Bắc Ninh chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ

Theo Đức Huy/daibieunhandan.vn

Với vị trí địa lý sát Thủ đô Hà Nội, giao thông tốt, hưởng lợi trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng-Quảng Ninh…, những năm qua Bắc Ninh thu hút nhiều nhà đầu tư là các thương hiệu lớn, kéo theo nhu cầu phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo chuỗi cung ứng liên hoàn, để sản xuất phát triển.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử.
Công nhân trong dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử.

Sau khi Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, các bộ ngành đã ban hành các Thông tư để hướng dẫn với mục tiêu để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, tỉnh Bắc Ninh đã có những Quyết định và chính sách đi vào cuộc sống để chú trọng lĩnh vực này.

Chia sẻ tại tọa đàm "Vai trò của địa phương trong phát triển công nghiệp hỗ trợ", Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và đặt là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để  phát triển ổn định công nghiệp của tỉnh.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, Tỉnh ủy có các Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định để thúc đẩy phát triển của tỉnh như Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 30/6/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 13/5/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ngoài ra, tỉnh vẫn tiếp tục các thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh như đã ban hành Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 31/8/2021 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025. Từ các chính sách này, đã hình thành 2 cụm công nghiệp định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cụm công nghiệp hỗ trợ Cách Bi, cụm công nghiệp hỗ trợ Tân Chi 2; Đang xây dựng và tiến hành thủ tục thành lập Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh và Đề án Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp đang được hoàn thiện và triển khai.

Số liệu đến cuối năm 2021 cho thấy, tỉnh Bắc Ninh đã có khoảng 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động, chiếm khoảng 20% số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, về số lượng đã tăng gấp 3 lần so với năm 2012. Các doanh nghiệp hỗ trợ đã tạo việc làm cho 80.000 lao động, trong đó doanh nghiệp FDI thu hút trên 70.000 lao động.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động trong một số lĩnh vực chủ yếu như lắp ráp sản phẩm điện tử; Cơ khí; Thực phẩm, đồ uống công nghệ cao. Trong đó ngành công nghiệp điện - điện tử và cơ khí chế tạo chiếm tỷ trọng cao, tạo hình ảnh tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Giá trị sản xuất công nghiệp 3 ngành này chiếm 96,15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (ngành điện tử, tin học chiếm 85,73%; công nghiệp cơ khí, chế tạo chiếm 4,52%; công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, đồ uống chiếm 5,90 %).

Bà Giang khẳng định, tác động lan tỏa giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp Việt Nam là không nhỏ. Ví dụ, Tập đoàn Samsung Việt Nam bước đầu đã có chương trình bồi dưỡng doanh nghiệp phụ trợ trong nước để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp này có đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng của SamSung. Tuy nhiên, luôn cần có sự vào cuộc của nhà nước nhằm tạo sự liên kết giữa nhà nước Trung ương và địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội để cùng doanh nghiệp nhân rộng mô hình này.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, như Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương ông Trương Thanh Hoài đồng quan điểm: Mặc dù công nghiệp hỗ trợ có tầm quan trọng lớn đối với phát triển công nghiệp, tuy nhiên mức độ quan tâm còn phụ thuộc và chiến lược phát triển của mỗi địa phương đó. Đối với địa phương như Bắc Ninh, công nghiệp được xác định là động lực phát triển thì công nghiệp hỗ trợ luôn là lĩnh vực được quan tâm và ưu tiên ủng hộ cao.

Về phía doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, một số chia sẻ chịu sự chi phối lớn vào khách hàng như: Công nghệ, thiết kế, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; tiêu chuẩn chủng loại nguyên vật liệu… Trong khi đó, phần lớn nguyên vật liệu chủ yếu phải nhập khẩu do trong nước chưa chủ động được; cần thực hiện ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, về mặt bằng sản xuất…, chưa thực sự thuận lợi. Những điều này làm tăng chi phí đầu vào, thiếu chủ động về nguồn nguyên liệu, dẫn tới nhiều loại linh kiện sản xuất trong nước có giá thành thậm chí còn cao hơn so với nhập khẩu. Đó là một số nguyên nhân làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng như khó khăn cho doanh nghiệp hạ nguồn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa.

Bên cạnh đó, đầu tư vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi huy động có nguồn lực, kinh nghiệm và là chến lược đầu tư dài hạn. Do vậy, để phát triển mảng này thì chính sách phải ổn định, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, mở ra cơ hội thị trường thực sự hấp dẫn nhằm khuyến khích, tạo sự yên tâm để thu hút được nguồn vốn đầu tư của xã hội vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Có thể nói, Bắc Ninh đã có nhiều chính sách ưu tiên cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, nhưng để nâng cao vai trò của địa phương  hơn nữa thì rất cần có chiến lược, quy hoạch phát triển nhiều khu công nghiệp hỗ trợ hơn nữa, trong đó xác định thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh, khu vực phát triển để có chính sách phù hợp tăng cường các mối liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài, từ đó hình thành các cụm liên kết gia tăng hiệu quả đầu tư.