Ban Chỉ đạo sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X làm việc với tỉnh ủy Quảng Nam
(Tài chính) Chiều ngày 16/4 tại Quảng Nam, Đoàn công tác Trung ương Ban Chỉ đạo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) do GS., TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo làm việc với tỉnh ủy Quảng Nam về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tham dự đoàn công tác có các Ông: Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Toàn Thắng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương; Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội; các Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng thuộc Ban Kinh tế Trung ương và các Bộ: Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp.
Sau 05 năm (2008-2013) triển khai thực hiện Nghị quyết, tỉnh Quảng Nam từng bước nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nắm vững các quan điểm chỉ đạo, chủ trưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo sự đồng thuận, quyết tâm chính trị cao nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quan tâm đến công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nông thôn miền núi có sự chuyển biến tích cực.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2008 -2013 là 11,86% (theo giá so sánh năm 2010); tổng kim ngạch xuất khẩu thực hiện hơn 2,2 tỷ USD, tăng bình quân hằng năm 20%; khách du lịch lưu trú tăng nhanh, từ 779 ngàn lượt năm 2008 lên 1,12 triệu lượt năm 2013 (tăng hằng năm 7,5%), doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 21%/năm, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng liên tục, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong 5 năm hơn 26.400 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp của các thành phần kinh tế tăng nhanh, được bảo đảm bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh Quảng Nam có 4.250 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động với tổng vốn điều lệ 26.000 tỷ đồng; 94 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp 70% giá trị xuất khẩu. Các loại thị trường được thiết lập, công tác quản lý nhà nước được đổi mới, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ (tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hơn 69.200 tỷ đồng); tái cơ cấu đầu tư công, liên kết phát triển vùng, thành lập ban điều phối vùng gồm 9 tỉnh/thành phố, mô hình khu kinh tế mở Chu Lai hoạt động có hiệu quả.
Đánh giá về quá trình thực hiện Nghị quyết, Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi chia sẻ, thực tế khách quan địa phương cho thấy, thứ nhất, cần xác định rõ vai trò điều tiết của Nhà nước với khu vực Miền Trung; thứ hai, chúng ta cần xác định được thị trường ở khu vực là gì, phải đánh giá được sức mua cung cầu của thị trường Miền Trung, bởi thị trường khu vực này sức mua yếu, vậy muốn thúc đẩy thị trường cần có bàn tay của Nhà nước. Thị trường ở khu vực này cũng có rủi ro cao, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ rất thấp.
Bài học của Quảng Nam trong thời gian qua là thu hút các doanh nghiệp lớn từ trong nước thay vì thu hút từ nước ngoài, làm được việc này theo Ông Hải phải tạo cơ chế tốt cho doanh nghiệp thì mới thu hút được các doanh nghiệp tốt, hỗ trợ được cho doanh nhân, ở Quảng Nam thu hút mạnh những doanh nghiệp phát triển công nghiệp. Góp ý kiến trong việc xây dựng chính sách kinh tế, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh, Trung ương cần ưu tiên phân bổ các nguồn lực, các dự án trọng điểm thúc đẩy cho các vùng kinh tế, đặc biệt là những vùng thiếu thể chế kinh tế, thiếu tính liên kết vùng như Quảng Nam, khẩn trương đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, thúc đẩy công nghiệp phụ trợ.
