Bài toán giảm phát và mối lo suy giảm kinh tế

Lê Hiền

Với tư cách là người tiêu dùng, chúng ta luôn lo ngại lạm phát cao sẽ dẫn tới mất giá đồng tiền, do sụt giảm sức mua. Nhưng với các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, họ sẽ làm gì với bài toán vừa phải kiềm chế lạm phát vừa phải thúc đẩy tăng trưởng…trong giai đoạn khó khăn này?

Xăng dầu tăng là tất yếu…

Sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 7/3/2012 lên 22.900 đồng/lít xăng A92 (tăng hơn 10%), ngày 20/04/2012, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định cho phép tăng giá bán lẻ xăng dầu lên mức từ 400 đồng - 900 đồng/lít, cụ thể, đối với xăng là 900 đồng/lít (tương đương 3,93%); diêzen là 500 đồng/lít (2,34%), dầu hỏa 600 đồng/lít (2,88%) và dầu madut là 400 đồng/lít (2,13%).

Như vậy là mới hơn 3 tháng, giá xăng dầu đã tăng hơn 10%. Lý giải về việc đột ngột tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng và dao động ở mức cao, tiếp tục tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán trong nước hiện hành, khiến cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, các giải pháp về tài chính như: thuế nhập khẩu đã lùi về mức 0% với tất cả các chủng loại xăng dầu trong một thời gian dài để bình ổn giá, Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết, thì việc bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước là cần thiết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu, giảm thiểu tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước hiện nay với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia..., khoảng từ 3.660 đồng/lít đến  7.880 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng và từng nước). Cũng theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục điều chỉnh giá xăng, dầu là nhằm làm cho giá xăng dầu phản ánh được sự biến động của giá thị trường thế giới; đồng thời để phản ánh đúng giá hàng hoá, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu theo các nguyên tắc tính toán đã được quy định tại Nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Các DN kinh doanh xăng dầu cũng phản ánh, việc kinh doanh xăng A92 lỗ khoảng 1.000 đồng/lít (nếu trích Quỹ bình ổn 300 đồng/lít thì còn lỗ 700 đồng/lít), dầu DO lỗ khoảng 500-600 đồng/lít (trích Quỹ bình ổn 300 đồng/lít, sẽ còn lỗ khoảng 300 đồng/lít), do đó, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu bắt đầu cắt giảm hoa hồng cho hệ thống đại lý từ 100-150 đồng/lít, hiện còn 300-350 đồng/lít đối với xăng và 450 đồng/lít đối với dầu. Vì vậy, cần phải tăng giá xăng dầu để bù đắp lỗ cho DN.

Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: “Chúng ta tăng giá xăng dầu ở thời điểm này nhiều sẽ dễ dẫn đến lạm phát cao, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Nhưng không tăng giá thì DN sẽ thua lỗ, khó kinh doanh”.

Nhưng doanh nghiệp xăng dầu có thực sự thua lỗ không?

Trong khi liên Bộ Tài chính - Công Thương lý giải sự cần thiết phải tăng giá xăng dầu thì  một số chuyên gia kinh tế lại phân tích và nhận định khác. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng phải minh bạch giá xăng dầu và cơ cấu giá: "Chỉ lấy lý do giá thế giới tăng nên DN phải tăng giá bán là chưa minh bạch. Tôi tin là kinh doanh cây xăng có lời". Cùng quan điểm với bà Lan, TS. Đinh Tuấn Minh - Nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định: "Lương chưa tăng mà DN xăng đã muốn đi tắt đón đầu tăng giá là không nên. Nếu các cơ quan quản lý cho tăng giá xăng để "chiều lòng DN" thì sẽ có rất nhiều hệ luỵ". Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh lại cho hay: "Chúng ta bàn mãi chuyện giá xăng dầu theo cách hiện nay thì sẽ không có lối ra. Những chuyện như nên tăng bao nhiêu, tăng lúc nào, giật cục hay tăng dần, có kiềm hãm hay không, rồi Nhà nước lùi thuế cỡ nào... vẫn chỉ là những chuyện nhỏ lẻ trong toàn cục vấn đề này. Phải thay đổi căn bản cách thức điều hành thị trường xăng dầu và quản lý giá xăng dầu. Vì thế, theo tôi, xăng dầu nên thiết lập cơ chế giá trần. Trong đó, Nhà nước sẽ tính toàn phần Nhà nước bao nhiêu, doanh nghiệp hưởng bao nhiêu". Nhận định về việc tăng giá xăng lần này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: "So với lần tăng trước là 2.100 đồng/lít xăng vào đầu tháng 3, mức tăng lần này thấp hơn, chỉ có tăng 900 đồng/lít xăng. Nhưng đây vẫn là áp lực đối với DN và người tiêu dùng trước tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay. Chắc chắn việc giá xăng tăng sẽ tác động tới chỉ số giá cả. Mà như vậy sẽ tăng gánh nặng cho các DN vận tải và chỉ trong khoảng 1 - 2 tháng tới, động thái này sẽ gây ảnh hưởng tới tất cả, từ giá quả trứng, mớ rau tới giá các sản phẩm khác bởi vì sản phẩm nào rồi cũng cần phải có vận tải".

Trong khi các DN đang tìm mọi cách tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức giảm giá, khuyến mại, cho mua trả góp… thì một số DN lại tăng giá những sản phẩm mà người dân không có cách nào để từ chối sử dụng (xăng dầu, điện nước, khám chữa bệnh, học phí…). Đây cũng là một vấn đề đặt ra trong nền kinh tế thị trường chưa hoàn thiện của chúng ta.

Giá tăng không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng khốn đốn

Việc tăng giá xăng là tất yếu khi giá thế giới tăng cao, tuy nhiên việc tăng giá xăng dầu như vậy đương nhiên ảnh hưởng đến đời sống của người dân, làm cho một trong các mục tiêu của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Đảng là kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội không khỏi bị ảnh hưởng.

Xăng dầu là “yếu tố đầu vào” của nhiều hoạt động kinh tế và tiêu dùng xã hội. Các động thái từ giá xăng dầu sẽ có ảnh hưởng trước hết và trực tiếp tới chi phí sản xuất của hầu hết các ngành, hoạt động kinh tế có liên quan đến tiêu thụ xăng dầu, trực tiếp dẫn đến sự điều chỉnh tăng chi phí và giá cả các yếu tố cấu thành hàng hóa - dịch vụ “sản phẩm đầu ra” của xã hội, do đó làm tăng giá hầu hết các mặt hàng hóa và dịch vụ xã hội. Theo TS.Nguyễn Minh Phong “mỗi khi giá xăng dầu tăng sẽ trực tiếp và gián tiếp khởi động một vòng xoáy lạm phát đan xen phức tạp, bao gồm cả lạm phát giá cả, lạm phát chi phí và lạm phát tâm lý”.

Giá xăng dầu tác động nhiều nhất vào tầng lớp dân nghèo. Kể từ khi giá xăng tăng ngày 7/3/2012, giá nhiều khu nhà trọ cho sinh viên và người lao động ngoại tỉnh thuê cũng dục dịch tăng giá. Giá taxi đang dự tính sẽ tăng từ 200-300 đồng/km, giá xe ôm cũng đã kịp thời nhích lên. Khảo sát giá thị trường cho thấy, từ nắm xôi đến mớ rau, lạng thịt… tất cả đều đua nhau nhích lên một chút. Và hậu quả là người lao động - đối tượng chi phí chủ yếu là cho nhu cầu thiết yếu (ở, ăn, uống) phải gánh chịu.

Trong vòng nửa năm nay, không chỉ xăng tăng giá mà rất nhiều dịch vụ liên tục tăng. Giá điện tăng (5% ngày 20/12), đặc biệt, giá khoảng 400 loại dịch vụ y tế tăng, giá thuốc tăng, học phí niên học 2011-2012 tăng quãng 20% - 40%… Giá cả đồng loạt tăng như vậy, không chỉ những người có thu nhập khiêm tốn tỏ ra hoang mang, lo lắng vì bão giá, mà cả giới kinh doanh cũng khủng hoảng theo. Chi phí đầu vào tăng, nợ vay ngân hàng, chi phí sản xuất, trả lương lao động, nộp thuế… đang là bài toán đau đầu của hàng nghìn doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2011, đã có hơn 50 nghìn doanh nghiệp thua lỗ và phá sản, kéo theo rất nhiều hệ lụy: người lao động thất nghiệp, thu nộp ngân sách giảm, ngân hàng không thu được nợ, ảnh hưởng đến thể trạng của toàn bộ nền kinh tế.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2011 là 1300 USD/năm, tức là bình quân mỗi tháng đạt 2,16 triệu đồng, như vậy, với gia đình có thu nhập cao hơn 5 triệu đồng/người/tháng còn khả dĩ, nhưng với đa số người dân có thu nhập thấp hơn thì gánh nặng chi tiêu đè lên vai họ là quá lớn, khi nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện nước, thực phẩm kéo nhau tăng giá.

