Ba luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực, hoạt động M&A sẽ sôi động hơn
Ba luật liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) gồm Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 là một bước ngoặt lớn, mở ra nhiều cơ hội mới, giúp thanh lọc, định hướng thị trường phát triển lành mạnh hơn, qua đó, hoạt động sáp nhập và mua bán (M&A) cũng sẽ sôi động hơn.
Theo số liệu của Hiệp hội Môi giới BĐS (VARS), trong quý I/2024, các thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS vẫn đang tiếp tục được thúc đẩy với tần suất và quy mô ngày càng lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, nội địa và quốc tế. Dòng vốn đến từ các quốc gia châu Á quen thuộc như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản và các nhà đầu tư mới đến từ Trung Đông.
Các phân khúc được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý nhiều, ngoài nhà ở đó chính là BĐS khu công nghiệp, thương mại văn phòng, đặc biệt mảng BĐS du lịch nghỉ dưỡng cũng được các “cá mập” dần để ý trở lại.
Theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm tới BĐS Việt Nam, đặc biệt các nhà đầu tư trong khu vực châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore). Mới đây, Savills đã thực hiện môi giới M&A một dự án giá trị vài trăm triệu USD cho nhà đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ về phân khúc M&A trong lĩnh vực BĐS trong hội thảo mới đây, ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong lĩnh vực BĐS, M&A được xem là một chiến lược được ưa chuộng bởi hầu hết các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Điều này có thể minh chứng thông qua hàng loạt thương vụ M&A lớn nhỏ giữa các tập đoàn danh tiếng diễn ra trong thời gian qua.
Ông Lê Xuân Đồng - Giám đốc EY-Parthenon, Tư vấn Chiến lược (Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam) cho biết, tại Việt Nam, số lượng thương vụ M&A trong nửa đầu năm 2024 có giảm nhẹ, tuy nhiên giá trị giao dịch tăng lên gần 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư FDI đăng ký trong lĩnh vực BĐS tại Việt Nam tăng vọt, lên đến 61,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, BĐS công nghiệp gần các tuyến đường cao tốc, cửa khẩu, cảng biển, sân bay và BĐS bán lẻ khu vực trung tâm tỉnh, thành lớn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tìm kiếm, mua lại các dự án BĐS nhà ở hoặc quỹ đất sạch lớn ở các khu vực ngoại thành hoặc các tỉnh, thành phố lân cận đô thị lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để phát triển các dự án nhà phức hợp.
"Có thể thấy, thị trường BĐS Việt Nam rất có sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài như Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua cả M&A và FDI nhờ tiềm năng tăng trưởng kinh tế ổn định", ông Đồng đánh giá.
Luật sư Nguyễn Trúc Hiền - Thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF) nhận định, thời gian qua, vẫn tồn tại nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về pháp lý khiến hoạt động M&A chưa thể bứt phá.
Tới đây, nhiều quy định thay đổi toàn diện sẽ giúp các chủ đầu tư dễ dàng hơn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Giá đất theo giá thị trường sẽ tăng, vừa tạo ra lợi ích cho người sở hữu đất, vừa giúp giảm khó khăn cho các chủ đầu tư trong quá trình đền bù ở các dự án.
Theo Luật sư Hiền, Luật Đất đai 2024 cũng bổ sung thêm nhiều quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài như về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, sử dụng đất do nhận chuyển nhượng dự án BĐS và mở rộng phương thức nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
“Các quy định mới cởi mở hơn là cơ hội để thị trường BĐS Việt Nam đón làn sóng M&A nước ngoài trong giai đoạn tới đây", Luật sư Nguyễn Trúc Hiền chia sẻ.