Loạt bài: Giải “bài toán” quản lý thuế thương mại điện tử
Bài 2: “Khớp” dữ liệu, không để sót, lọt đối tượng kinh doanh thương mại điện tử
Thực tế phát triển “nóng” của hình thức kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đang đặt ra “bài toán” cho ngành Thuế suốt thời gian qua. Để quản lý hiệu quả, ngành Thuế đang dồn toàn lực để quản lý, từ việc rà soát, bao quát hết tất cả các đối tượng nộp thuế cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu TMĐT trong nước và xuyên biên giới với mục đích cuối cùng là chống thất thu cho ngân sách nhà nước.
Xây dựng cơ sở dữ liệu bao quát các đối tượng
Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay ngành Thuế đã tiếp cận hoạt động TMĐT để quản lý theo 8 nhóm nền tảng và phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động TMĐT theo 2 nhóm chính (xem hình 1).
Hình 1: 8 nhóm nền tảng và phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động thương mại điện tử
Cùng với đó, hiện tại, Tổng cục Thuế đã vận hành cơ sở dữ liệu của Ngành về TMĐT và phân quyền khai thác cho cơ quan thuế địa phương phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Đối với cơ sở dữ liệu TMĐT trong nước hiện nay đang được thu thập từ 4 nguồn dữ liệu, gồm:
Thứ nhất là thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT do các sàn TMĐT cung cấp. Tổng cục Thuế cho biết, sau 6 kỳ cung cấp thông tin từ sàn giao dịch TMĐT (từ quý IV/2022 đến quý I/2024) đã thu thập được thông tin từ 383 sàn giao dịch TMĐT với tổng số lượt giao dịch thành công cần phải rà soát là hơn 8 tỷ lượt; giá trị giao dịch là 72 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã lập danh sách có đủ thông tin mã số thuế của 46.767 doanh nghiệp và 156.342 cá nhân kinh doanh trên sàn để đưa vào diện rà soát.
Thứ hai là thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT thu thập được qua công tác thanh tra, kiểm tra. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, qua công tác thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề đối với các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo với thời kỳ thanh tra, kiểm tra từ 2018-2022, cơ quan thuế đã tổng hợp được thông tin của hơn 1,4 tỷ lượt giao dịch, tổng doanh thu giao dịch là 315.574 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT phục vụ công tác rà soát việc tuân thủ quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Thứ ba là thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT từ công cụ quét dữ liệu trên internet. Tháng 1/2014, Tổng cục Thuế đã triển khai công cụ quét thông tin của sàn TMĐT, đến tháng 5/2024 đã thực hiện quét thông tin trên 4 sàn lớn (Shopee, Lazada, Sendo, Tiki) và thu thập được thông tin hoạt động của 469.997 gian hàng.
Thứ tư là thông tin từ quản lý thuế thường xuyên của khoảng 800 nghìn doanh nghiệp và 2 triệu cá nhân trên Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) để đối chiếu số liệu thực tế khai thuế với số liệu thu thập được từ cơ sở dữ liệu TMĐT.
Bên cạnh cơ sở dữ liệu trong nước, Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng được cơ sở dữ liệu TMĐT xuyên biên giới với 4 nguồn dữ liệu được thu nhập, gồm:
Thứ nhất là thông tin về 101 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử với số thu ngân sách đạt 15,6 nghìn tỷ đồng.
Thứ hai là thông tin về các tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thay, nộp thay nhà cung cấp nước ngoài. Theo thống kê, đến quý I/2024, đã có 8 nhà cung cấp nước ngoài cung cấp thông tin của 31 nghìn tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ quảng cáo và hơn 4,2 nghìn tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ sàn TMĐT theo yêu cầu của Tổng cục Thuế.
Thứ ba là thông tin về các tổ chức, cá nhân nước ngoài phát sinh thu nhập trên sàn TMĐT Việt Nam (Shopee, Lazada) với tổng lượt giao dịch là 183 triệu lượt, doanh thu giao dịch đưa vào rà soát của đối tượng là tổ chức, cá nhân có nguồn gốc nước ngoài trên sàn TMĐT Việt Nam là 16.641 tỷ đồng.
