Bài toán tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới

TS. TRẦN THỊ VÂN ANH - Đại học Quốc gia Hà Nội

(Tài chính) Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế công bố mới đây đều có chung nhận định, khả năng phục hồi kinh tế thế giới trong những tháng cuối năm 2013 là rất “mong manh”, do bất ổn về chính trị tại một số quốc gia và khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa có lối thoát… Do vậy, bài toán tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới vẫn đang tìm lời giải…

Bài toán tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới
Kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực trong nửa đầu năm 2013. Nguồn: internet
“Bức tranh” kinh tế toàn cầu

Trong nửa đầu năm 2013, nhờ những chính sách điều hành kinh tế đúng hướng như: nới lỏng định lượng (QE), hạ lãi suất cho vay ở mức thấp của ngân hàng trung ương các nước đã kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo đà tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách trên chỉ có ý nghĩa kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn, về dài hạn nó tiềm ẩn rủi ro đến thị trường tài chính toàn cầu.

Tại châu Âu, bất ổn chính trị, kinh tế tư nhân suy yếu, khiến các nước trong khu vực buộc phải thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng” để bù đắp vào khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ. Trong khi đó, Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới đang phải “loay hoay” đi tìm lời giải cho “bài toán” nợ công. Tương tự, khu vực châu Á cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khi châu Âu và châu Mỹ tăng trưởng chậm.

Minh chứng cho những điều nói trên, trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2013 của WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 xuống 2,2%, thấp hơn mức dự báo 2,3% đưa ra trong năm 2012.

Châu Á

Trong nửa đầu năm 2013, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan nhất trong bức tranh kinh tế toàn cầu, với tốc độ trưởng mạnh của kinh tế Trung Quốc và sự vững vàng của các nền kinh tế Đông Nam Á. Theo WB, các nước đang phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng nổi bật nhất trong khu vực lần lượt là Trung Quốc 7,7%, Brazil 2,9% và Ấn Độ 5,7%...

Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra đánh giá, sở dĩ châu Á duy trì được tốc độ tăng trưởng là nhờ vào đà tăng trưởng của Trung Quốc và chương trình kích thích kinh tế khổng lồ của Nhật Bản. Tuy nhiên, những bất ổn về kinh tế - chính trị xung quanh các vấn đề tài chính ở Mỹ, các biện pháp “khắc khổ” ở châu Âu đang cản trở hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương với các nước đối tác trong khu vực châu Á. Ngoài ra, tranh chấp lãnh thổ gần đây ở châu Á đã tạo ra những bất ổn trong kinh tế vĩ mô và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngoại thương giữa các nước trong khu vực và tốc độ tăng trưởng chung.

Hơn nữa, suy thoái kinh tế ở châu Âu khiến nhà đầu tư chuyển vốn vào khu vực châu Á đã nảy sinh ra nguy cơ tăng trưởng quá nóng, gây sức ép lạm phát, tăng rủi ro tín dụng và bong bóng giá tài sản tại các nền kinh tế châu Á.

Châu Âu

Năm 2012, khu vực Eurozone chỉ có một số nước còn duy trì được mức tăng trưởng dương, các nền kinh tế khác tiếp tục tăng trưởng trì trệ, thậm chí tăng trưởng âm trong cả năm. Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), năm 2013, tình hình kinh tế của khu vực này sẽ tiếp tục đi xuống và chưa có dấu hiệu khả quan nào thể hiện khả năng phục hồi. Đáng chú ý, bốn nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu – Pháp, Tây Ban Nha, Italia và Hà Lan sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức kinh tế trong năm nay.

Bài toán tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới  - Ảnh 1

Cùng với tỷ lệ tăng trưởng thấp thì châu Âu đang “đau đầu” với bài toán thất nghiệp ngày càng tăng. Theo thống kê của Eurostat, tính đến cuối tháng 4/2013, số người thất nghiệp ở "lục địa già" này đã lên tới 26,5 triệu người, tăng hơn 10,2 triệu người so với năm 2008. Ngoài ra, các nước Eurozone đang xem xét thành lập liên minh ngân hàng nhằm “giải cứu” các ngân hàng yếu kém thông qua Quỹ cứu trợ tài chính của nhóm (ESM)…

Tóm lại, khu vực Eurozone vẫn chưa có những tín hiệu phục hồi kinh tế khả quan trong 6 tháng đầu năm 2013. Đưa ra dự báo về triển vọng phục hồi kinh tế của khu vực này, theo Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD), Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 0,6% trong năm 2013 và có thể phục hồi kinh tế vào năm 2014.

