APEC 2017 hỗ trợ tăng cường tiềm năng và cơ hội đầu tư cho Việt Nam
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng dành nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng với quy mô đầu tư hàng năm chiếm khoảng 5,7% GDP (là mức khá cao so với các nước trong khu vực). Tuy nhiên, hiện nay ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 20%-30% nhu cầu vốn đầu tư vào hạ tầng. Do đó, việc huy động các nguồn vốn tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng là rất quan trọng.
Hướng tới các giải pháp mới về tài chính
Trong năm chủ trì Tiến trình hợp tác tài chính APEC 2017, Bộ Tài chính Việt Nam tập trung thảo luận 4 chủ đề ưu tiên hợp tác, bao gồm (i) Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; (ii) Xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận; (iii) Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; (iv) Tài chính bao trùm.
Các chủ đề này có ý nghĩa tích cực đóng góp vào mục tiêu quốc gia “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai” của Năm APEC 2017, đồng thời tiếp nối các định hướng hợp tác tài chính dài hạn của Kế hoạch Hành động Cebu đã được các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua năm 2015, thực hiện có hiệu quả mục tiêu Bô-gô về tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Thông qua các định hướng này, các nền kinh tế thành viên APEC nỗ lực giải quyết các vấn đề chung của khu vực như tìm kiếm các nguồn lực tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý thuế và hoàn thiện hệ thống thuế để ứng phó với các thách thức về thuế toàn cầu, tăng tính minh bạch trong quản lý và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; Thảo luận về cơ chế chia sẻ rủi ro trong đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng thông qua các dự án hợp tác công tư (PPP) giúp Việt Nam tăng cường khả năng thu hút đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của các nhà đầu tư quốc tế.
Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhu cầu đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam đến năm 2030 có khoảng 480 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng dành nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng, với quy mô đầu tư hàng năm chiếm khoảng 5,7% GDP. Tuy nhiên, hiện nay ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 20%-30% nhu cầu vốn đầu tư vào hạ tầng. Do đó, việc huy động các nguồn vốn tư nhân, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng là rất quan trọng.
Cùng với nỗ lực tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế chia sẻ rủi ro trong đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng tại các dự án PPP trong APEC nhằm tháo gỡ các khúc mắc trong đầu tư công, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Chính phủ định hướng sẽ thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp lý theo hướng minh bạch, tiệm cận thông lệ quốc tế; trình tự, thủ tục đầu tư; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư quy định rõ ràng, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức PPP thành Luật PPP.
Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công; trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, công khai, minh bạch thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện đầu tư; ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng có tác động liên vùng, liên tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, tổ chức công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư theo đúng tiến độ của dự án.
Thứ tư, chính sách thuế, phí, giá liên quan sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng.
Theo quy định của Luật Phí và lệ phí (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017), nhiều loại dịch vụ công được chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hợp lý khi cung cấp công trình hạ tầng và dịch vụ công.
Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc nhập khẩu trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động đầu tư vào các dự án hạ tầng.
Thứ sáu, nghiên cứu, xây dựng chính sách kêu gọi các tổ chức đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả hình thức hợp tác PPP.
Nâng cao năng lực đối phó với các hành vi tránh thuế
Một trong những ưu tiên của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 là tập trung thảo luận về sáng kiến Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) nhằm tăng cường hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật giữa các thành viên APEC trong việc nâng cao năng lực đối phó với các hành vi tránh thuế thông qua chuyển lợi nhuận, chuyển giá, lợi dụng các kẽ hở trong các quy định quản lý thương mại điện tử, trong các hiệp định thuế giữa các quốc gia.
Thông qua APEC, một chương trình hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong các nền kinh tế APEC nhằm thực hiện các hành động BEPS đã được thực hiện, tập trung vào một số nội dung được các nền kinh tế thành viên APEC quan tâm như hồ sơ giá chuyển nhượng, báo cáo quốc gia, hiệp định đa phương... qua đó, thúc đẩy việc triển khai các hành động BEPS tại các nền kinh tế đang phát triển trong APEC.
Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế WB, OECD, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ một trăm 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS vào tháng 6/2017.
Đây là tín hiệu tốt đối với cộng đồng doanh nghiệp về nỗ lực đạt chuẩn thông lệ thuế quốc tế trên phạm vi toàn cầu và tăng cường minh bạch trong quản lý thuế của Chính phủ Việt Nam. Cùng với đó, nỗ lực trong nước nhằm cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế và hải quan sẽ được tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như:
(i) Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách thuế, chính sách hải quan, thủ tục hành chính ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực;
(ii) Đăng tải kịp thời các hướng dẫn về nội dung sửa đổi trong các chính sách thuế, hải quan mới trên các phương tiện thông tin đại chúng;
(iii) Công khai tại trụ sở cơ quan thuế, hải quan các cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử ngành các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, thủ tục hành chính thuế để người nộp thuế nắm bắt kịp thời về chính sách, thủ tục hành chính và giám sát việc thực thi pháp luật của cán bộ công chức;
(iv) Tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung thông tin về hộ kinh doanh để triển khai thực hiện việc công khai các thông tin của hộ kinh doanh trên trang thông tin điện tử của cơ quan thuế.
Lĩnh vực thuế, hải quan tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính thuế, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm thời gian và chi phí cho hải quan và doanh nghiệp, phấn đấu rút ngắn thời gian thông quan xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4. Công tác cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp giảm gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch Hành động Cebu đã được các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua năm 2015 tại tại Cebu, Philippines;
2. Việt Nam tiếp nhận vai trò chủ trì tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC; http://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/ttbt/r/o/tnb;
3. Các website: apec2017.vn, mof.gov.vn, mofa.gov.vn, moit.gov.vn…