Bán doanh nghiệp nhà nước, ai mua?

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG

(Tài chính) Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được thí điểm từ năm 1992, đến năm 1996 chính thức thực hiện.

 Bán doanh nghiệp nhà nước, ai mua?
Hiện nay, có khoảng 949 DNNN có 100% vốn nhà nước và 1217 công ty cổ phần có cổ phần chi phối của nhà nước. Nguồn: internet
Giai đoạn 2000 - 2007, Việt Nam cổ phần hóa được 4.000 doanh nghiệp (DN). Nhưng từ năm 2007, các tập đoàn kinh tế đa dạng hóa đầu tư ngoài ngành, thành lập công ty con, số DNNN tăng lên. Sau này, mỗi năm chỉ vài chục DN và ngày càng khó cổ phần hóa hơn. Tính đến tháng 1/2014, Việt Nam cổ phần hóa được 4065 DNNN.

Hiện nay, có khoảng 949 DNNN có 100% vốn nhà nước và 1217 công ty cổ phần có cổ phần chi phối của nhà nước. Tổng nguồn vốn kinh doanh của DNNN trên 2,5 triệu tỷ đồng, tương đương GDP hằng năm, trong đó, vốn chủ sở hữu nhà nước trên 1.000 tỷ đồng.

Tài sản, vốn và các nguồn lực quan trọng của DNNN tập trung ở 106 tập đoàn và tổng công ty, trong đó, 8 tập đoàn chiếm gần 80% số tài sản của khu vực này. Việt Nam cải cách DNNN trong bối cảnh hầu hết các DN lớn bị sa lầy vào bất động sản, tài chính, ngân hàng, khu vực DN tư nhân chiếm tỷ lệ nhỏ trong GDP, khoảng 11%, đang gặp nhiều khó khăn và cũng phải tự tái cơ cấu.

Như vậy, bán đấu giá DNNN trong bối cảnh này, ai mua?

Cơ cấu các bộ và vai trò của DNNN như hiện nay hoàn toàn không phù hợp với kinh tế thị trường. Hội nghị Trung ương 3 kết luận phải tái cơ cấu DNNN, một trọng tâm để tái cơ cấu nền kinh tế. Hội nghị Trung ương 6 nói phải thu hẹp phạm vi hoạt động của DNNN, nhưng vai trò, vị trí của DNNN chưa thay đổi, vẫn tuyên bố DNNN là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế.

Nguyên lý của kinh tế thị trường là để thị trường điều chỉnh DN. Nhưng nước ta lại sử dụng DNNN điều chỉnh thị trường, hoặc với DN độc quyền thì không kiểm soát hoặc kiểm soát không hiệu quả, nên những DN này chi phối thị trường làm méo mó nguyên tắc của kinh tế thị trường.

DNNN không bị áp đặt nguyên tắc của thị trường, không bị chi phối bởi ngân sách cứng, giá vốn thấp hơn giá thị trường, không tính đến chi phí cơ hội, lỗ không bị phá sản.

Nếu khó khăn, DN xin chính phủ giảm thuế, xin cấp thêm tín dụng, xin hoãn trả bảo hiểm xã hội khi không trả được, xin lui lại thời hạn khi không trả được thuế... Coi DNNN ở vị trí điều tiết nền kinh tế, nên không thể mất đi, vị trí này khác biệt với các thành phần kinh tế khác.

Tới đây, một trong những cải cách của Việt Nam là mở cửa các thị trường độc quyền, nhưng lại vướng vấn đề "chủ sở hữu". Các cơ quan "chủ sở hữu" của DNNN vừa có vai trò quản lý, giám sát DNNN, vừa ban hành chính sách chung, nên khó tạo được sự khách quan trong quản lý, trở thành một trong những nguyên nhân không áp đặt được kỷ cương thị trường đối với DNNN.

Một trong những nội dung quản trị hiện đại là tách biệt chủ sở hữu ra khỏi những nguyên tắc khác, chức năng khác của Nhà nước, thay đổi lại vị trí của DNNN, tách biệt chức năng kinh doanh và chức năng xã hội. Nhưng đến nay, việc áp dụng các nguyên tắc quản trị hiện đại của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong các DNNN chưa có động tĩnh gì.

Vấn đề của DNNN hiện nay không phải là sự tồn tại trên một phương diện rộng, mà là sự méo mó, sai lệch mà chúng tạo ra cho nền kinh tế. Đặc biệt, sự sai lệch về giá trị, về hệ thống khuyến khích đã làm sai lệch về phân bố nguồn lực của nền kinh tế dẫn đến sử dụng nguồn lực kém hiệu quả.

Những điều này, không chỉ DNNN bị ảnh hưởng mà còn tác động tới toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, có 4 nhóm phải giải quyết hiện nay đối với DNNN: Quan niệm về vị trí, chức năng, vai trò của DNNN trong nền kinh tế; buộc áp dụng ngân sách cứng, kỷ luật thị trường; áp dụng quản trị hiện đại, cuối cùng là cổ phần hóa.

Gần đây Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng rất mạnh mẽ trong việc tái cơ cấu DNNN. Kế hoạch đặt ra trong năm 2014-2015 là cổ phần hóa 432 DNNN, danh mục đã được thiết kế rõ ràng.

Chính phủ cũng tuyên bố thoái vốn hết đầu tư ngoài ngành và năm 2015 sẽ kết thúc. Tuy nhiên, thực tế cổ phần hóa DNNN đòi hỏi những vấn đề rất cụ thể, nếu không giải quyết được, khó thực hiện mục tiêu mà Chính phủ mong muốn.

Thứ nhất, bán DNNN, thường muốn bán cái xấu nhất với giá cao, hay tìm nhà đầu tư chiến lược sau đó IPO (lên sàn) hay làm ngược lại, IPO rồi mới tìm nhà đầu tư chiến lược. Những vấn đề này còn đang tranh luận.

Thứ hai, bán dưới giá sổ sách thì ai chịu trách nhiệm về thua lỗ, do đầu tư trước đây là 10 chấm nay chỉ bán được 1 chấm, thậm chí không được 1 chấm. Bán DN liên quan đến nhiều thứ, nếu không tìm được một người chịu trách nhiệm thì cứ để đấy vì không ai muốn chịu trách nhiệm.

Thứ ba, bán cho người nước ngoài, bán cho tư nhân trong nước hay chuyển giao nội bộ? Trong bối cảnh khu vực tư nhân trong nước rất yếu, thì bán cho người nước ngoài định giá thế nào để công bằng, không rẻ, không đắt, không mất tài sản nhà nước.

Thứ tư,
nhiều DNNN tài sản chỉ có đất, mà đất lại thuộc sở hữu nhà nước, nếu bán đi, quyền sở hữu sử dụng đất xử lý thế nào?