Những lo ngại tiềm ẩn sau chỉ số CPI

Tổng cục Thống kê vừa công bố: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 4/2012 so với tháng 3/2012 đã tăng nhẹ 0,05% (là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2009 - 0,17%). So với tháng 4 năm 2011, CPI tháng 4 năm 2012 tăng 10,54%. Bình quân 4 tháng đầu năm 2012, CPI tăng 14,57% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, sang tháng 5, chỉ số CPI có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn do Nhà nước tăng mức lương tối thiểu cho khối hưởng lương từ ngân sách và giá cả một số mặt hàng dự đoán sẽ tăng lên. Nhưng nhìn chung, chỉ số CPI sẽ khó có thể tăng cao do sức mua giảm sút.

Nếu chỉ nhìn vào mức tăng CPI tháng 4, nhiều người không khỏi vui mừng vì nó cho thấy có sự ổn định trong giá cả hàng hóa và mục tiêu kìm chế lạm phát ở dưới mức 2 con số của năm nay đã đi được những bước đầu khả quan. Thế nhưng, ẩn sâu đằng sau con số đó là mối lo về một sự suy giảm kinh tế. Nếu phân tích CPI tháng 4 có thể thấy, ngoài việc giá xăng dầu được điều chỉnh tăng 10% đã được phản ánh hết vào CPI tháng 4, các mặt hàng khác gần như ít có sự biến động đáng kể về giá (ngoài giao thông và giáo dục). Đặc biệt, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá 0,8% đã có tác động đến kiềm chế mức tăng của CPI tháng này. Nhưng điều khiến người ta quan tâm hơn cả là nguyên nhân giá cả ổn định, thậm chí sụt giảm. Đó là so sức mua hàng hóa của người dân sụt giảm đã khiến người bán phải giữ hoặc hạ giá để tìm cách bán được hàng. Nhiều siêu thị đã phải sử dụng rất nhiều chiêu khuyến mại nhưng doanh số bán vẫn sụt giảm. Nói cách khác, nếu CPI thấp do tổng cầu sụt giảm thì đó lại trở thành mối lo của nền kinh tế.

Như vậy, việc kiềm chế lạm phát và mục tiêu tăng trưởng đang là hai mặt của một vấn đề.

Khi chỉ số CPI tăng không đáng kể và sức mua giảm sút tức là sự suy giảm kinh tế bắt đầu. Trong cuộc họp ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tỏ ra lo ngại: Nếu lạm phát tiếp tục ở mức dưới 0,1% như tháng 4 thì “không ai làm ăn được gì cả” và nếu xuống thấp hơn chút nữa thì sẽ mất cân đối cung cầu hàng hóa. Bởi vậy, việc tập trung giải cứu sức cung và sức cầu đang được đặt ra bức thiết. DN không giải quyết được đầu ra trong khi đầu vào tăng (do xăng và giá các nguyên vật liệu tăng), người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu (cũng do giá cả tăng, thu nhập không tăng kịp)… Vậy làm thế nào để vừa giải quyết được vấn đề lạm phát, vừa thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội… là bài toán thực sự khó trong lúc này. Và cho dù chỉ số CPI có biến động theo chiều nào thì nó vẫn khiến cho người ta phải để tâm đến nó hơn bao giờ hết, vì khi lạm phát xảy ra đối với một nền kinh tế không tăng trưởng, thì đó là lạm phát đình đốn, khiến cho lạm phát càng trở nên nghiêm trọng, thê thảm không kém hiện tượng giảm phát trong một nền kinh tế suy nhược.