Bài 2: Chi cho hoạt động khoa học vẫn cảnh… “giật gấu, vá vai”


Theo quy định, chi cho khoa học công nghệ (KHCN) phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách và tăng dần theo nhu cầu phát triển của KHCN. Tuy nhiên, trên thực tế, mức chi KHCN còn thấp cùng với đầu tư dàn trải dẫn đến tình trạng “giật gấu vá vai” trong hoạt động KHCN… gây ảnh hưởng lớn đến việc phát triển KHCN cũng như khơi dậy sức sáng tạo của nhà khoa học.

Nguồn chi giảm, KHCN còn chịu cảnh “giật gấu vá vai”…

Mặc dù đầu tư ngân sách nhà nước (NSNN) cho KHCN thời gian qua có sự chuyển biến song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, đổi mới KHCN hiện nay. So với các nước, nguồn lực tài chính từ NSNN để đầu tư cho KHCN ở Việt Nam còn hạn chế (gần 0,6% GDP), trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc là 2,19% GDP; Nhật Bản đạt 3,26% GDP; Singapore đạt 1,95% GDP; Malaysia đạt 1,95% GDP…

Nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KHCN còn nhiều hạn chế. Ảnh: N. LỘC
Nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KHCN còn nhiều hạn chế. Ảnh: N. LỘC

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2017, NSNN chi cho KHCN chiếm 1,18% tổng chi NSNN. Năm 2023, chi cho KHCN chiếm 0,82% trong tổng chi NSNN, trong đó, chi cho đầu tư là 0,23% và chi thường xuyên là 5,08%.

Thông tin thêm về vấn đề này tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, từ năm 2017 đến nay, chi ngân sách dành cho KHCN đã giảm dần trong tất cả các năm, thấp nhất là 0,82%. Trong khi đó, “Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Bộ, Chính trị đều quy định phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho KHCN và đổi mới sáng tạo, tăng dần theo nhu cầu phát triển của KHCN” - ông Dũng cho biết, đồng thời nhấn mạnh, đây là con số chi đáng báo động mà nguyên nhân là do các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển KHCN, chưa có những đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí để bố trí vốn…

Không chỉ mức đầu tư thấp, qua công tác giám sát cũng như kiểm toán cũng cho thấy, kinh phí cho KHCN vốn đã eo hẹp, còn bị san sẻ cho thực hiện nhiệm vụ khác. Đơn cử, qua giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN tại Bộ Công Thương cho thấy, trong số kinh phí phân bổ cho các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ giai đoạn 2016-2021 có kinh phí chi lương và hoạt động bộ máy thông qua các nhiệm vụ thường xuyên (chiếm 19%).

 

Cần tăng đầu tư từ NSNN cho KHCN, đảm bảo 2% tổng chi NSNN trở lên. Nhà nước không phải không chi cho nội dung này mà vấn đề là phải có đề án, có công trình, dự án, có những đề xuất khả thi thì chúng ta đảm bảo chi đủ… Chúng ta không tiếc chi phí này, miễn sao chi đúng mục tiêu và nó mang lại hiệu quả, đóng góp thực sự cho việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả của nền kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Ngay tại Bộ KHCN - cơ quan chuyên trách của Chính phủ về KHCN, kết quả giám sát của Quốc hội chỉ rõ: Tổng kinh phí các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp Bộ, cấp cơ sở và các nhiệm vụ khác trong giai đoạn 2016-2021 là 3.772 tỷ đồng nhưng chỉ có 519 tỷ đồng được phân bổ để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có tới 1.784 tỷ đồng được chi cho lương, hoạt động bộ máy, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và các nhiệm vụ cấp Bộ khác… Tại các địa phương, tình trạng vốn dành cho KHCN được bố trí cho nhiều lĩnh vực khác như hạ tầng, giao thông, chi thường xuyên… xảy ra tương đối phổ biến.

Bàn về thực trạng này, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhận xét, vốn cho KHCN đã “hẻo”, khi phân bổ về địa phương, đơn vị lại tiếp tục bị xé nhỏ cho nhiều nhiệm vụ khác ngoài KHCN. Điều này không khác nào là dồn ép KHCN phải thực hiện sứ mệnh lớn, với nguồn lực đầu tư eo hẹp không tương xứng.

Vấn đề này cũng từng được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) trao đổi trước nghị trường. “Trong tổng kinh phí dành cho KHCN, chỉ có khoảng 13% dành cho nghiên cứu, còn lại dành cho chi bộ máy, chi thường xuyên” - đại biểu Long nêu thực tế.

… Và nghịch lý “có tiền nhưng không tiêu được”

Không chỉ khó khăn trong việc bố trí vốn, sự thiếu quan tâm với KHCN còn biểu hiện trong cách quản lý, sử dụng nguồn chi cho KHCN. Những bất cập này dẫn đến kinh phí cho KHCN nơi thừa, nơi thiếu, thậm chí là không thể giải ngân, dù có tiền. Đây cũng là những vấn đề đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) và các đại biểu Quốc hội, giới chuyên gia chỉ ra.

