Loạt bài: Nâng cao chất lượng công bố thông tin doanh nghiệp niêm yết
Bài 3: Siết chặt công bố thông tin, nâng chế tài xử phạt
Sự chặt chẽ của cơ quan quản lý trong việc giám sát và kiểm tra việc công bố thông tin (CBTT) của doanh nghiệp niêm yết, cùng cơ chế xử lý nghiêm đối với các vi phạm, từ việc thiết lập các khoản phạt đến việc xử lý pháp lý là yếu tố cần thiết để phát triển thị trường chứng khoán đồng bộ và bền vững.
Cần một hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả
Kết quả giám sát, thanh kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho thấy, năm 2023, cơ quan này đã ban hành hơn 400 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và trên thị trường chứng khoán, với tổng số tiền phạt khoảng 37 tỷ đồng. Đáng chú ý, hơn 80% các vi phạm trên liên quan đến CBTT của doanh nghiệp, như không CBTT theo quy định; CBTT không đúng thời hạn; CBTT sai lệch; không đầy đủ nội dung, che giấu thông tin giao dịch chứng khoán…
Những vụ việc vi phạm CBTT thời gian vừa qua, tuy không phải là đại diện cho số đông doanh nghiệp nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường, tới niềm tin của cổ đông và nhà đầu tư, đã bị cơ quan quản lý xử phạt theo đúng quy định pháp luật. Một số vụ việc xử phạt áp dụng hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ giao dịch, buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin…
Đối với các vụ việc nổi cộm trên thị trường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, UBCKNN chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật. Điển hình có các vụ việc liên quan đến che giấu thông tin, thao túng giá cổ phiếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đã được cơ quan điều tra khởi tố như vụ án liên quan hệ sinh thái FLC, Louis Holding, nhóm APEC…
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, song song với việc CBTT minh bạch ra công chúng, cần có thêm những chế tài bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân, đồng thời tăng hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với những doanh nghiệp, đối tượng gây thiệt hại cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.
“Những vụ việc vi phạm CBTT gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư gần như mất trắng, đều xuất phát từ chủ đích của doanh nghiệp, cổ đông nội bộ và người có liên quan. Do đó, nếu không có chế tài xử phạt thật nặng, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đến trăm triệu nộp phạt hành chính nhưng gây tổn thất gấp nhiều lần cho nhà đầu tư”, ông Hiếu chia sẻ.
Ông Hiếu cho rằng, để cải thiện việc nâng hạng thị trường, ở góc độ quốc gia, các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng một hành lang pháp lý thật hoàn chỉnh đủ mạnh và hiệu quả để các bên tham gia phải tuân thủ pháp luật và các quy định của thị trường, đồng thời, cần xử lý thật nghiêm minh các sai phạm để tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp coi nhẹ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
“Hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay về quản lý CBTT là rất chặt chẽ, thậm chí có nhiều nguyên lý CBTT được cụ thể hoá, đưa vào quy định pháp luật. Tuy nhiên, chế tài xử phạt vi phạm CBTT trong nhiều năm trở lại đây không tương thích với sự phát sinh của các tổ chức phát hành cố tình vi phạm”, ông Hiếu nhận định.
Vai trò của đơn vị vận hành thị trường đối với CBTT
Hoạt động CBTT trong thời gian vừa qua luôn là một trong những nội dung mà UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) rất coi trọng. Nhìn nhận một cách khách quan là các doanh nghiệp đã dần ý thức hơn về CBTT, tuy nhiên, để đạt được thông lệ quốc tế, thu hút, củng cố thêm lòng tin của nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài thì thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều việc phải làm.
Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho biết, trong thời gian tới, UBCKNN chỉ đạo các SGDCK tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ, nâng cao hiệu quả CBTT của doanh nghiệp, đồng thời triển khai việc CBTT một đầu mối, thay vì doanh nghiệp phải gửi CBTT qua 3 đầu mối như hiện nay (SGDCK, VSDC, và UBCK). Bên cạnh đó, sang năm 2024, UBCKNN sẽ tập trung thanh kiểm tra vấn đề huy động và sử dụng vốn, việc tăng vốn của doanh nghiệp, vì mục tiêu cuối cùng là để bảo vệ các quyền lợi của nhà đầu tư, của các cổ đông.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà - Quyền Chủ tịch SGDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE), việc CBTT đã có sự cải thiện, cụ thể là trong 10 tháng năm 2023, số tổ chức niêm yết vi phạm CBTT giảm khoảng 25% so với năm 2022.
Đến nay, HOSE đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường rà soát, quản lý doanh nghiệp niêm yết, ở cả 2 khâu đăng ký hồ sơ niêm yết mới và quản lý sau niêm yết: Xem xét chặt chẽ hồ sơ đăng ký niêm yết, đặc biệt rà soát quá trình tăng vốn của doanh nghệp theo quy định pháp luật, cũng như nghĩa vụ CBTT về quản trị doanh nghiệp; kiểm tra cũng như hậu kiểm các thông tin mà doanh nghiệp niêm yết công bố để rà soát, phát hiện ra những vi phạm.
“Trong khâu nâng cao nhận thức của doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi luôn đồng hành và phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức các hội thảo nhằm tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật liện quan cho các doanh nghiệp niêm yết, để làm sao họ nắm được đầy đủ các quy định của pháp luật và từ đó tuân thủ đúng quy định”, bà Hà chia sẻ.
Đối với đội ngũ mà cán bộ thực hiện giám sát cũng như thẩm định hồ sơ niêm yết, HOSE có những khoá đào tạo để nâng cao kiến thức chuyên môn của họ liên quan đến công tác như nghiệp vụ kiểm toán, kế toán hoặc tài chính để họ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
“Đặc biệt, trong năm 2023, chúng tôi có ký một số biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Kiểm toán viên Việt Nam, Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Công chứng Anh quốc... để phối hợp trao đổi cũng như tìm kiếm những thông tin chuyên môn khi xem xét các hồ sơ niêm yết trong quá trình quản lý doanh nghiệp niêm yết cũng như đồng hành với các doanh nghiệp niêm yết trong việc nâng cao nhận thức cũng như thông lệ về quản trị công ty tốt nhất”, bà Hà cho biết thêm.
Để đẩy lùi thực trạng thiếu minh bạch trong việc CBTT, công bố sai chậm, có chủ đích thì ngoài những chế tài cơ quan quản lý nhà nước đưa ra, mỗi doanh nghiệp cần ý thức xem việc minh bạch hóa thông tin cho các nhà đầu tư là quyền lợi cho cả đôi bên, giữa doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư, ngoài ý thức trách nhiệm nghĩa vụ thường niên.
Cùng với đó, các đơn vận hành thị trường như Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng đã triển khai nhiều chương trình thiết thực với doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức trong vấn đề CBTT, như cuộc thi chấm điểm báo cáo thường niên, Vinh danh 10 doanh nghiệp niêm yết thực hiện QTCT tốt nhất và 10 doanh nghiệp UPCoM thực hiện CBTT và minh bạch tốt nhất năm...