Ông Lê Phước Thanh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, Nghị quyết đã tác động mạnh vào đời sống phát triển kinh tế xã hội, giúp các tỉnh Quảng Nam có những đột phá phát triển kinh tế trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu muốn phát huy tính chủ động sáng tạo của địa phương thì chúng ta cần định hình được chế độ phân cấp, Trung ương làm việc gì, địa phương được làm việc gì (hiện nay địa phương vẫn còn phải đi xin nhiều); chọn lọc các nhóm đầu tư ưu tiên, quá trình phân bổ ngân sách, đầu tư cho địa phương trong thời gian qua còn có bất cập, theo Ông Lê Phước Thanh, Trung ương nên xem xét phân bổ theo chương trình mục tiêu (khoảng 5 năm), giao cho địa phương tự cân đối, Trung ương tập trung tăng cường kiểm soát, địa phương làm sai thì sẽ bị kỷ luật; nghiên cứu cơ chế chính sách, nguồn lực để địa phương chủ động, sáng tạo, phát triển, nhất là đối với vấn đề kinh tế vùng núi, tỉnh xác định nếu Trung ương hỗ trợ phát triển được hạ tầng giao thông thì sẽ thu hút phát triển cây cao su và các dự án đầu tư vào vùng kinh tế này.
Nhân dịp sơ kết, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam kiến nghị, khi Trung ương xây dựng chủ trương, ban hành văn bản pháp luật cần sát với thực tiễn ở địa phương để khi triển khai chính sách có hiệu quả cao, thúc đẩy được phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, việc xây dựng chính sách ở Quang Nam cần có đặc thù riêng, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc, đồng bào nghèo cần phải khác với người kinh, phải bình đẳng, công khai, rõ ràng, hiện nay đầu tư chưa tới nơi. Quảng Nam là tỉnh chịu hậu quả chiến tranh khốc liệt, so với các tỉnh thì đây là địa phương đặc thù, kể cả là vùng biển, khác với biển Nam Bộ, chính vì vậy việc đầu tư cho ngư dân làm biển cần được quan tâm hơn, khác với các tỉnh khác. Theo Ông Bùi Hồng Lĩnh, Trung ương nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù cho những tỉnh thường xuyên bị thiên tai, hậu quả của chiến tranh, việc đầu tư cơ bản phải đầu tư theo hướng đó.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cơ bản đánh giá cao tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ sau 3 tháng đã xây dựng chương trình hành động. Nói về vấn đề phân cấp cho địa phương, Ông Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, hiện nay xuất hiện xu thế thu về Trung ương, tuy nhiên theo Ông Tú, không ai hiểu lợi ích địa phương bằng chính quyền địa phương, chính vì vậy việc phân cấp cho địa phương là cần thiết nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo của địa phương để phát triển. Đối với vấn đề phát triển doanh nghiệp, theo Ông Nguyễn Cẩm Tú, nhà nước cần duy trì doanh nghiệp Nhà nước ở lĩnh vực nào, cần làm lớn ngay từ đầu, tuy nhiên cần giải quyết vấn đề đầu ra cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Nam trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) và những ý kiến đánh giá, góp ý vào thực tiễn triển khai nghị quyết. Trong điều kiện khó khăn, nhưng quy mô phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam cũng đã lớn hơn, tăng trưởng kinh tế tốt, chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo; các lĩnh vực đã có những cố gắng, tiến bộ. Các ý kiến đều đánh giá Nghị quyết đã tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, đạt được nhiều thành tựu, triển khai nghiêm túc nghị quyết.
Qua các ý kiến phát biểu của các thành viên tại buổi sơ kết, đoàn công tác củng cố được thêm luận cứ, tiếp thu bổ sung vào báo cáo. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng vai trò của Nhà nước càng rõ hơn. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh, tới đây cần xem xét xây dựng được thể chế cho một số ngành, một số vùng làm sao để địa phương có thể chủ động, năng động, sáng tạo; tiến tới bộ, ngành chủ yếu là quản lý nhà nước, phát huy vai trò cá nhân, vai trò cộng đồng là rất quan trọng, tính bài toán phân cấp, gắn với hiệu quả các dự án. Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Quảng Nam cần tiếp tục phát huy vai trò Nhà nước trong các chính sách an sinh xã hội, quan tâm đến hộ nghèo, tính toán chuyển dịch cơ cấu lao động.
Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X gồm có 23 thành viên (trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị; 18 Ủy viên Trung ương Đảng) do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban Chỉ đạo.