Ba trường hợp được quản lý, sử dụng phí
Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ban hành ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí đã quy định cụ thể 3 trường hợp quản lý và sử dụng phí.
Kể từ ngày 1/1/2017, Nghị định sô 120/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Đây sẽ là công cụ quan trọng bảo đảm việc thu, sử dụng phí, lệ phí được công khai, minh bạch. Theo Nghị định số 120/2016/NĐ-CP, 3 trường hợp quản lý và sử dụng phí đó là:
Một là, phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan Nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách Nhà nước, trường hợp cơ quan Nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ xác định, phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách Nhà nước.
Cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động bao gồm: Cơ quan thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Cơ quan công an, quốc phòng được giao cung cấp dịch vụ, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí theo quy định của Luật phí và lệ phí.
Hai là, phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo tỷ lệ xác định phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách Nhà nước.
Ba là, phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp Chính phủ có quy định khác thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Số tiền phí được để lại là doanh thu của tổ chức thu phí.
Việc sử dụng số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí được quy định cụ thể cho từng khoản chi thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan nhà nước), chi thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập); khoản chi không thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan nhà nước), chi nhiệm vụ không thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập).
Có thể thấy, chính sách phí, lệ phí là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc duy trì và bảo đảm các hoạt động dịch vụ công. Chính sách phí, lệ phí gắn liền với các thủ tục hành chính và có tác động lớn đến kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc ban hành Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí bảo đảm tính công khai, minh bạch trong chính sách và quản lý phí, lệ phí.
Việc quy định cụ thể trường hợp cơ quan Nhà nước được khoán chi phí hoạt động; trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định cơ quan Nhà nước được khoán chi ở cấp Trung ương, địa phương phù hợp với thực tiễn và xu hướng phân cấp quản lý hành chính và phân cấp kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả điều tiết vĩ mô nền kinh tế, thực hiện quản lý và kiểm soát có hiệu quả hơn các hoạt động kinh tế - xã hội theo khuôn khổ của pháp luật, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, tạo nguồn thu cho địa phương gắn với chức năng quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương…