Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính


Chiều 6/5, Đoàn Công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về tình hình, kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Đoàn công tác số 2 chủ trì buổi làm việc.

Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Đoàn công tác số 2 chủ trì buổ làm việc. (Ảnh. Hữu Thọ)
Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Đoàn công tác số 2 chủ trì buổ làm việc. (Ảnh. Hữu Thọ)

Dự buổi làm việc, có đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, cùng các thành viên trong Đoàn công tác số 2. Về phía Bộ Tài chính có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Đoàn Công tác số 2 cho biết: Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tài chính đã nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW và Quyết định số 196-QĐ/BCĐTW của Ban Chỉ đạo, bảo đảm đúng yêu cầu, nội dung, chương trình kiểm tra.

Đồng thời, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác PCTN, nhất là trong xây dựng và tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, định mức, chế độ về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước và công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án, vụ việc hình sự về tham nhũng, kinh tế; xử lý, thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật về lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán (từ năm 2013 đến tháng 9/2018).

Trong quá trình tổ chức triển khai, các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện các biện pháp thu giữ tài sản, hàng hóa, tang vật vi phạm, phong tỏa tài khoản theo quy định của pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được giao.

Tăng cường chỉ đạo các vụ, cục chức năng thuộc Bộ; các cơ quan thuế, hải quan các cấp nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án trong trao đổi, cung cấp thông tin giám định, thẩm định, định giá giá trị tài sản, xác định chủ sở hữu… để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án có liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực tài chính.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành được quan tâm, đem lại hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tham nhũng trong ngành Tài chính.

Việc quản lý dữ liệu tiền, tài sản tạm thu, tạm giữ của các cơ quan chức năng tại Kho bạc Nhà nước, số nộp ngân sách nhà nước về tiền án phí, phí thi hành án, thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng, kinh tế được tổ chức thực hiện chặt chẽ, thống nhất trong toàn quốc.

Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra đã đề nghị Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ thực hiện quyết liệt các chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật trong công tác PCTN; đặc biệt là đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án, vụ việc hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh. Hữu Thọ)
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh. Hữu Thọ)

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Liên quan tới xử lý những vụ án tài sản tham nhũng có công tác giám định tư pháp và định giá tài sản rất quan trọng. Vì vậy, khi trưng cầu giám định đòi hỏi phải đúng chức năng của các bộ, ngành liên quan. Do vậy, phải tham mưu đúng, trúng và hiệu quả cho Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị.

Về cơ chế phối hợp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, viện kiểm soát, tòa án với cơ quan tài chính để có thể theo dõi, tổng hợp được tài sản thu hồi. Đặc biệt là cần có một quy chế phối hợp do cấp Trung ương ban hành thống nhất để xử lý thu, nộp vào ngân sách nhà nước đối với các tài sản tham nhũng đã được điều tra, truy tố, xét xử.

Kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác số 02, đồng chí Tô Lâm, Trưởng đoàn Công tác số 2 ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực tài chính, tài sản công, thu chi ngân sách nhà nước... và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác phối hợp thực hiện thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh. Hữu Thọ)

Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, chuyển giá, rửa tiền... xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các vụ án, vụ việc vi phạm.

Đồng thời tiếp tục bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, góp phần chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực... nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.