Đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh 4.0: Kinh nghiệm từ Lâm Đồng
Sự phát triển của nông nghiệp thông minh là đòi hỏi tất yếu đối với nông nghiệp thế giới cũng như ở Việt Nam do biến đổi khí hậu, nhu cầu lương thực, thực phẩm vẫn tăng lên cả về lượng, về chất và do tác động mạnh mẽ từ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nông nghiệp thông minh 4.0 đã bắt đầu phát triển ở Việt Nam, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và đã thu được những kết quả tích cực. Từ thực tiễn đó, để phát triển nông nghiệp thông minh 4.0, cần có cơ chế, chính sách và những giải pháp thích hợp.
Đặc điểm của nông nghiệp thông minh 4.0
Theo Hiệp hội Máy nông nghiệp châu Âu - CEMA (2017), nông nghiệp thế giới đến nay đã trải qua 4 thời kỳ tương ứng với 4 trình độ từ thấp đến cao. Nông nghiệp 1.0 hình thành đầu thế kỷ XX với một hệ thống nông nghiệp thâm dụng lao động, phụ thuộc vào thiên nhiên, năng suất thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là tự cung tự cấp.
Nông nghiệp 2.0 được biết đến là Cuộc cách mạng xanh, bắt đầu vào cuối những năm 1950, với đặc điểm canh tác kết hợp sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; cơ khí phục vụ nông nghiệp phát triển, máy cày làm đất và máy móc phục vụ công nghệ sau thu hoạch, quá trình trao đổi nông sản toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, từng bước hình thành rõ phân vùng nông nghiệp thế giới.
Nông nghiệp 3.0 diễn ra vào giữa những năm 1990 đã tạo bước đột phá về công nghệ nhờ áp dụng các thành tựu khoa học về công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, thiết bị định vị toàn cầu (GPS). Nông nghiệp 4.0 được phát triển vào khoảng đầu những năm 2010 trên cơ sở cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với việc phát triển và ứng dụng các công nghệ thông minh như: Các thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT), công nghệ đèn LED, các thiết bị bay không người lái, vệ tinh, robot nông nghiệp và các phần mềm quản trị sản xuất, phân phối thông minh…
Phát triển nông nghiệp 4.0 ở các quốc gia trên thế giới tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
(1) Ứng dụng cảm biến kết nối vạn vật hầu hết các trang trại nông nghiệp; các thiết bị cảm biến, thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện vi khí hậu trong nhà kính;
(2) Công nghệ đèn LED sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng, ứng dụng ở các quốc gia có quỹ đất nông nghiệp ít hoặc nông nghiệp đô thị;
(3) Canh tác trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh, khí canh nhằm cách ly môi trường tự nhiên, chủ động ứng dụng đồng bộ công nghệ;
(4) Tế bào quang điện nhằm sử dụng hiệu quả không gian, giảm chi phí năng lượng; hầu hết các thiết bị trong trang trại/doanh nghiệp được cấp điện mặt trời và các bộ pin điện mặt trời;
(5) Sử dụng người máy thay cho việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi ngày càng trở nên phổ biến, được ứng dụng tại các quốc gia già hóa dân số và quy mô sản xuất lớn;
(6) Sử dụng các thiết bị bay không người lái và các vệ tinh khảo sát thực trạng, thu thập dữ liệu, từ đó phân tích, khuyến nghị trên cơ sở dữ liệu cập nhật để quản lý trang trại;
(7) Công nghệ tài chính phục vụ các hoạt động từ trang trại được kết nối bên ngoài, nhằm đưa ra công thức quản trị trang trại đạt hiệuquả nhất.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nhận thức rõ sự cần thiết phải phát triển nông nghiệp thông minh 4.0 bởi những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt trên phạm vi toàn cầu; Sức ép từ đảm bảo an ninh lương thực do tăng dân số; Nhu cầu thị trường thay đổi theo hướng yêu cầu ngày càng cao hơn đối với nông sản, thực phẩm không chỉ về sản lượng mà còn về chất lượng, dinh dưỡng, an toàn, tốt cho sức khỏe...
Phát triển nông nghiệp thông minh 4.0 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Nông nghiệp thông minh 4.0 đã bắt đầu phát triển ở Việt Nam. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đã thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp thông minh 4.0 tại đây cũng gặp một số khó khăn, thách thức.
Kết quả đạt được từ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh
(i) Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2018 theo giá so sánh 2010 đạt 48.936,8 tỷ đồng, tăng 8,14% so với cùng kỳ, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 16.884,8 tỷ đồng (chiếm 34,5% trong tổng GRDP); Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
(ii) Tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) của tỉnh Lâm Đồng ngày càng tăng. Năm 2014 đạt 39.237 ha (chiếm 15% diện tích đất canh tác), đến năm 2018 đạt 54.400 ha (chiếm 19,5 diện tích đất canh tác), trong đó diện tích cây rau 18.970 ha, cây hoa trên 3.600 ha, cây chè 6.300 ha, cây cà phê 19.900 ha, lúa chất lượng cao 5.630 ha.
