Bạc Liêu đẩy mạnh công tác xử lý và thu nợ tiền bảo hiểm
Thời gian qua, mặc dù nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện công tác thu và thu nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhưng tình trạng doanh nghiệp (DN) chưa tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (NLĐ) vẫn còn xảy ra. Tình hình nợ đọng bảo hiểm trong DN đã ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, BHYT và quyền lợi của NLĐ.
Nợ đọng tăng cao
Tính đến ngày 31/5/2021, tổng số nợ tiền bảo hiểm đã lên đến 58.134 triệu đồng. Trong đó, nợ BHXH 41.104 triệu đồng, nợ BHYT 14.844 triệu đồng và nợ BHTN 1.798 triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng tăng cao là do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, khiến các DN gặp nhiều khó khăn, cũng như tác động nghiêm trọng đến việc làm, thu nhập và thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ.
Song, bên cạnh yếu tố khách quan thì cũng còn tình trạng một số ít DN chưa có ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, có biểu hiện trốn đóng, chây ỳ, chấp nhận mức xử phạt hành chính hoặc bị tính lãi chậm nộp để chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN bổ sung vốn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Cũng như xuất hiện ngày càng nhiều DN chưa thực hiện nghiêm việc chuyển nộp tiền đóng BHXH, BHYT hàng tháng theo quy định của pháp luật, mặc dù hàng tháng ngành BHXH đều gửi thông báo nhưng vẫn không phối hợp đối chiếu quỹ lương, không thanh toán số tiền nợ BHXH, BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng chế độ BHXH, BHYT của NLĐ.
Cùng với đó, vai trò và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp này chưa được phát huy, chưa mạnh dạn đứng ra để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Trong khi đó, về phía NLĐ cũng chưa dám đấu tranh hay lên tiếng, thậm chí gửi đơn phản ánh đến ngành quản lý về những vi phạm của DN, do sợ bị mất việc làm, mất thu nhập nên đành “xuống nước” và bỏ qua các vi phạm của DN.
Ngoài ra, do lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra biên chế còn ít, khối lượng công việc nhiều, số lượng các đơn vị cần kiểm tra việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật BHXH, BHYT, Luật Công đoàn nhiều, việc bố trí các đoàn công tác liên ngành còn bị phụ thuộc chuyên môn của các đơn vị…, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc DN chậm, hoặc không đóng bảo hiểm cho NLĐ.
Tập trung xử lý
Để thực hiện tốt công tác này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia và thu nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) tỉnh với sự tham gia của các sở, ban ngành cấp tỉnh (gọi tắt là Tổ công tác 585).
Theo bà Nguyễn Thùy Như - Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB&XH, Tổ trưởng Tổ công tác 585: Để thực hiện tốt công tác thu và xử lý nợ, Tổ công tác sẽ tìm hiểu nguyên nhân khách quan, chủ quan đối với các đơn vị sử dụng lao động còn nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN, thông báo buộc đơn vị cam kết thời gian trích nộp để làm cơ sở thu hồi nợ; đồng thời xem xét đề nghị BHXH Việt Nam cắt giảm những khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN có lý do chính đáng và giải quyết dứt điểm các trường hợp tranh chấp, khiếu kiện giữa đơn vị sử dụng lao động với người lao động về thực hiện chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Thông báo cho các đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia hoặc tham gia chưa đủ số lao động, trốn đóng, để nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài thực hiện ngay trích nộp vào tài khoản thu BHXH.
Sau khi đã thông báo về thời gian, nếu đơn vị sử dụng lao động vẫn không thực hiện trích nộp trả nợ thì Tổ công tác 585 sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xử lý, cũng như có biện pháp thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, rất cần sự phối hợp của các ngành có liên quan để tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các quy định của pháp luật về chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Hàng năm tỷ lệ nợ đọng không quá 3% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Đối với các đơn vị nợ từ 2 tháng trở xuống, hàng tháng Tổ công tác 585 sẽ gửi thông báo đến các đơn vị đôn đốc nhắc nhở. BHXH theo dõi và báo cáo Tổ trưởng tình hình các đơn vị thực hiện đăng nộp BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho NLĐ sau khi nhận được Thông báo của Tổ công tác 585 gửi đến.
Đối với các đơn vị nợ trên 3 tháng (phân tích, đánh giá, phân loại nợ) hàng tháng cho Tổ công tác 585để xây dựng kế hoạch thu hồi nợ đọng.
Hàng tháng, Tổ công tác 585 cũng sẽ chọn danh sách các đơn vị có số nợ đọng cao, kéo dài để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, đưa tiêu chí đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ trong việc bình xét kết quả thi đua của đơn vị hàng năm.
Đặc biệt, sẽ đề xuất cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các đơn vị nợ nhiều năm đã có quyết định xử phạt, kết luận thanh tra, kiểm tra của các đoàn kiểm tra liên ngành nhưng vẫn cố tình không thực hiện hoặc chỉ thực hiện kết luận mang tính chất đối phó đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ khi ốm đau, nghỉ việc... không được giải quyết chế độ do đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN...
Để thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh về xử lý nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN, Tổ công tác 585 đã xây dựng kế hoạch thu nợ với mục tiêu phấn đấu đến ngày 31/12/2021 tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh dưới 2,28% theo tỷ lệ BHXH Việt Nam giao. Trong đó, sẽ tập trung thu nợ đối với các đơn vị có số nợ từ 3 tháng trở lên.
Cùng với đó sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức, tinh thần tự giác của chủ sử dụng lao động và NLĐ về chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, phân loại nợ theo từng nhóm để có giải pháp linh hoạt.
Về tiến độ, từ nay đến tháng 8/2021 là tập trung kiểm tra, gửi thông báo đôn đốc các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước và xử lý các đơn vị có biên bản kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng chưa thực hiện.
Từ tháng 9 - 12/2021, sẽ tập trung kiểm tra các đơn vị khối doanh nghiệp có nợ đọng 3 tháng kéo dài và phấn đấu tỷ lệ nợ toàn tỉnh đến ngày 31/12/2021 dưới 2,28%.