Chứng khoán thế giới tăng điểm mạnh sau đàm phán Mỹ - Trung

Theo AFP.

Chứng khoán thế giới "thăng hoa" trong phiên ngày 18/6 nhờ những nhận định lạc quan về đàm phán thương mại giữa Mỹ - Trung và khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất.

Chứng khoán thế giới tăng điểm mạnh nhờ những nhận định lạc quan về đàm phán Mỹ - Trung.
Chứng khoán thế giới tăng điểm mạnh nhờ những nhận định lạc quan về đàm phán Mỹ - Trung.

Tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng tới 1,4%, lên 26.465,54 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 1% lên 2.917,75 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 1,4% và khép phiên ở mức 7.953,88 điểm.  

Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều mở cửa ở mức cao hơn so với khi đóng phiên ngày 17/6 nhờ những lời có phần hòa hoãn của các quan chức Fed về chính sách lãi suất của cơ quan này. 

Nhưng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đã có một cuộc nói chuyện “hiệu quả” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và mong muốn có một cuộc gặp “kéo dài hơn” tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã giúp đẩy Phố Wall tăng cao hơn nữa. Diễn biến này làm dấy lên hy vọng rằng Washington và Bắc Kinh sẽ đạt được một thỏa thuận nhằm kết thúc cuộc chiến thuế quan kéo dài giữa hai nước 

Các thị trường chứng khoán châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương cũng đua nhau lên điểm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 1,2% lên 7.443,04 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến tới 2% lên 12.331,75 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 2,2% và đạt 5.509,73 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này cũng tăng 2,1% và khép phiên ở mức 3.452,89 điểm. 

Tâm lý của nhà đầu tư tại châu Âu cũng đặc biệt lạc quan sau khi Chủ tịch ECB Mario Draghi phát đi tín hiệu về khả năng giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát đang khá “nguội lạnh” của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). 

Bên cạnh đó, ông Draghi cũng nói rằng trong trường hợp không có sự cải thiện giúp lạm phát đạt được mức mục tiêu 2% như ECB đề ra, ngân hàng trung ương này sẽ cần phải tiến hành những biện pháp kích thích bổ sung, như tái khởi động chương trình "nới lỏng định lượng" có tổng giá trị lên tới 2.600 tỷ euro (2.900 tỷ USD) trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018. 

Còn tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/6, chỉ số VN – Index giảm 2,94 điểm xuống 944,01 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 166,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 3.870 tỷ đồng. Toàn sàn có 112 mã tăng giá, 60 mã đứng giá và 174 mã giảm giá. 

HNX – Index tăng nhẹ 0,25 điểm lên 103,75 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 28,35 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 319,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 66 mã tăng giá, 57 mã đứng giá và 61 mã giảm giá. 

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là nguyên nhân chính kéo giảm thị trường chung. Theo đó, trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 18 mã giảm giá, trong khi chỉ có 8 mã tăng giá. Các mã đầu ngành bất động sản đồng loạt giảm như: VIC và VRE đều giảm 0,5%, NVL giảm 1%.