Ba đột phá thể chế cần có để phát triển doanh nghiệp
(Tài chính) Hơn 30 năm đổi mới Việt Nam đã có nhiều thay đổi cơ bản về thể chế. Việc thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế ngày càng rộng mở hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài, tuân thủ đầy đủ các cam kết hội nhập quốc tế và nhiều thể chế kinh tế mới ngày càng mang tính thị trường hơn. Những đổi mới này đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực và nền tảng ban đầu quan trọng cho sự phát triển doanh nghiệp cũng như kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cần thúc đẩy đột phá thể chế hơn nữa để phát triển các doanh nghiệp với ba điểm nhấn sau:
Thứ nhất, xóa bỏ những thể chế kìm hãm doanh nghiệp, điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực doanh nghiệp, đồng thời lấp đầy những khoảng trống thể chế cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngày càng lành mạnh, hiệu quả.
Trước hết, cần khắc phục những định kiến cả về kinh tế tư nhân, cũng như về kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, hiểu đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước. Coi trọng cả hạn chế độc quyền nhà nước, cũng như kiểm soát độc quyền tư nhân; quản lý phát triển các thành phần kinh tế trên cơ sở ngày càng tự do hóa, bình đẳng hóa và phù hợp với cơ chế, quy trình thị trường, cũng như các cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới, tăng cường sự hợp tác, gắn kết giữa các doanh nghiệp và thành phần kinh tế, cũng như tạo sự đồng thuận xã hội cao. Xúc tiến nhanh hơn, triệt để hơn việc tách chức năng quản lý nhà nước về kinh tế với chức năng quản lý sản xuất kinh doanh, chức năng hành chính với chức năng dịch vụ công, hoạt động kinh doanh vị lợi nhuận với các hoạt động công ích, phi lợi nhuận.
Đặt khu vực kinh tế nhà nước ngày càng bình đẳng với các khu vực kinh tế ngoài nhà nước về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp trong sự cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật và nguyên tắc thị trường; xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực kinh tế tư nhân, chuyển từ mục đích “quản chặt doanh nghiệp” sang “hỗ trợ doanh nghiệp” bằng định hướng chính sách khuyến khích, thông tin và phát triển ổn định thị trường tiêu thụ theo ngành, sản phẩm, địa bàn chứ không theo từng doanh nghiệp, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu.
Thứ hai, đột phá về năng lực xây dựng và chất lượng văn bản pháp lý doanh nghiệp.
Cần khắc phục sự vi phạm quyền hạn, phân cấp quản lý nhà nước, quy trình soạn thảo, lấy ý kiến, phản biện, thẩm định, kiểm tra và thông qua các văn bản quy phạm pháp lý và việc ban hành một số quy định có nội dung không phù hợp thực tế, khó khả thi hoặc thậm chí gây phản cảm; kiên quyết loại bỏ hiện tượng các văn bản hướng dẫn dưới luật vừa chậm về thời gian, thiếu về cơ cấu, vừa có những nội dung không rõ ràng và cụ thể, gây hiểu theo nhiều cách khác nhau, tạo khó khăn hoặc kẽ hở trục lợi trong áp dụng; thậm chí, gây tình trạng “trên lỏng - dưới chặt”, luật và chủ trương trung ương thì thông thoáng, văn bản hướng dẫn dưới luật và vận dụng ở địa phương thì siết chặt hơn…
Nâng cao và kiểm soát năng lực, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp, kỷ luật công vụ và trách nhiệm cá nhân của đội ngũ nhân lực trực tiếp tham gia soạn thảo và thực thi văn bản pháp lý. Đồng thời, nhận diện và ngăn chặn các biểu hiện lạm dụng thẩm quyền, “cài cắm quy định” vì lợi ích cục bộ địa phương hoặc các biểu hiện tư duy nhiệm kỳ trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần phát triển hệ thống thông tin dữ liệu và các đường dây nóng phục vụ soạn thảo và thẩm định, phản biện các văn bản và quy phạm pháp lý ở Trung ương và địa phương cũng như trong hệ thống pháp luật nhà nước.
