Thêm lực đẩy cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Để doanh nghiệp nông nghiệp thực sự phát huy được vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta, nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững đã được triển khai.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động. Tuy nhiên, các DN trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng số DN với số lượng 7.600 DN; còn lại là các DN trong chuỗi các ngành liên quan đến nông nghiệp như chế biến hàng; cung cấp nguyên liệu đầu vào, DN dịch vụ thương mại...
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có khoảng 90% DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là DN tư nhân; còn lại là các DN nhà nước, DN FDI. Nguồn vốn của DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8% đến 10% tổng nguồn vốn của toàn khu vực DN. Trong đó, vốn của các DN trực tiếp sản xuất chỉ chiếm khoảng 1%.
Do có quy mô nhỏ nên các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thường có năng suất lao động sản xuất nông nghiệp thấp; chỉ có 5% sản phẩm được cấp chứng chỉ VietGAP; khâu chế biến sau thu hoạch còn nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, các DN này còn gặp khó khăn bởi nông nghiệp là lĩnh vực có rủi ro cao, khó áp dụng khoa học kỹ thuật, khó tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất, khó tiếp cận tín dụng, thị trường tiêu thụ không bền vững...
Nông nghiệp là lĩnh đặc biệt quan trọng, tạo sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành nông nghiệp muốn bứt phá, muốn trở thành trụ đỡ vững chắc, không thể tách rời DN. Do đó, phải thu hút bằng được DN vào đầu tư.
Trên thực tế, hiện đang có khá nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, thực tiễn những ưu đãi này chưa đủ sức hấp dẫn nên hiệu quả thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa cao. Để cải thiện tình hình này, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.
Theo đó, với mục tiêu đến năm 2030 có 80.000 - 100.000 DN có hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp (trong đó có khoảng 3.000 - 4.000 DN có quy mô lớn và 6.000 - 8.000 DN quy mô vừa), Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể. Các giải pháp liên quan đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp; tạo sức hấp dẫn DN đầu tư vào nông nghiệp…
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng kết các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp; Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế, khẩn trương rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính về thuế; Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai hiệu quả Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.…
Theo ý kiến nhiều chuyên gia phân tích, Nghị quyết số 53/NQ-CP có tính chất quyết sách đột phá để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, về phần mình, các DN cũng cần đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh, phát huy vai trò đầu tàu trong chuỗi liên kết, chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng… Có như vậy, DN nông nghiệp mới thực sự phát huy được vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.