Mỹ

Khả quan hơn khu vực Eurozone, nền kinh tế Mỹ trong quý I/2013, đạt mức tăng trưởng 2,4% cao hơn dự báo trước đó của JPMorgan là 1,5%. Tuy nhiên, sang quý II/2013, kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn (1,7%), do những biện pháp thắt chặt chi tiêu của Chính phủ bắt đầu phát huy hiệu quả. Mới đây, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay chỉ đạt 1,7%. Sở dĩ IMF hạ thấp dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới là do nước này áp dụng đánh thuế thu nhập cao nhằm vào những người giàu, đồng thời việc cắt giảm ngân sách 85,4 tỷ đồng đã ảnh hưởng lớn đến đà tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2013.

Bài toán tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới  - Ảnh 2

Hiện nay, Mỹ đang phải đối mặt với số nợ công khổng lồ lên đến gần 16.000 tỷ USD (tháng 9/2012), gấp đôi tỷ lệ nợ công của nước này vào năm 1988. Ước tính hiện nay mỗi người dân Mỹ phải gánh khoản nợ công hơn 50.000 USD. Trong năm tài chính 2013, số tiền lãi suất mà Chính phủ Mỹ phải thanh toán cho số nợ nói trên ước tính lên tới 248 tỷ USD, xếp thứ sáu trong các hạng mục chi lớn của ngân sách nhà nước. Như vậy, nợ công vẫn tiếp tục là một trong những vấn đề quan trọng mà Chính phủ Mỹ phải giải quyết trong nửa cuối năm 2013.

Triển vọng những tháng cuối năm

Thế giới

Báo cáo của WB công bố mới đây nêu rõ: “Tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn chưa chắc chắn và không ổn định. Trong khi đó, nợ chính phủ vẫn là mối đe dọa đến triển vọng tăng trưởng của các nước phát triển trong những tháng cuối năm 2013”. Theo chuyên gia kinh tế của IMF - Olivier Blanchard, để giải quyết vấn đề nợ, các nhà hoạch định chính sách cần trả lời được 3 câu hỏi, đó là: Làm thế nào để xác định thời điểm tái cơ cấu nợ? Liệu có những quy định tái cơ cấu nợ mới hay không? Nếu không giải quyết nợ, thì hậu quả sẽ xảy đến ra sao?

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, để kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu những tháng cuối năm 2013, nhiều khả năng ngân hàng trung ương của các nước phát triển sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Theo Goldman Sachs, chính sách lãi suất “siêu thấp” sẽ tiếp tục được duy trì ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục hạ lãi suất thấp hơn nữa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Điển hình, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mới đây nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, WB cảnh báo, việc các nước nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng có thể “lợi bất cập hại”, do làn sóng tăng trưởng tín dụng dư thừa và tạo ra những “bong bóng tài sản” ở những khu vực kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, như: khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Xu hướng này sẽ trở thành nguy cơ lớn đối với những nước có tỷ lệ nợ/GDP ở mức cao và khả năng giám sát trong lĩnh vực tài chính còn yếu.

Châu Âu

Dù đã có những cải thiện nhưng nhìn chung nợ công vẫn đang là nỗi ám ảnh lớn của các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Cụ thể, nợ công của Hy Lạp dự kiến sẽ lên tới con số 175% GDP vào cuối năm nay. Tương tự, gánh nặng nợ nần của Italy tiếp tục tăng khi số nợ công lên tới 131% GDP năm 2013 và nợ công của Ireland và Bồ Đào Nha được dự báo sẽ lên tới 123% GDP. Bên cạnh bài toán nợ công thì châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về việc làm khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đặc biệt ở Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Trước tình hình này, EC sẽ tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ các biện pháp khắc khổ sang các cải cách cơ cấu, nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế. EC sẽ tăng sức ép lên một số nước, đặc biệt là Pháp trong việc đẩy nhanh các cải cách cơ cấu như một biện pháp đáng tin cậy duy nhất có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, ECB có thể hạ lãi suất hơn nữa để kích thích kinh tế và sẽ theo đuổi chương trình nới lỏng tiền tệ một thời gian dài nếu cần thiết.

Nhìn chung, trong nửa cuối năm 2013, rủi ro tại khu vực Eurozone vẫn là cao nhất so với bất kỳ khu vực nào khác, tuy nhiên các tài sản của khu vực này vẫn có thể tăng mạnh nhờ những tiến triển trong chính sách và trong bối cảnh không phát sinh thêm các căng thẳng mới.