(iii) Năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng công nghệ cao tăng bình quân từ 25 – 30%, giúp tăng lợi nhuận cho người sản xuất đạt trên 30% so với doanh thu.
(iv) Tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu chiếm 80% tổng kim ngạch ngạch xuất khẩu của Tỉnh.
(v) Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác của toàn tỉnh năm 2013 là 122,2 triệu đồng/ha, riêng đối với diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao doanh thu đạt gấp hơn 2 lần giá trị sản xuất bình quân toàn tỉnh (250 – 300 triệu đồng/ha), sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 450 – 500 triệu đồng/ha, cây hoa cao cấp đạt bình quân 800 – 1.200 triệu đồng/ha. Một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao hiệu quả có thể đạt doanh thu từ 1 – 3 tỷ đồng/ha/năm, các DN trồng cây dược liệu (như đông trùng hạ thảo) có thể đạt 40 tỷ đồng/ha/năm.
Mô hình phát triển nông nghiệp thông minh 4.0
Trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC), trong những năm gần đây, các doanh nghiệp/trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT) trong sản xuất nông nghiệp tạo đột phá, chủ yếu ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây với doanh thu từ 5-8 tỷ đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp điển hình ứng dụng công nghệ trên có thể kể đến như Công ty cổ phần chè Cầu Đất Đà Lạt, Công ty TNHH Long Đỉnh, Công ty TNHH Trường Hoàng, Công ty TNHH Trang trại Lang Biang, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa, Trang trại Định Farm…
Trên cơ sở thực hiện thành công chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2004-2015, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025; Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số740/QĐ-UBND về Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.
Theo đó, cùng với các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp nông nghiệp thông minh nói riêng, các dự án khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ mỗi dự án là 50% chi phí tư vấn dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực, sở hữu trí tuệ…; 50% chi phí áp dụng khoa học và công nghệ mới; 3% lãi suất sau đầu tư; hỗ trợ vay vốn Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ Khuyến công… nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh 4.0.
Một số khó khăn, tồn tại
Bên cạnh các kết quả đạt được, vấn đề phát triển nông nghiệp thông minh 4.0 ở Lâm Đồng cũng gặp một số khó khăn nhất định gồm:
- Do đặc điểm về địa hình phức tạp, diện tích đất canh tác manh mún, nhiều khu vực chưa có nguồn nước phục vụ sản xuất gây khó khăn trong việc đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh.
- Suất đầu tư cho nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh cao hơn rất nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn nông dân không không đủ điều kiện để đầu tư. Mặt khác, công tác quy hoạch triển khai còn chậm làm ảnh hưởng đến việc tổ chức phát triển sản xuất.
- Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn còn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; các tiêu chí về nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng chưa được các cấp có thẩm quyền ban hành.
- Nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh còn hạn chế.
- Tiến độ triển khai một số dự án nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh còn chậm; các cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa được xây dựng và ban hành kịp thời, chưa có cơ chế ưu đãi về tín dụng cho phát triển nông nghiệp thông minh.
Một số khuyến nghị, giải pháp
Từ thực tiễn tỉnh Lâm Đồng cho thấy, các doanh nghiệp nông nghiệp đã bước đầu tiếp cận với các giải pháp công nghệ và quản trị doanh nghiệp thông minh. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công trong phát triển nông nghiệp thông minh 4.0 những năm tới. Để phát triển nông nghiệp thông minh 4.0 ở Việt Nam, một số khuyến nghị và giải pháp cần được thực hiện như:
Một là, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân huy động nguồn lực nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh với lộ trình hợp lý.
Hai là, các cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp và nông dân cần bám sát Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm cơ sở tiếp cận và triển khai sát điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, doanh nghiệp và trang trại.
Ba là, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp 4.0.
Bốn là, mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp thu trình độ khoa học và công nghệ thế giới, cách quản trị nhằm rút ngắn thời gian, mang lại hiệu quả cao.
Năm là, nâng cao khả năng dự báo thị trường làm cơ sở định hướng sản xuất.
Sáu là, tiếp tục xây dựng, quảng bá các thương hiệu nông sản trở thành thương hiệu quốc gia có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.
Bảy là, tiếp tục ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có khả thi cao nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất nhằm tạo luồng sinh khí mới với những mô hình nông nghiệp 4.0 có quy mô lớn, sản phẩm nông sản độc đáo, an toàn và có khả năng cạnh tranh cao.
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ (2017), Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4;
- Văn Bảo (2018), 21 đơn vị ở Lâm Đồng ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản điện tử, https://baomoi.com/21-don-vi-o-lam-dong-ung-dung-truy-xuat-nguon-goc-nong-san-dien-tu/c/27488510.epi;
- Công ty cổ phần Giải pháp ERP-ITG (2010), Tổng quan về Oracle và giải pháp ERP Oracle EBS, http://www.itgvietnam.com/tong-quan-ve-oracle-va-giai-phap-erp-oracle-ebs/;
- Lê Linh (2018), Các start-up thổi làn gió mới vào ngành nông nghiệp Ấn Độ, https://www.thesaigontimes.vn/274270/cac-start-up-thoi-lan-gio-moi-vao-nganh-nong-nghiep-an-do.html.