Băn khoăn luật đóng gói bao bì trơn
Gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng luật bao bì thuốc lá trơn nhằm loại bỏ hình thức quảng cáo nhãn hiệu trên bao bì, từ đó giảm tình trạng sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, dù chưa áp dụng, song có không ít ý kiến lo ngại hình thức này có thể dẫn tới việc làm giả nhãn hiệu để bán các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, từ đó gây ảnh hưởng cho chính người sử dụng và làm thất thu ngân sách nhà nước
Tại sao các nước thực hiện luật bao bì trơn?
Luật về bao thuốc lá "trung tính", hay còn được biết đến là Luật đóng gói bao bì trơn được thông qua đầu tiên tại Úc từ năm 2010 nhằm cấm các hãng sản xuất thuốc lá ở quốc gia này in logo hay để vỏ bao thuốc lá có màu sắc bắt mắt riêng biệt, mà phải nghiêng về màu ô-liu xanh xám. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích trên vỏ bao phải có hình ảnh chân thực nhất (gây tác động mạnh) mô tả cận cảnh những bệnh do thuốc lá hay khói thuốc lá gây ra kèm lời cảnh báo chữ to về tác hại của hút thuốc lá, trong khi tên nhãn hiệu chỉ được in cỡ chữ nhỏ bên dưới.
Học tập theo kinh nghiệm của Úc, hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thực hiện quy định đóng gói bao bì trơn, trong đó có 16 quốc gia đã áp dụng biện pháp này và ít nhất 15 quốc gia khác đang trong tiến trình ban hành luật bao bì theo tiêu chuẩn. Cụ thể, Luật đóng gói theo tiêu chuẩn của Thái Lan đã có hiệu lực từ tháng 9/2019, trong khi đó luật của Singapore đã bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/7/2020.
Thậm chí, sau thuốc lá, theo Luật sư Nguyễn Quang Thịnh - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, nhiều nước trên thế giới còn đang xem xét việc áp dụng cảnh báo sức khỏe cho các ngành hàng khác như rượu, bia, các loại nước ngọt, thức ăn nhanh...
Chẳng hạn, tại Canada, Hiệp hội Y tế Ontario đã tạo sự liên kết giữa một số thực phẩm và đồ uống với các loại bệnh có thể phòng ngừa từ năm 2012. Gần đây, tại Anh, báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách (IPPR) đã đề xuất bổ sung những lời cảnh báo về tác hại của sản phẩm lên bao bì của bánh kẹo, đồ uống có đường và khoai tây chiên giòn, đồng thời mở rộng mức thuế đối với bánh ngọt và đồ uống có đường. Các ý kiến tương tự cũng được Hiệp hội Nha khoa Anh Quốc (BDA) đề ra, liên quan đến vấn đề sâu răng khi dùng đường và các sản phẩm ngọt, đồng thời yêu cầu áp dụng phương pháp bao bì kiểu thuốc lá.
Tuy vậy, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc giới thiệu phương pháp đưa những lời cảnh báo lên bao bì ngày càng gia tăng là một cuộc tấn công vô nghĩa đối với một thương hiệu bằng cách phá hủy thành quả của thiết kế bao bì và logo trong việc tiếp thị, gây bất lợi cho các nhà sản xuất, chuỗi phân phối, các nhà bán lẻ và hơn hết là cho người tiêu dùng.
Theo đó, Công ty tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance ước tính tổn thất giá trị tiềm ẩn đối với các doanh nghiệp trên toàn thế giới sẽ là 430,8 tỷ đô la nếu việc in những lời cảnh báo về tác hại sản phẩm trên bao bì được mở rộng cho riêng ngành kinh doanh đồ uống và điều đó không bao gồm tổn thất trong các ngành công nghiệp sáng tạo, bao gồm thiết kế bao bì, dịch vụ quảng cáo. Việc đơn giản hoá xây dựng và sản xuất bao bì tiêu dùng làm giảm các rào cản gia nhập đối với những kẻ sản xuất hàng tiêu dùng giả mạo. Khi việc đưa những lời cảnh báo lên bao bì trở nên đơn giản hơn, khả năng sao chép và tái sản xuất sản phẩm đích thực và hợp pháp được thực hiện dễ dàng hơn nhiều cho các hoạt động làm giả và buôn bán lậu.
Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?
Trở lại với vấn đề áp dụng bao bì trơn cho thuốc lá, tại Việt Nam hiện nay, việc áp dụng luật này vẫn chưa được xem xét. Lý do được ông Đào Thế Sơn - Đại diện Liên minh Quốc tế phòng, chống lao và bệnh phổi (The Union) chia sẻ, việc chúng ta chưa áp dụng là do hiện còn một số rào cản trong quá trình đưa ra chính sách, thêm vào đó, có nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề xung đột quyền sở hữu trí tuệ trên bao bì trơn (nếu được áp dụng).
Luật sư Nguyễn Quang Thịnh
(Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh):
Để có hình ảnh thương hiệu in trên bao bì, nhiều công ty thuốc lá đã phải xây dựng nhận diện hàng chục năm, có khi lên tới cả trăm năm. Nếu bị in mờ, hoặc in theo màu sắc khác, sẽ tạo cơ hội để những đối tượng làm giả lợi dụng nhằm bán các sản phẩm nhái thương hiệu, từ đó khiến việc cạnh tranh trên thị trường không lành mạnh và người tiêu dùng bị ảnh hưởng tới sức khỏe do sử dụng sản phẩm giả mạo.
Cụ thể, các chuyên gia chỉ ra rằng, từ góc độ kỹ thuật, bao bì tiêu dùng bao gồm các đặc điểm thiết kế như dập lá nóng, họa tiết trong thiết kế in, dập nổi và dập chìm, cộng với việc sử dụng kết hợp vecni mờ/bóng để sản xuất bao bì phức tạp. Các quy trình này cũng được áp dụng cho bề mặt và lớp hoàn thiện kim loại bảng chuyên dụng, sẽ làm tăng độ khó và phức tạp trong tính năng thiết kế. Cấu trúc đóng gói cũng quan trọng không kém với hình dạng, kích thước đồng nhất và thay thế các thuộc tính vật lý đặc biệt, điều này cũng gây khó khăn cho những người làm hàng giả.
Chính vì thế, theo các số liệu gần đây của Cơ quan thuế hải quan Anh (HMRC), kể từ khi bổ sung những cảnh báo về tác hại sản phẩm cho thuốc lá, việc buôn bán bất hợp pháp những sản phẩm này đã tạo ra một khoản thiệt hại tài chính cho Kho bạc Vương quốc Anh khoảng 2,5 tỷ bảng Anh mỗi năm. Vấn đề này vẫn không giảm và các bằng chứng đã cho thấy, các địa điểm sản xuất hàng giả không chỉ ở các trung tâm công nghiệp và thành thị, mà còn ngày càng gia tăng ở các vùng nông thôn.
Riêng với người tiêu dùng, ông Nguyễn Thái Bảo (ngụ quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc làm mờ hình ảnh logo nhà sản xuất có tác dụng rất nhỏ tới việc bỏ thuốc của người dùng. Lý do những người nghiện thuốc lá đều chọn thuốc theo gu và bản thân đều biết hút thuốc lá có tác động cho sức khỏe. Ông Bảo cho rằng, thay vì thay đổi nhận diện thương hiệu của nhà sản xuất, các cơ quan chức năng nên hạn chế tình trạng bán thuốc lá tràn lan, hạn chế nơi hút thuốc, hoặc nâng giá thuốc lá cao… như vậy sẽ có tác động tích cực hơn tới việc bỏ thuốc cho người dùng.