Thứ ba, đột phá về triển khai và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực tế các luật định liên quan về doanh nghiệp chung, đổi mới phân cấp quản lý kinh tế - xã hội cho các cấp chính quyền địa phương theo phương châm việc nào mà cấp nào, đơn vị nào làm nhanh, hiệu quả nhất thì giao cho cấp đó, đơn vị đó đảm nhận, đồng thời bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả chung trong quản lý nhà nước. Thúc đẩy cải cách hành chính nhằm thống nhất, đơn giản hóa và hiện đại hóa các quy trình, thủ tục, công nghệ và tiêu chuẩn quản lý doanh nghiệp ngày càng tiếp cận với yêu cầu và trình độ quốc tế.
Xây dựng một nền hành chính hiệu quả và minh bạch, phân định và làm rõ các quy chế pháp lý khác nhau đối với các loại cơ quan, phân rõ quyền hạn và trách nhiệm của sở, ban, ngành, phối hợp với các bộ liên quan, tránh tình trạng quản lý chồng chéo, đùn đẩy công việc và trách nhiệm, “tranh công - đổ lỗi” giữa các đơn vị, cá nhân cán bộ công nhân viên chức; giảm bớt quyền của cơ quan và công chức nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhất là quyền thẩm định, phê duyệt, chấp thuận, quyền cho phép và cấp phép kinh doanh để chuyển mạnh sang hướng dẫn, kiểm tra, xử lý việc thực thi pháp luật, đánh giá và hoàn thiện chính sách. Nâng cao năng lực đi đôi với phải làm rõ được trách nhiệm của công chức trong thi hành công vụ. Đối với công chức và cơ quan nhà nước, pháp luật phải quy định không chỉ họ được “làm gì”, “làm ở đâu”, mà cả “làm như thế nào”; đồng thời, có thể chế thường xuyên giám sát và đánh giá công việc của họ.
Đổi mới căn bản công tác cán bộ và quản lý doanh nghiệp nhà nước theo hướng thi tuyển, thuê giám đốc và các chức danh quản lý khác làm việc theo hợp đồng có điều kiện. Gắn chặt và cụ thể hóa những yêu cầu về trách nhiệm, nghĩa vụ với quyền hạn và quyền lợi của giám đốc và các chức danh quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Đồng bộ giải pháp, phát huy sự năng động của mỗi đơn vị, thành viên, gắn quá trình phát triển hợp tác xã và doanh nghiệp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quá trình xây dựng nông thôn mới, không chạy theo hình thức, phong trào, quản lý theo kiểu hành chính - bao cấp hoặc để mặc hợp tác xã chìm nổi theo thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu - xuất xứ hàng hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử và các trung tâm trưng bày, bán sản phẩm; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính - tín dụng, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, về giao đất, cho thuê đất, vốn, giống và sản xuất - chế biến hàng xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao cho nông hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực đã được phê duyệt, tập trung vào khâu tiêu thụ các sản phẩm như lúa, cà phê, cao su, tôm, cá, cây ăn quả và các sản phẩm khác ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn khó khăn…
Xây dựng hệ thống lý lịch tư pháp công dân, hệ thống thông tin doanh nghiệp, hệ thống đăng ký thế chấp, cầm cố tài sản, tăng cường năng lực và hiệu lực của các định chế và chế tài, kinh tế, hành chính, cũng như bộ máy tư pháp quốc gia và địa phương nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động, phát triển hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm cho doanh nghiệp, bảo hiểm cho nông nghiệp, nông dân và hệ thống phòng ngừa rủi ro, cảnh báo sớm các nguy cơ và giải quyết kịp thời các chấn động kinh tế - xã hội do quá trình thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế gây ra. Bảo vệ, khen thưởng kịp thời và tôn vinh thích đáng các đơn vị và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quản lý và phát triển doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần phát triển và tăng cường vai trò các hiệp hội ngành nghề trong xây dựng, ban hành các quy định và hỗ trợ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Phát triển hệ thống thông tin doanh nghiệp và hệ thống tiêu thức, tổ chức dịch vụ đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế, tăng cường năng lực phản ứng chính sách thích nghi nhanh chóng, hiệu quả với các biến động thị trường và bối cảnh chung trong nước và quốc tế. Lấy sự phát triển nhanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệu quả kinh tế - xã hội chung làm tiêu chuẩn đánh giá tính đúng đắn của những đột phá thể chế được lựa chọn...