Mô hình sản xuất dưa lê Hàn Quốc tại thị trấn nông trường Mộc Châu (Sơn La) do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện. Ảnh: N. LỘC
Mô hình sản xuất dưa lê Hàn Quốc tại thị trấn nông trường Mộc Châu (Sơn La) do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện. Ảnh: N. LỘC

Theo đó, Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia được thành lập với mục tiêu tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KHCN; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KHCN quốc gia. Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) Quỹ giải ngân rất chậm; các nhà khoa học khó tiếp cận được nguồn Quỹ.

"Đến nay là 10 năm thành lập Quỹ Phát triển KHCN nhưng vẫn còn tình trạng thừa Quỹ, tồn Quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng; trong khi nguồn lực dành cho KHCN còn nhiều khó khăn, nhà khoa học rất cần kinh phí để phát triển nghiên cứu" - Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đoàn TP. Hà Nội) nêu thực tế.

Điển hình như, Quỹ Phát triển KHCN TP. Hà Nội ra đời với nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KHCN của Thủ đô. Tháng 2/2018, Quỹ được sáp nhập vào Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm sáp nhập quỹ, các bên có nhu cầu vẫn loay hoay với tờ trình, xin ý kiến... để hoàn thiện thủ tục pháp lý. Quỹ chưa thể cho vay, dù tài khoản Quỹ hiện có vài chục tỷ đồng.

 

Kết quả kiểm toán về nguồn kinh phí sự nghiệp chi cho KHCN chỉ ra, nhiều năm liên tiếp nguồn chi này không đạt dự toán (chỉ đạt từ 90-95% dự toán giao). Đơn cử, chi sự nghiệp KHCN năm 2021 đạt 95% (10.295/10.838 tỷ đồng), trong đó ngân sách Trung ương đạt 99,1% (7.627/7.697 tỷ đồng), ngân sách địa phương đạt 84,9% (2.668/3.141 tỷ đồng); năm 2020 chi sự nghiệp KHCN cũng chỉ đạt 96,1% dự toán.

Nguồn chi sự nghiệp cho KHCN nói chung hiện cũng rất vướng mắc, tạo nên nghịch cảnh “có tiền mà không thể tiêu”. Thực trạng này đã được KTNN chỉ ra qua kiểm toán nội dung về KHCN tại nhiều Bộ, ngành, địa phương vừa qua. Đơn cử, năm 2022, qua kiểm toán tại tỉnh Vĩnh Long, KTNN kết luận chi sự nghiệp KHCN của tỉnh chỉ đạt 50%. Cụ thể, dự toán được giao cho sự nghiệp KHCN của tỉnh là 29.268 triệu đồng, địa phương thực hiện chi 14.769 triệu đồng, đạt 50,46%, tương đương số tiền còn thừa cuối năm là 14.499 triệu đồng.

Theo TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, mỗi năm, Nhà nước dành hàng nghìn tỷ đồng để phát triển KHCN. Thế nhưng, năm nào các nhà khoa học cũng “rất vất vả” mới tiêu hết khoản tiền đó, thậm chí là không hết. Ông Quân chỉ rõ, đất nước đang phát triển theo kinh tế thị trường, nhưng tài chính cho hoạt động KHCN vẫn theo lối tập trung, bao cấp, rườm rà. “Các nhà khoa học cứ phải xây dựng nhiệm vụ KHCN từ năm trước, đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới được tổng hợp danh mục, rồi mới được cấp tiền vào năm sau” - TS. Quân cho biết.

Là một trong những nhà nghiên cứu có nhiều năm gắn bó và cống hiến cho khoa học nước nhà, PGS,TS. Hồ Bá Do - Phó Chủ tịch Hội Y học cổ truyền Việt Nam - chia sẻ, việc thực hiện các quy trình, thủ tục xin kinh phí cho nghiên cứu khoa học hiện nay còn nhiều bất cập, “làm khó” nhà khoa học.

Trong khi đó, phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng được quy định rõ tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 được kỳ vọng sẽ “cởi trói” trong thực hiện chi KHCN, song trên thực tế, việc triển khai phương thức này còn vô cùng gian nan. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) Đào Trọng Cường nhấn mạnh: “Chậm thực hiện khoán chi sẽ tạo rào cản rất lớn đến sự phát triển của KHCN, cũng như làm nản chí nhà khoa học”; đồng thời cho rằng, bất cập này, cùng với vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành sau nghiên cứu quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP đã được Bộ Công Thương nhiều lần kiến nghị sửa đổi nhưng vẫn “treo” cho đến nay.

Hậu quả khi những bất cập trên không được tháo gỡ như KTNN đã chỉ ra là ngay tại Bộ KHCN giai đoạn 2016-2021, không có đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp quốc gia nào áp dụng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.

Theo Báo Kiểm toán