Bàn giải pháp quản lý an toàn thực phẩm
Không có lĩnh vực nào mà vấn đề quản lý nhà nước lại tác động trực tiếp, thường xuyên và nóng bỏng như an toàn thực phẩm (ATTP). Đây là lĩnh vực liên quan mật thiết đến sức khỏe, sinh mạng, tuổi thọ, giống nòi… do nhiều cơ quan cùng quản lý theo tiêu chí của sản xuất, kinh doanh, lưu thông, bảo quản và cuối cùng là đến người tiêu dùng.
Quản lý ATTP hiện nay tập trung vào cơ sở sản xuất và kinh doanh bằng các hình thức tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, xử phạt… Những việc như vậy trải ra trên diện rộng, “nhiều ngõ ngách”, tầng nấc, tiêu chí, yêu cầu khác nhau… Và làm càng chặt chẽ thì hiệu quả kiểm soát vệ sinh ATTP càng cao.
Nhưng khó khăn cũng từ đây! Thực tế khối lượng công việc lớn, đòi hỏi thường xuyên, kịp thời mà lực lượng, phương tiện, kinh phí để kiểm soát còn mỏng. Đặc biệt là việc phân tán nguồn lực, phương thức tổ chức lạc hậu; thiếu đầu mối quản lý có đủ thực quyền nên gặp khó trong việc phối hợp các lực lượng chức năng.
Mới đây, báo cáo với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam cho biết, việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP vẫn còn gặp nhiều khó khăn như công tác phối hợp, tổ chức ở một số ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; chưa có phương pháp mới, còn nặng về hình thức; việc nhân rộng mô hình chưa được thực hiện tốt do hạn chế về giải pháp và kinh phí; một số mô hình còn tự phát, chưa có tính bền vững…
Nhìn xuống cơ sở thì như vậy nhưng nhìn lên cấp quản lý cao hơn cũng không khỏi băn khoăn khi ba bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng quản lý lĩnh vực này. Đây cũng là sự thu hẹp các đầu mối quản lý nhà nước theo Luật ATTP nhưng việc phân công rành mạch và phối hợp chặt chẽ theo quan hệ “chiều ngang” không phải không có vấn đề về trách nhiệm.
Vụ ngộ độc rượu methanol diễn ra thời gian vừa qua là một ví dụ khi xác định trách nhiệm quản lý thuộc về ngành nông nghiệp, nông thôn, công thương hay y tế hay chính quyền địa phương... Ở đây phải có người chịu trách nhiệm cuối cùng. Người đó là ai phải làm rõ trong hệ thống pháp luật về ATTP. Có chăng, người chịu tránh nhiệm cuối cùng nên là một tổ chức độc lập, bao quát các lĩnh vực. Và phải được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát xuyên suốt từ “sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”.
Còn nhớ, tại Tọa đàm do UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức trao đổi kinh nghiệm xây dựng Luật ATTP năm 2009, trả lời Báo Đại biểu Nhân dân, Quốc vụ khanh Hungary Suth Miklos cho biết: “Trước kia, Hungary đã xây dựng Luật ATTP quy định cho từng chuỗi, từng công đoạn.
Các cơ quan quản lý nhà nước phụ trách từng luật lại độc lập và nằm ở các bộ khác nhau. Và chúng tôi thấy rằng, nếu như có quá nhiều cơ quan phụ trách về ATTP thì ý kiến của người dân không thể đưa đến được tất cả các cơ quan phụ trách đó. Khi đưa về một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ vệ sinh ATTP sẽ đem lại rất nhiều hiệu quả hơn”.
TP. Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trên cả nước, đã nghiên cứu thiết lập được hệ thống thông tin thực trạng vệ sinh ATTP làm cơ sở cho việc kiểm soát chặt chẽ kịp thời.
Thành phố cũng mong muốn có cơ quan chuyên trách đảm nhận công việc này và sẽ chịu trách nhiệm chính, tránh cách làm theo đợt, theo việc “lúc nóng, lúc lạnh”. Đây là giải pháp quy về một mối kiểm soát nhằm khắc phục tình trạng phối hợp rời rạc, “mạnh ai nấy làm”.
Quốc hội đang giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016. Những tồn tại trong bảo đảm ATTP sẽ được chỉ ra, trong đó có việc quản lý nhà nước. Đây cũng chính là câu chuyện đi tìm cơ quan chuyên trách về ATTP đủ mạnh, đủ thẩm quyền, đủ nguồn lực… để thực thi nhiệm vụ quan trọng này.