Bán hàng Trung Quốc trên Amazon sẽ chịu thiệt vì thuế
Áp thuế lên sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có thể khiến cả Amazon và người bán hàng trên website này chịu thiệt hại.
Website thương mại điện tử Amazon đang được đánh giá là nơi “dễ kiếm tiền” cho các doanh nhân, thậm chí cả người buôn bán nhỏ trên khắp thế giới. Họ kiếm tiền bằng cách mua hàng hoá giá rẻ ở Trung Quốc, sau đó bán trên Amazon với mức giá cao hơn.
Tuy nhiên cách kiểm tiền này có thể sẽ không còn hiệu quả khi thuế áp lên hàng tiêu dùng của Trung Quốc nhập vào Mỹ tăng lên.
Tác động trực tiếp nhất của việc tăng thuế đó là giá mua của khách hàng sẽ tăng. Như vậy lợi thế cạnh tranh về giá nhập rẻ của những người bán trên Amazon sẽ không còn.
Bloomberg đưa ra một số kịch bản có thể những người bán sẽ lựa chọn. Đó là chuyển sản xuất sang nước khác không phải Trung Quốc hoặc tăng dự trữ hàng ngay từ lúc này. Với cả 2 lựa chọn, người bán vẫn mất thêm chi phí và vẫn phải giải quyết thêm các phát sinh mới.
Chuck Gregorich, một người bán võng và các sản phẩm nội thất từ Trung Quốc sang Mỹ trên Amazon đã chọn cách chuyển 30% sản lượng của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đi kèm với đó là tăng lượng dự trữ hàng bằng cách đặt thêm nhiều hàng hơn. Quá trình tăng hàng vào kho khiến anh tốn thêm 400.000 USD tiền phí vận chuyển.
Còn Michael Michelini dù có nhà máy ở Trung Quốc từ năm 2007 chuyên sản xuất máy pha cà phê và đồ dùng cho các quán bar cao cấp nhưng anh đang nghiên cứu việc mở thêm nhà máy ở Thái Lan do lo ngại các rủi ro khi tiếp tục duy trì sản xuất ở Trung Quốc.
Phần lớn các doanh nhân đều cho biết chuyển nhà máy thì dễ nhưng tìm đúng địa điểm, đảm bảo nguyên vật liệu và chất lượng sản phẩm thì mất nhiều thời gian.
Theo ông Joel Sutherland, Giám đốc điều hành Viện quản lý cung ứng San Diego, các công ty nhỏ hơn sẽ gặp vấn đề lớn hơn, thường không đủ khả năng đàm phán các chính sách riêng từ nhà cung cấp để giảm chi phí thuế.
Còn với Amazon, tác động từ việc tăng thuế có thể sẽ chưa đến ngay với website này nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng. Tác động này đến từ việc những người bán hàng trên hệ thống của họ có doanh số thấp hơn. Kéo theo số tiền trả cho Amazon qua các đơn hàng cũng sẽ giảm đi.
Amazon cũng đang bù cho nhà cung cấp 10% giá trị hàng hoá chịu ảnh hưởng bởi thuế. Tuy nhiên chính sách này chỉ áp dụng cho các mặt hàng được chính Amazon nhập và bán.
Trong khi các doanh nhân Mỹ đang cố chuyển sản xuất đi nơi khác thì các đối tác gia công cho họ ở Trung Quốc cũng đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới ở châu Âu, Nhật Bản và Australia.
Dự kiến vào ngày 28 và 29/6, Tổng thống Trump sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức tại Osaka, Nhật Bản. Cả 2 bên đều nhất trí sẽ nối lại đàm phán thương mại sau nhiều tuần bế tắc.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là sự bất ổn trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc. Trong một giả thiết nếu việc đàm phán thương mại kết thúc tốt đẹp, việc áp thuế 25% với hàng hoá Trung Quốc được huỷ bỏ thì tất cả những nỗ lực và chi phí mà các doanh nghiệp Mỹ đã bỏ ra sẽ thành vô nghĩa.