Bài học từ thị trường chứng khoán Trung Quốc

TS. Phan Minh Ngọc

Hiện tượng bùng nổ rồi suy sụp của thị trường chứng khoán, cùng với sự can thiệp “vô tiền khoáng hậu” của Trung Quốc đã để lại không ít bài học cho nhiều nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hơn một tháng qua, Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp can thiệp trực tiếp và mạnh mẽ đến mức thái quá vào thị trường chứng khoán nước này như: cấm các cổ đông lớn bán cổ phiếu, cấm bán khống cổ phiếu, bơm tiền với quy mô lớn cho các quỹ và các công ty môi giới mua lại cổ phiếu, đình chỉ các vụ chào bán ra công chúng lần đầu (IPO) mới và hạ lãi suất.

Trong khi đó, các phương tiện thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền những điều lạc quan, tốt đẹp về tình hình thị trường chứng khoán cũng như những lời trấn an của giới chức nước này. Chính quyền Trung Quốc thậm chí còn hướng chú ý của dư luận sang những hành vi “phá hoại”, làm giá trên thị trường như là nguyên nhân chính của sự suy sụp chứng khoán chứ không phải là bản thân những bất ổn nội tại và những sai lầm của chính quyền Trung Quốc.

Bằng hàng loạt những biện pháp như vậy, Trung Quốc đã phần nào thành công với việc vực lại thị trường chứng khoán (tuy vậy, thị trường cũng chỉ tăng điểm được một tuần trước khi rơi mạnh trở lại vào đầu tuần này). Điều đáng nói ở đây là sự can thiệp thành công, nếu có, của Chính phủ Trung Quốc đang phải trả một cái giá gián tiếp khá đắt mà có thể bây giờ họ mới nhận thấy. Đó là sự đánh mất hình ảnh của một Trung Quốc đang nỗ lực cải cách kinh tế theo hướng một nền kinh tế thị trường đầy đủ và hoàn thiện.

Đó là sự sứt mẻ về niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Trung Quốc khi mà tiền của họ dễ dàng bị tước đoạt bằng những mệnh lệnh của chính quyền; và niềm tin của nhà đầu tư nội địa vào sức mạnh và khả năng của Chính phủ Trung Quốc. Đó là khả năng Trung Quốc sẽ thất bại trong tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của họ, trong đó có những việc biến nó thành đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Với Việt Nam, tuy mọi việc xem ra vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng cũng đã có một vài dấu hiệu cho thấy đây đó đang có những chính sách đi ngược lại các quy luật thị trường, mang nặng dấu ấn can thiệp của Chính phủ. Chẳng hạn mới đây nhất thì có kế hoạch Bộ Tài chính vay 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tuy Bộ Tài chính tuyên bố rằng hành động vay mượn này là hoàn toàn bình thường, đúng luật (vì Luật Ngân sách cho phép làm vậy). Đúng là có điều luật như vậy. Điều đáng nói là hành động “vay” NHNN là một hành động mang tính phi thị trường, vì về bản chất là ngân hàng trung ương in tiền cho Chính phủ chi tiêu, và đây sẽ là nguồn gốc của những bất ổn vĩ mô và những sự không minh bạch trong chi tiêu ngân sách.

Ngoài ra, hành động kiềm chế tỷ giá của NHNN chủ yếu vì mục đích bảo đảm cho nợ công (tính bằng tiền đồng) của Chính phủ và các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, không tăng vọt, trong khi đó lại gây tổn hại cho xuất khẩu, cho sản xuất nội địa nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung (do tiền đồng lên giá và lãi suất đứng ở mức cao để bảo vệ tỷ giá) cũng là một hành động đi ngược lại quy luật thị trường, tạo ra những bất trắc và rủi ro cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tất cả những chính sách trên sẽ góp phần làm tăng khó khăn cho Việt Nam khi muốn trở thành một địa chỉ hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, khi muốn được phần còn lại của thế giới công nhận là một nền kinh tế thị trường hoàn thiện và đích thực để không còn bị áp đặt những biện pháp chống bán phá giá như đang phải chứng kiến.

Bởi vậy, bài học can thiệp thô bạo vào thị trường ở Trung Quốc cần được quán triệt ngay và đầy đủ ở Việt Nam.