Bài học từ nông nghiệp của người Thái
Thái Lan gần đây đã đưa ra một chương trình có tên là “Mô hình canh tác quy mô lớn”, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh.
Năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan (Ministry of Agriculture and Cooperatives of Thailand) đã khởi xướng một chương trình mới có tên là “mô hình canh tác quy mô lớn” (large-scale farming model).
Mục đích chính của mô hình canh tác quy mô lớn là nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh, bằng cách giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng và điều chỉnh sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.
Để đạt được điều này, nông dân ở các thửa đất liền kề được khuyến khích thành lập nhóm, với kế hoạch sản xuất và chiến dịch marketing tập thể, được điều phối bởi một người quản lý lô đất.
Tuy nhiên, Thái Lan đã gặp phải một số vấn đề làm hạn chế triển vọng của chương trình. Đây chắc chắn sẽ là những bài học hữu ích cho Việt Nam trên con đường phát triển nông nghiệp quy mô lớn, tránh đi vào vết xe đổ của người bạn láng giềng.
Thiếu những nhà quản lý toàn diện
Tìm được người quản lý toàn diện luôn là một vấn đề lớn đối với bất kỳ chương trình nông nghiệp quy mô nào. Rất khó để tìm được người quản lý lô đất lành nghề, có thể giám sát cả chuỗi sản xuất và kế hoạch marketing, nhất là khi không có phần thưởng hay một sự bồi dưỡng xứng đáng nào cho cá nhân đó.
Ở Thái Lan, giám đốc phòng nông nghiệp cấp huyện hiện được phân công làm quản lý tạm thời cho huyện tương ứng. Tuy nhiên, kế hoạch dài hạn của chính phủ là đưa nông dân tham gia vào các hoạt động quản lý và chương trình đào tạo cần thiết, giúp họ trở thành “nông dân thông minh”. Từ đó, những ứng viên sáng giá nhất có thể dần thay thế các nhà quản lý quan liêu tạm thời.
Các lô đất bị chia nhỏ
Đối với nông nghiệp diện rộng, hiệu quả kinh tế quy mô là một trong những mục tiêu quan trọng nhất. Tuy nhiên, các yếu tố và điều kiện khác nhau có thể cản trở doanh nghiệp đạt được kết quả này.
Về nguyên tắc, lợi ích kinh tế quy mô sẽ xuất hiện khi các yếu tố như máy móc, hệ thống quản lý và các chi phí cố định (tín dụng, bảo hiểm,…) nhất quán xuyên suốt chuỗi sản xuất, khi thị trường liên ngành chưa phát triển. Những yếu tố này có tác động trực tiếp và theo thời gian, có khả năng làm giảm chi phí trung bình nếu chúng được đồng bộ hóa.
Ở mô hình canh tác quy mô lớn, khi đất bị phân mảnh vì một lý do nào đó, việc áp dụng máy móc và tối ưu quản lý sẽ vô cùng khó khăn.
Nhằm chống lại những hạn chế trong khả năng tận dụng công nghệ, chính phủ Thái Lan đã đưa ra một số chiến lược tạo điều kiện cho kinh tế quy mô lớn như lãi suất vay ưu đãi 1% từ Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (Bank of Agriculture and Agricultural Cooperatives – BAAC) cho những hộ tham gia chương trình.
Tuy nhiên, kết quả thu được khá thất vọng khi chỉ có 53 trên tổng số 381 nhóm đăng ký được chấp thuận cho vay. Một vài lý do từ chối nổi bật có thể kể đến như thiếu kế hoạch kinh doanh cụ thể, thiếu cấu trúc phân cấp trong nội bộ nhóm, cơ cấu quản trị yếu và thiếu niềm tin đối với tài sản thế chấp chung.
Vì những lý do này, “mô hình canh tác quy mô lớn” đã không thể tạo ra tính kinh tế quy mô như chính phủ mong đợi.
Hệ thống quản trị yếu
Cấu trúc quản trị yếu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tỉ lệ duy trì thành viên. Chương trình của Thái Lan xây dựng một hệ thống thành viên linh hoạt khi các hộ tự nguyện tham gia và được miễn phí, còn nếu lựa chọn rời khỏi chương trình thì cũng không mất thêm khoản chi nào. Cũng không tìm được bằng chứng cho thấy những người quyết định từ bỏ chương trình phải đối mặt với các hình thức thi hành pháp lý. Ngoài ra, sự linh hoạt này giúp cho chương trình sớm thu hút được số lượng đáng kể nông dân tham gia, ngay từ thời gian đầu triển khai.
