Ai đang hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Theo Khả Hân/doanhnhansaigon.vn

Thuế trả đũa Trung Quốc áp lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ đã chính thức có hiệu lực vào ngày 1/6, đánh dấu sự leo thang của chiến tranh thương mại và dẫn đến thiệt hại ngày càng nặng nề cho cả hai. Vậy, ai có thể hưởng lợi từ cuộc thương chiến này?

Ai đang hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?
Ai đang hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Thương mại và sản phẩm thay thế

Trong khi người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc đang phải trả giá cho chiến tranh thương mại, châm ngòi từ tháng 3/2018, thì Việt Nam và Mexico đã nổi lên là những nước được hưởng lợi bất ngờ.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong quý I/2019 tăng 45,5% so với cùng kỳ 2018, đặc biệt là sự gia tăng xuất khẩu ở những hàng hóa mà chính quyền Trump áp thuế lên Trung Quốc. 

Thomas Costerg - chuyên gia kinh tế tại Pictet Wealth Management - bình luận: "Xuất khẩu của Việt Nam đang chớp lấy cơ hội; và họ đã nhanh chóng tận dụng thời cơ, hoặc đã có một số hàng hóa Trung Quốc thông qua thị trường Việt Nam để vào Hoa Kỳ. Đối với một đất nước này, điều đó thật ấn tượng".

Trong khi đó, nhập khẩu từ Mexico cũng đã bù đắp một phần lượng sụt giảm hàng nhập khẩu Trung Quốc của Hoa Kỳ trong năm qua. 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sau khi chính quyền Tổng thống Trump áp thuế lên 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm ngoái, nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đã giảm 850 triệu USD, và sản phẩm nhập từ Mexico đã tăng một lượng tương ứng.

Dù vậy, thông báo từ Nhà Trắng mới đây cho biết, kể từ ngày 10/6, Mỹ sẽ tăng thuế 5% mỗi tháng cho đến khi chạm mức 25% vào ngày 1/10 với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, cho đến khi người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico vào Mỹ dừng lại. 

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng đã giảm nhập khẩu từ Mỹ, do đó các nhà sản xuất đậu nành của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong năm 2017, Hoa Kỳ là một trong những nhà cung cấp đậu nành lớn nhất của Trung Quốc, nhưng thời gian qua Bắc Kinh đã cắt giảm 80% lượng mua từ Mỹ và chuyển sang nhập từ Brazil. 

Các sản phẩm ở những thị trường thay thế khác cũng được ưa chuộng. Đơn cử như ở lĩnh vực hàng không, các nhà sản xuất máy bay châu Âu sẽ có lợi nếu Trung Quốc quyết định chọn mua máy bay Airbus thay vì Boeing của Mỹ.

Đối với thép và nhôm, với việc Mỹ áp thuế mạnh tay lên hai mặt hàng này của Trung Quốc từ năm ngoái, Bắc Kinh có thể sẽ giảm giá nhôm và thép để thu hút khách hàng ở thị trường mới. 

Ở lĩnh vực sản xuất ô tô, Malaysia và Thái Lan, ở sản phẩm công nghệ số, Malaysia, Việt Nam và Ấn Độ có thể hưởng lợi nhiều nhất. Kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ vào Mỹ trong quý I tăng 15,2%, nếu tiếp tục duy trì tốt độ tăng trưởng này, năm nay Ấn Độ có thể nhảy hai bậc, lên thứ 8 trong số các quốc gia xuất khẩu hàng đầu vào Hoa Kỳ.

Để tránh thuế, nhà nhập khẩu Mỹ và Trung Quốc đã ngừng mua hàng của nhau và chuyển sang các nước khác để thay thế. Điều này đi ngược lại với tuyên bố của Tổng thống Trump rằng “Chiến tranh thương mại là tốt và dễ thắng”.

Ông Trump mới đây đã tung ra gói cứu trợ trị giá 16 tỷ USD cho nông dân, dù vẫn duy trì tuyên bố rằng các công ty Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến thương mại.

Đầu tư và dòng vốn dịch chuyển

Ngoài thương mại, một số nước châu Á, đặc biệt ở gần Trung Quốc, cũng có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư tháo lui khỏi Trung Quốc để tránh hàng rào thuế quan. Những quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan hay Campuchia đang chứng kiến nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy từ “công xưởng số 1 thế giới” di dời đến.

Theo kết quả cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc công bố mới đây, hơn 40% số công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc đang xem xét hoặc đã chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác, chủ yếu là các nước Đông Nam Á hoặc Mexico. 

Các nước khác cũng có động thái tương tư, như thương hiệu đồng hồ Casio của Nhật Bản cho biết sẽ chuyển một số hoạt động về nước và sang Thái Lan; trong khi nhà sản xuất máy in Ricoh của Nhật Bản cũng có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất sang Thái Lan. Thương hiệu giày dép Steve Madden của Mỹ công bố kế hoạch thúc đẩy sản xuất tại Campuchia. 

Trong khi đó, hàng loạt nhãn hàng như giày chạy bộ Brooks Running, máy giặt Haier, tất Jasan - vốn cung cấp sản phẩm cho các hãng thời trang thể thao nổi tiếng như Adidas, Puma, New Balance và Fila, đều đang nhắm tới Việt Nam. Trước đó vào cuối năm 2018, Foxconn đã thông tin sẽ chuyển nhà máy sản xuất iPhone sang Ấn Độ.

Để đón đầu dòng vốn đầu tư dịch chuyển, Chính phủ Ấn Độ đã khởi xướng kế hoạch "Make in India" để chuyển Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Gần đây hơn, Việt Nam cũng đưa ra khẩu hiệu “Make in Vietnam” với mục tiêu thúc đẩy ngành công nghệ trở thành đầu tàu tăng trưởng và thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, với vai trò là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam đang tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài. Với môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện và chi phí lao động còn hấp dẫn, Việt Nam đang được hưởng lợi từ các doanh nghiệp thay đổi chuỗi cung ứng để tránh rủi ro chiến tranh thương mại. 

Viện Nghiên cứu thông tin Mizuho (Nhật Bản) ước tính, hiệu ứng trên sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng 0,5 điểm phần trăm và biến Việt Nam trở thành nước hưởng lợi lớn nhất ở châu Á trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.