Mỹ

Theo ước tính của hãng tin Reuters, tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ sẽ đạt 2,2% trong quý III/2013 và 3% trong quý IV/2013, do được hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân và sự phục hồi của thị trường nhà đất. Bên cạnh đó, mới đây, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết, sẽ tiếp tục duy trì gói cứu trợ nới lỏng định lượng thứ 3 (QE-3), để giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn còn khá cao. Dự kiến, cuối năm nay, FED sẽ xem xét cắt giảm quy mô gói cứu trợ QE-3 xuống mức 65 tỷ USD/ tháng và đến giữa năm 2014 có thể ngừng gói cứu trợ này. Tuy nhiên, dù có cắt giảm QE - 3, FED vẫn chủ trương duy trì tỷ lệ lãi suất của các khoản vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại về ngưỡng gần bằng 0% để tạo đà cho kinh tế nước này vượt qua khó khăn.

Goldman Sachs nhận định, 2013 sẽ là năm cuối cùng nền kinh tế số 1 thế giới ở trong tình trạng suy yếu. Sự cải thiện của thị trường việc làm và nhà đất cùng với sự ổn định của chi tiêu tiêu dùng sẽ giúp kinh tế Mỹ duy trì đà phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2013 và duy trì tỷ lệ tăng trưởng của trên 3%/năm.

Châu Á

Trong nửa cuối năm 2013 tình hình kinh tế ở châu Á sẽ tiếp tục được cải thiện hơn. Mặc dù các tổ chức xếp hạng lớn đã điều chỉnh giảm tỷ lệ tăng trưởng thì châu Á vẫn tiếp tục là khu vực tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Theo dự báo của ADB, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ đạt mức tăng trưởng 6,6% năm 2013 và 6,7% năm 2014, so với mức tăng 6,1% năm 2012, nhờ nhu cầu trong nước mạnh lên và hoạt động thương mại giữa các nước trong khu vực được tăng cường.

Tại Đông Á, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu, với mức tăng trưởng 7,1% năm 2013 và khoảng 7,5% năm 2014. Đối với khu vực Đông Nam Á, IMF dự báo, mức tăng trưởng trung bình của khu vực này trong năm nay là 5,5%. Bốn nước dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 là Lào (8%), Campuchia (6,7%), Myanma (6,5%) và Indonesia (6,3%).

Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng gia tăng kết hợp với việc nhiều ngân hàng trung ương ồ ạt bơm tiền trong hai năm gần đây sẽ đẩy giá cả lên cao trong năm 2013. Điển hình, Ấn Độ có nguy cơ cao nhất về lạm phát có thể tăng lên 10%, trong khi các nước châu Á khác là trên 5%, tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trên 4%, gấp đôi so với thời điểm hiện tại.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, hậu quả của việc tăng giá sẽ có thể dẫn tới khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ vào cuối năm 2013, buộc các ngân hàng Trung ương châu Á phải tăng lãi suất. Điều này có thể làm vỡ “bong bóng” nhà đất vốn đang được thổi phồng nhờ lãi suất thấp tại Singapore và Hong Kong. Hiện nay, giá bất động sản tại Singapore đã tăng 56% kể từ năm 2007 và xu hướng này có thể còn tiếp tục tăng trong năm nay, do lãi vay mua nhà tại đây đang thấp kỷ lục. Còn ở Hong Kong, giá nhà đã tăng 20% trong năm 2012 do lãi suất thế chấp thấp và dòng vốn nóng từ nước ngoài chảy vào.

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương gần đây, IMF đã cảnh báo các nước trong khu vực phải đề phòng “bong bóng” kinh tế phát sinh từ những chính sách tiền tệ quá dễ dãi, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Theo IMF, dòng vốn nóng có thể thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực. Nếu kinh tế toàn cầu suy giảm, dòng vốn rút ra nhanh và nhu cầu bên ngoài yếu sẽ kéo các nền kinh tế cởi mở nhất châu Á giảm xuống rất mạnh và hậu quả là vốn đầu tư sẽ thấp đi, việc làm tại các lĩnh vực phụ thuộc xuất khẩu cũng giảm mạnh. Để khắc phục tình trạng này, các nước trong khu vực cần kiểm soát dòng vốn thông qua các biện pháp vĩ mô thích hợp đồng thời cần linh hoạt thực thi chính sách tỷ giá phù hợp.

Như vậy, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực trong nửa đầu năm 2013. Tuy nhiên, việc chưa tìm ra những giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề tồn tại của các nền kinh tế lớn như châu Âu và Mỹ sẽ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong nửa sau của năm 2013.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 7 - 2013