Ba động lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán từ nay tới cuối năm
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, các động lực cho thị trường gồm chính sách tiền tệ nới lỏng, đà phục hồi của nền kinh tế và triển vọng nâng hạng.
Phóng viên: Ông có bình luận gì về thông tin rủi ro margin trên thị trường hiện nay khiến nhà đầu tư dè dặt?
Ông Bùi Văn Huy: Trước tiên, về bối cảnh thế giới, có thể thấy, thị trường chứng khoán gần đây rung lắc và điều chỉnh, đặc biệt là xu hướng chốt lời rõ ràng với cổ phiếu công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, nếu theo dõi mức độ điều chỉnh và các yếu tố khác như lợi suất trái phiếu, diễn biến đồng USD… có thể thấy xu hướng chung không quá xấu.
Trong nước cũng không có tin xấu gì quá lớn về mặt kinh tế. Thông tin margin lập ngưỡng cao lịch sử khiến tâm lý dè dặt. Thị trường có những phiên rơi sâu và thanh khoản chung giảm 20%.
Theo quan sát, hiện tại, dù ngưỡng margin về số tuyệt đối đang cao nhất lịch sử nhưng khả năng cung ứng của các các công ty chứng khoán đã lớn hơn rất nhiều sau những đợt tăng vốn gần đây. Vốn cho vay đang thừa ở rất nhiều công ty chứng khoán. Do đó, theo tôi, rủi ro margin là không cao.
Với bối cảnh những yếu tố kinh tế là không quá rủi ro, tôi cho rằng, cơ hội tiếp tục phục hồi của thị trường được đánh giá cao hơn, tất nhiên thanh khoản cần phục hồi để cho thấy sự tự tin hơn của nhà đầu tư.
Nếu thị trường trụ được trên ngưỡng 1.240 điểm, cơ hội tạo đáy sẽ trở nên rõ ràng. Với bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán ra.
Phóng viên: Một điểm được chú ý gần đây là tín hiệu mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài khi khối này đã chính thức quay trở lại mua ròng trên HOSE ở tuần trước. Chúng ta có thể kỳ vọng gì từ tín hiệu này?
Ông Bùi Văn Huy: Trước tiên, có thể nói, làn sóng bán ròng của khối ngoại có vẻ đã hạ nhiệt. Nói vui thì ai bán cũng đã bán. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại chỉ còn khoảng 17% và là ngưỡng thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận hành động bán ròng lần này có tính chất rút vốn.
Chúng ta vui đã vì có vẻ như cao điểm của việc bán ròng đã qua và mua-bán khối ngoại đã cân bằng hơn. Tuy nhiên, để có làn sóng mua ròng mạnh mẽ, chúng ta cần có những câu chuyện mới. Đó có thể là khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay hạ lãi suất hoặc có thể là khi câu chuyện nâng hạng có những chuyển biến rõ ràng.
Hoặc chúng ta phải tạo ra những điểm nhấn trong câu chuyện tăng trưởng. Nói chung, những câu chuyện để hình thành làn sóng mua ròng mới vào thị trường là chưa rõ ràng.
Phóng viên: Ông có nhìn nhận gì về các động lực cho thị trường từ nay tới cuối năm?
Ông Bùi Văn Huy: Tôi nhận thấy có 3 trụ cột chính làm động lực của thị trường gồm chính sách tiền tệ nới lỏng, đà phục hồi của nền kinh tế và triển vọng nâng hạng.
Với chính sách nới lỏng tiền tệ: Nhiều lo ngại là khi kinh tế phục hồi, lãi suất sẽ tăng trở lại và chúng ta không thể duy trì được chính sách nới lỏng như trước. Lãi suất huy động cũng đã nhích nhẹ lên. Đối với tôi, dù lãi suất có nhích nhẹ thì vẫn ở vùng thấp và đủ để kênh chứng khoán vẫn hấp dẫn. Tôi thích môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ không cần quá lỏng nhưng các điều kiện vĩ mô sáng dần như hiện tại.
Với đà phục hồi kinh tế: Các số liệu vĩ mô cho thấy giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Kinh tế tăng trưởng trở lại ở cả sản xuất, tiêu dùng và xuất nhập khẩu. Đây là động lực quan trọng để thị trường tích cực một cách bền vững trong dài hạn.
Với câu chuyện nâng hạng: Vấn đề này đã được nhắc lại nhiều trong thời gian gần đây. Những động thái, biện pháp rất quyết liệt sẽ gỡ dần những nút thắt còn chưa đáp ứng được. Nâng hạng thị trường sẽ là câu chuyện mới để hút vốn ngoại sau thời gian bị bán ròng quyết liệt vừa qua.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông chia sẻ!