Bắc Ninh đang trở thành "tổ ấm" hội tụ nhiều "đại bàng" công nghệ

Minh Đức

Đây là đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại buổi gặp mặt doanh nghiệp tư nhân lĩnh vực khoa học công nghệ tại tỉnh Bắc Ninh, sáng ngày 12/5/2025.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chúc mừng các doanh nghiệp được trao Giấy Chứng nhận đầu tư
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chúc mừng các doanh nghiệp được trao Giấy Chứng nhận đầu tư

Ông Vương Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2024, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh bình quân là 2.947 doanh nghiệp/năm. Mức tăng doanh nghiệp trung bình hằng năm từ 10 - 15% trong 5 năm gần đây phản ánh sức hút đầu tư mạnh mẽ và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với tỉnh.

Hiện nay, tỉ lệ doanh nghiệp trên dân số của tỉnh Bắc Ninh đạt 1,6%, tương đương 16 doanh nghiệp/1.000 dân. Như vậy, còn thiếu 4 doanh nghiệp so với mục tiêu tại Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là đến năm 2030, đạt 20 doanh nghiệp/1.000 dân.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng khẳng định, thời gian qua, Bắc Ninh không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, bình đẳng và an toàn. Các chương trình hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tiếp cận tài chính, đào tạo nhân lực công nghệ cao đã bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cấp tỉnh.

Cộng đồng khoa học công nghệ trên địa bàn đã không ngừng lớn mạnh, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng thành tựu công nghệ mới như AI, công nghệ sinh học, tự động hoá,… góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hoá sản xuất, tăng năng suất lao động và phát triển kinh tế tri thức trên địa bàn tỉnh.

“Nếu giữ mức tăng 15%/năm thì đến hết năm 2027, tỉnh sẽ hoàn thành mục tiêu và đến năm 2030, tỉnh sẽ có 28 doanh nghiệp/1.000 dân”, ông Tuấn nói.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành, lãnh đạo Tổ hợp Samsung Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân đã cùng luận bàn, đóng góp ý kiến về các nút thắt cần tháo gỡ để phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, cơ chế đặc biệt, giải pháp tăng tỷ trọng và hàm lượng công nghệ,…

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá: Bắc Ninh đã liên tục đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút FDI, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa - đang trở thành "tổ ấm" hội tụ nhiều "đại bàng" công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Canon, Foxconn…

Nhiều doanh nghiệp tư nhân của Bắc Ninh đã vươn mình mạnh mẽ, đầu tư bài bản vào R&D, ứng dụng công nghệ 4.0, mô hình quản trị hiện đại để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu - từ cơ khí truyền thống vươn lên làm chủ công nghệ sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn, sản phẩm AI, thiết bị tự động hóa...

“Nguồn lực 21.000 doanh nghiệp, tổng vốn điều lệ trên 400.000 tỷ đồng là minh chứng rõ nét cho một hệ sinh thái công nghiệp năng động, đổi mới sáng tạo và hội nhập sâu rộng”, Phó Thủ tướng đánh giá. 

 

Tại sự kiện, tỉnh Bắc Ninh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 7 doanh nghiệp tiêu biểu. Trong đó, 3 doanh nghiệp trong nước đầu tư vào Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng công nghiệp với tổng vốn đầu tư 4.182 tỷ đồng (tương đương 167 triệu USD).

Tỉnh cũng cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn 50 triệu USD; cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 2 doanh nghiệp với tổng số vốn tăng thêm 639,1 triệu USD.

Tổng cộng, tỉnh Bắc Ninh "đón" số vốn hơn 856,1 triệu USD; nâng tổng vốn đầu tư đăng ký từ đầu năm 2025 đến nay đạt 2,69 tỷ USD.

Tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang để định hướng phát triển tỉnh Bắc Ninh mới (sau hợp nhất) trở thành cực tăng trưởng kinh tế của vùng và cả nước. Đồng thời, định hình mô hình phát triển kinh tế tri thức - công nghệ cao - dịch vụ hiện đại, gắn với tầm nhìn đến năm 2045, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ tri thức và đổi mới sáng tạo của vùng Thủ đô mở rộng.

Tiếp tục quan tâm phát triển nền công nghiệp xanh, sạch, hiện đại, dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tận dụng hiệu quả dư địa phát triển, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối liên tỉnh, liên vùng và quốc tế, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Gia Bình trong tương lai và hệ thống kết nối liên quan.

“Phải bảo đảm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được lan tỏa sâu rộng, để khoa học công nghệ không chỉ là "sân chơi" của các tập đoàn lớn, mà phải lan tỏa tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từng hộ kinh doanh, từng cá nhân, doanh nhân và cả cộng đồng khởi nghiệp. Đây chính là yếu tố sẽ giúp gia tăng năng suất và thúc đẩy liên kết giữa các khu vực của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Bắc Ninh, Phó Thủ tướng đề nghị đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng lực R&D, chuẩn hóa quản trị, phát triển thương hiệu và thực hành đạo đức kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội; chủ động hội nhập và nâng tầm vị thế; mạnh dạn, tiên phong chuyển đổi công nghệ, nâng chuẩn chất lượng và đầu tư chiến lược vào nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp FDI; tích cực tham gia vào quá trình phản biện; nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo;…