Khối ngoại đánh giá tích cực về các giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán

Huyền Châm

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết cơ quan này nhận được đánh giá tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài về các giải pháp nâng hạng thị trường mà Việt Nam đang nỗ lực triển khai.

Nhà đầu tư ngoại đánh giá tích cực về các giải pháp cho tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư ngoại đánh giá tích cực về các giải pháp cho tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán.

Tích cực triển khai tháo gỡ các nút thắt

Phát biểu tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, Cơ hội mới” do báo Đầu tư tổ chức ngày 23/7, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025 là mục tiêu được Chính phủ chỉ đạo, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp trong phạm vi, chức trách, nhiệm vụ của mình để giải quyết nút thắt gây cản trở cho việc nâng hạng.

“Về phía Bộ Tài chính, công tác chuẩn bị diễn ra khẩn trương. Hiện nay, UBCKNN cùng các thành viên thị trường như SSI, Techcombank và các ngân hàng lưu ký đang tích cực xây dựng các giải pháp, chuẩn bị nguồn lực, nhân lực, công nghệ, tài chính… để chuẩn bị cho việc thị trường nâng hạng, cũng như các giải pháp để nâng hạng”, ông Bùi Hoàng Hải chia sẻ.

Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: HC
Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: HC

Ông Hải cho biết, đến thời điểm hiện tại, nút thắt lớn nhất cho tiến trình nâng hạng là câu chuyện về prefunding (ký quỹ trước khi giao dịch) đã được Bộ Tài chính tháo gỡ thông qua hoàn thành dự thảo sửa 4 thông tư. Theo đó, dự thảo của Thông tư này đã được lấy ý kiến của toàn bộ thành viên thị trường, các đối tượng chịu tác động, thậm chí là cả Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài… đăng trên website của UBCKNN, Bộ Tài chính.

“Ngày 19/7 vừa qua, Ủy ban đã hoàn thiện bản dự thảo cuối cùng và đăng trên trang website bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt để NĐT và các thành viên thị trường có thể thấy được. Nếu có thêm ý kiến đóng góp, bản dự thảo này sẽ có chỉnh sửa trước khi Ủy ban trình ký ban hành”, lãnh đạo UBCKNN thông tin.

Đối với câu chuyện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài và quyền tiếp cận bình đẳng thông tin của NĐT nước ngoài, trong bản dự thảo thông tư mới đăng tải, UBCKNN cũng đã có những quy định mang tính chất bắt buộc và có lộ trình. Theo đó, đối với các công ty niêm yết sẽ phải đăng công bố thông tin đồng thời bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt để đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận thông tin đối với NĐT nước ngoài. Ngoài thông tin định kỳ và bất thường, thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng sẽ được đăng song ngữ công khai trên các nền tảng đại chúng.

Ông Bùi Hoàng Hải cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển các giải pháp có liên quan đến vấn đề tháo gỡ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở tài khoản đầu tư vốn gián tiếp và rà soát lại việc công bố đầy đủ danh mục tỷ lệ sở hữu nước nước ngoài của các ngành nghề theo hướng công khai.

“Trong quá trình tiến hành các giải pháp, UBCKNN luôn trao đổi trực tiếp với NĐT và tổ chức quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi nhận được đánh giá tích cực của các NĐT có tham gia vào thị trường Việt Nam và các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Hầu hết các giải pháp lớn đều đã nhận được sự đồng thuận. Còn những vấn đề đang được trao đổi hầu như liên quan đến tính kỹ thuật, liên quan đến mối quan hệ giữa nhà đầu tư, công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký”, lãnh đạo UBCKNN chia sẻ.

Gia tăng hàng hóa để hút vốn ngoại

Đề cập tới câu chuyện gia tăng hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn nhằm thu hút vốn ngoại, lãnh đạo UBCKNN nhìn nhận, thời gian qua lượng doanh nghiệp lớn niêm yết trên thị trường không nhiều.

“Nhiều doanh nghiệp lớn chưa niêm yết vì chưa nhìn thấy lượng nhà đầu tư lớn có thể mua được phần vốn lớn của doanh nghiệp, họ không muốn tỷ lệ sở hữu bị dàn trải. Do đó, việc hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn niêm yết nhiều hơn cũng là giải pháp mà chúng tôi cố gắng để nâng hạng thị trường. Ở chiều ngược lại, các NĐTNN mong muốn vào thị trường khi họ nhìn thấy có nhiều doanh nghiệp lớn. Đây là mối quan hệ hai chiều” , ông Bùi Hoàng Hải đề cập.

Ông Hải cũng đề cập yếu tố kỹ thuật liên quan đến việc IPO và niêm yết. Hiện nay, quá trình IPO và niêm yết đang là hai quá trình tách biệt. Do vậy, một số doanh nghiệp IPO xong, thời gian niêm yết kéo dài, có thể từ 3 tháng hoặc hơn. Điều này khiến cổ phiếu không có giao dịch, không thanh khoản, là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư tài chính quốc tế. Thậm chí, một số các quỹ còn cấm giao dịch với các cổ phiếu chưa được niêm yết.

“Để giải quyết việc này, UBCKNN đang rà soát lại các quy định liên quan để tích hợp hai quy trình IPO và niêm yết thành một quy trình. Do vậy, sau khi sửa đổi các quy trình này, có thể nói việc doanh nghiệp sẽ được niêm yết được thực hiện ngay và thực chất sau khi IPO”, lãnh đạo UBCKNN cho biết.