Thuế tối thiểu toàn cầu – Sẵn sàng cho “sân chơi mới”
Bài 2: Xây tổ đón “đại bàng”
Việc tham gia công ước thuế tối thiểu toàn cầu sẽ xóa nhòa đi chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư của Việt Nam từ trước đến nay. Chính vì vậy, để giữ chân cũng như dọn tổ đón “đại bàng”, Việt Nam cần tạo được đột phá về cải cách cũng như chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư; từ đó giúp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhanh chóng xây dựng Nghị định hướng dẫn
Có thể nói, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là thông điệp về một Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, toàn diện vào kinh tế toàn cầu và sẵn sàng tham gia các luật chơi chung. Điều này chắc chắn sẽ tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ hơn đối với cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài.
Để có thể sẵn sàng thực thi vào ngày 1/1/2024, tai Nghị quyết số 107/2023/QH15, Quốc hội giao Chính phủ, các bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết; khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm cho việc thực hiện nghị quyết.
Cùng với đó, Nghị quyết giao Chính phủ, các bộ chú trọng tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác đa phương về trao đổi thông tin tự động phục vụ việc thu thuế tối thiểu toàn cầu; xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai chính thức, phân công trách nhiệm, tổ chức bộ máy, nguồn lực để kịp thời đáp ứng năng lực thực hiện cho cơ quan thuế, có biện pháp nâng cao tuân thủ tự nguyện cho người nộp thuế.
Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang khẩn trương triển khai xây dựng nghị định quy định chi tiết các nội dung được giao trong nghị quyết để bảo đảm đầy đủ các căn cứ pháp lý, đồng bộ, thống nhất với quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 để triển khai thực hiện.
Đáng chú ý, mới đây, Tổng cục Thuế đã có thư ngỏ khuyến khích các doanh nghiệp trao đổi, làm việc với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cung cấp thông tin liên quan. Cụ thể, đối với các công ty thuộc tập đoàn có công ty mẹ tối cao tại nước ngoài: thông tin về tên công ty mẹ tối cao, quốc gia công ty mẹ tối cao, các công ty thành viên khác cùng tập đoàn tại Việt Nam; thông tin về các quốc gia tập đoàn có hoạt động đầu tư, các công ty thành viên tại từng quốc gia, tỷ lệ vốn sở hữu tại từng công ty thành viên… Các thông tin này rất cần thiết nhằm ước tính tác động của quy định thuế tối thiểu toàn cầu khi áp dụng trong thực tiễn.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế theo thông lệ quốc tế, trong đó tập trung vào việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Qua đó, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.
Xây dựng chiến lược ưu đãi mới
Song song với việc xây dựng thể chế chính sách để tham gia sân chơi toàn cầu, một yếu tố quan trọng khác đã được các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, các nhà tư vấn chính sách nhắc đến đó chính là việc cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ bổ sung cho các nhà đầu tư nước ngoài, để giữ chân và thu hút nhà đầu tư mới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi chính thức tham gia sân chơi thuế tối thiểu toàn cầu, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài hiện tại của Việt Nam và các địa phương sẽ cần những giải pháp mới. Mức thuế suất tối thiểu toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đối với những doanh nghiệp chịu tác động mà còn đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đòi hỏi chính sách thu hút đầu tư cần thích ứng nhanh chóng, kịp thời, chủ động xây dựng chủ trương chiến lược mới trong bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, để cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi, tạo điều kiện giữ chân các nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và tiếp tục thu hút đầu tư mới thì Chính phủ Việt Nam phải xử lý đồng bộ nhiều vấn đề. Cụ thể, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác; đồng thời thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu này một cách hợp lý, đúng mục đích nhằm ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Cùng với việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư, phải rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế quốc dân nhận định rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội cho Việt Nam hút nguồn vốn FDI bằng phi thuế. Để phát huy triệt để công cụ và biện pháp phi thuế, Việt Nam cần triển khai chiến lược thu hút FDI mới, tái đầu tư bằng biện pháp phi thuế đa dạng, thực chất, hiệu quả và lâu dài. Khía cạnh này cần gắn với quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, ổn định, bền vững. Song song với đó là hoàn thiện hệ thống pháp lý về FDI rõ ràng, minh bạch, thống nhất giữa các địa phương, phù hợp xu hướng thế giới, cam kết và thông lệ quốc tế gắn với cam kết thuế tối thiểu toàn cầu 15%...
Góp ý về quá trình thực thi, Luật sư Phan Hoài Nam - chuyên gia tư vấn thuế, giảng viên bộ môn Thuế của chương trình đào tạo ACCA và Học viện Tư pháp cũng nêu quan điểm, trong giai đoạn đầu thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần chú ý đến một số điểm quan trọng để đảm bảo việc áp dụng được thuận lợi và hợp lý cả cho cơ quan thuế và doanh nghiệp. Trước hết, cần đầu tư nâng cao năng lực của cơ quan thuế bằng việc tăng cường đào tạo và nâng cao kỹ năng của cán bộ thuế để họ có hiểu biết sâu sắc về các quy định mới và cách thức tính toán thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời, cũng cần đảm bảo có đủ nguồn lực và công nghệ để cơ quan thuế có thể thực hiện và kiểm soát thuế một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện một cách chi tiết và rõ ràng về quy định mới để doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về cách áp dụng và ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu đối với hoạt động kinh doanh của mình. Điều này có thể được thực hiện thông qua tổ chức các buổi hội thảo cho các nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhằm hướng dẫn chính sách thuế và giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp...