗ lực dài hạn này, trong đó tập trung vào những lĩnh vực mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Đề xuất định hướng hợp tác APEC thời gian tới

Trên cơ sở những nhận định trên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ một số suy nghĩ về định hướng hợp tác APEC thời gian tới như sau:

Thứ nhất, APEC cần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Cải cách cơ cấu cần là ưu tiên của APEC nhằm thúc đẩy tăng năng suất, tăng trưởng sáng tạo và thu hẹp khoảng cách phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng các cộng đồng vững mạnh và bao trùm, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; Tăng cường khả năng thích ứng trước những biến động và cú sốc về kinh tế, tài chính, cũng như trước thiên tai và dịch bệnh.

Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng. Làm sống động hợp tác thương mại và đầu tư là nhân tố thiết yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020. APEC cũng cần tăng cường hợp tác trên các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới để bảo đảm mọi người dân đều có thể hưởng lợi.

Đặc biệt, là cần tận dụng cơ hội do những cơ chế hiện có và đang hình thành ở khu vực mang lại, trong đó có Cộng đồng ASEAN, TPP, RCEP và FTAAP. Và để tăng cường kết nối khu vực và tiểu khu vực, chúng ta cần xây dựng cơ sở hạ tầng có chất lượng, tận dụng các cơ chế tài chính sáng tạo và quan hệ đối tác công – tư.

Thứ ba, bước vào kỷ nguyên số, APEC cần hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đại diện hơn 97% tổng số doanh nghiệp trong khu vực, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là động lực quan trọng cho tăng trưởng và tạo việc làm. APEC cũng cần hành động mạnh mẽ hơn để thực hiện sáng kiến Thuận lợi hóa kinh doanh, kể cả cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Thứ tư, trước những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, chúng ta cần tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; Thúc đẩy chuyển giao và áp dụng công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng và tính bền vững của nông nghiệp; Tăng cường quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, đào tạo kỹ năng cho nông dân và hỗ trợ họ tiếp cận vốn và thị trường; Thúc đẩy thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông thôn sáng tạo và bao trùm.

“Trong một thế giới đầy biến động, APEC cần tăng cường vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng và động lực cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập. APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò tầm toàn cầu trong điều phối các liên kết kinh tế khu vực đa tầng nấc, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch và bao trùm, và thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 về Phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhìn nhận.