Tuy nhiên, số lượng thành viên nhóm không ổn định khiến cho các kế hoạch dài hạn về chiến lược sản xuất và marketing trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Ví dụ, các lô đất có thể bị chia nhỏ và phân tán nhiều hơn, dẫn đến việc sử dụng máy móc và nước kém hiệu quả. Các thành viên còn lại vì thế mà không thể gia tăng sản xuất, đáp ứng nhu cầu khách hàng, làm giảm uy tín của nhóm nông dân.
Kỳ vọng vào lợi nhuận ngắn hạn
Trong thời gian đầu, với số vốn được cấp khổng lồ, một lượng lớn cán bộ và nhân viên chính phủ thậm chí đã được phái đi tuyển chọn nông dân tham gia chương trình. Mặc dù nhiều người dân chưa nhận thức được mục tiêu và lợi ích của mô hình, họ vẫn lựa chọn tham gia vì những khoản trợ cấp đầu vào hấp dẫn như là hạt giống, phân bón hữu cơ, các khoản vay ưu đãi và nhiều khóa đào tạo nông nghiệp.
Ở một số khu vực, báo cáo cho thấy nông dân thậm chí được đề nghị một mức giá niêm yết cao hơn giá thị trường, nếu bán sản phẩm thông qua các nhóm trong chương trình. Tuy nhiên, bằng chứng từ các khu vực khác đã chỉ ra sự thiếu nhất quán và thất bại trong việc đáp ứng mức giá như đã hứa, khiến một số người dân quyết định rời khỏi chương trình.
Đối với nhiều nhà nông, chi phí cơ hội từ thời gian dành cho các buổi đào tạo và việc không thiết lập được mức giá niêm yết còn lớn hơn những lợi ích vật chất ban đầu.
Nợ nông
Ở nhiều nơi trên Thái Lan, chu kỳ vay nợ và trả nợ tuần hoàn là một rào cản lớn đối với nông dân có nguyện vọng tham gia chương trình. Do những hạn chế về tiền mặt và không được tiếp cận với các khoản vay tín dụng chính thống, nông dân không còn cách nào khác phải vay từ các đại lý hoặc nhà máy xay, xưởng bột địa phương. Sau đó, họ bắt buộc phải trả các khoản vay bằng tiền mặt hoặc hiện vật.
Trong nhiều trường hợp, nông dân không thể trả hết nợ và do đó, họ có nghĩa vụ tiếp tục mua hoặc bán sản phẩm với chủ nợ tương ứng trong những năm tiếp theo. Rào cản này khiến cho việc tham gia chương trình và nhận các khoản trợ cấp ngay từ đầu trở nên không khả thi đối với những con nợ nông.
Vấn đề vốn chủ sở hữu
Chương trình “mô hình canh tác quy mô lớn” phê duyệt năng lực và các khoản vay chủ yếu dựa trên nguồn lực tài nguyên như quyền sở hữu đất, diện tích tối thiểu của toàn bộ lô đất, hay hệ thống tưới tiêu sẵn có. Vì vậy, các chính sách có xu hướng thiên vị, ủng hộ các trang trại thương mại lớn trong khi phân biệt đối xử với các trang trại nhỏ hơn. Điều này rất dễ nảy sinh ra nhiều vấn đề.
Một cách lạc quan, nếu thực hiện thành công, chương trình có thể mở rộng diện tích các trang trại và theo đó tận dụng kinh tế quy mô. Tuy nhiên, nếu thất bại, ngoài việc không thể hạn chế đói nghèo và sự bất bình đẳng với những người dân khó khăn hơn, chương trình thậm chí có thể làm cho khoảng cách giàu-nghèo trở nên trầm trọng hơn.
Để hạn chế rủi ro này, chính phủ có thể xem xét hỗ trợ nông dân bằng các kênh liên kết với thị trường thông qua việc cho thuê hoặc bán đất. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho giao dịch đất đai và tạo hiệu ứng giúp tăng quy mô cũng như lợi nhuận cho nông trại.