Thứ tư là thông tin từ hồ sơ khai thuế của khoảng 101 nhà cung cấp nước ngoài, 800 nghìn doanh nghiệp Việt Nam và 2 triệu cá nhân Việt Nam trên Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) để đối chiếu số liệu thực tế khai thuế với số liệu thu thập được từ cơ sở dữ liệu TMĐT.
Rà soát chặt chẽ các đối tượng kinh doanh
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn Ngành chủ động rà soát xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế; đồng thời triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, nâng cao hiệu lực trong quản lý thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Đặc biệt, ngành Thuế đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu lớn quản lý thuế đối với TMĐT về các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT (chủ sở hữu sàn, đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhà cung cấp nước ngoài ...); bao gồm: thông tin định danh đối tượng; thông tin hoạt động kinh doanh; thông tin về dòng tiền, thu nhập; thông tin kê khai nộp thuế. Trên cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT nêu trên, ngành Thuế triển khai quản lý theo rủi ro, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.
Trên thực tế, hiện nay, mỗi Cục Thuế cũng đang có những cách quản lý riêng. Điển hình như tại Cục Thuế Hà Nội, nhờ triển khai Đề án 06 việc khớp thông tin căn cước công dân với mã số thuế (với tỷ lệ rà soát lên đến 99,8%) đã định danh được hàng trăm chủ sàn kinh doanh tmđt, hàng nghìn cá nhân, hộ kinh doanh qua mạng. Vì thế, số thu ngân sách 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực TMĐT của Cục Thuế Hà Nội đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, trong đó số thuế thu nhập cá nhân đã nộp bao gồm cả các trường hợp livestream tăng 79%.
Theo ông Vũ Mạnh Cường – Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, hiện nay, cơ quan thuế đã kết nối được căn cước công dân với mã số thuế, dữ liệu, dòng tiền từ tài khoản ngân hàng, dữ liệu vận chuyển và dữ liệu nhân thân để xác định được chính xác dòng tiền, dòng hàng và xác định rõ nghĩa vụ thu ngân sách với từng người nộp thuế.
Hay như tại Cục Thuế Lào Cai, trong 2 năm trở lại đây, số thu thuế từ hoạt động TMĐT của đơn vị này tăng “chóng mặt”. Theo thống kê, năm 2023, số thuế thu được từ hoạt động này tăng 432,48% so với năm 2022. Trong 7 tháng đầu năm 2024, số thuế thu được cũng tăng tới 154,47% so với năm 2023.
Để có được kết quả này là nhờ áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để nắm bắt, quản lý thuế như: Thường xuyên rà soát, đôn đốc, quản lý thuế đối với các cá nhân, hộ kinh doanh TMĐT trên địa bàn; Khai thác dữ liệu của tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động TMĐT thông qua các nền tảng mạng xã hội như: youtube, zalo, facebook, tiktok… để kịp thời đưa vào quản lý thuế theo quy định; Lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các trường hợp kinh doanh TMĐT qua công tác rà soát dữ liệu trên hệ thống theo nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Đáng chú ý, ông Hoàng Hồng Quang - Phó Cục trưởng Cục Thuế Lào Cai cho biết, để rà soát các đối tượng kinh doanh TMĐT, Cục Thuế đã có văn bản gửi Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tổng công ty Viễn thông Mobifone cung cấp thông tin khách hàng của các số điện thoại thuê bao thuộc sự quản lý của nhà mạng. Việc này cũng sẽ tạo cơ sở yêu cầu người nộp thuế kê khai, nộp thuế đối với các thuê bao có hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số đối với tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Còn tại một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn, ngay khi có chỉ đạo của cấp trên, Chi cục Thuế Cao Lộc đã tiến hành thực hiện rà soát trên cơ sở dữ liệu được cung cấp, bước đầu đã tiến hành phân loại, xử lý dữ liệu đối với các hộ kinh doanh thuộc địa bàn quản lý. Tuy nhiên, ông Hoàng Quốc Đạt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế cho biết, với số lượng người nộp thuế yêu cầu phải rà soát tương đối lớn, số lượng công chức quản lý địa bàn hạn chế. Chính vì vậy, Chi cục Thuế đang tập trung xác minh thông tin với các cá nhân có giá trị giao dịch cao trên 100 triệu đồng.