Luật Doanh nghiệp 2014:

Băn khoăn sở hữu chéo và giá trị pháp lý cho con dấu

Theo Thông tin Tài chính

Luật Doanh nghiệp 2014 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 với rất nhiều thay đổi liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuy nhiên, “đạo luật này sẽ không ban hành Thông tư hướng dẫn mà chỉ dừng lại ở việc ban hành Nghị định. Lý do là bởi mỗi năm Quốc hội chỉ ban hành khoảng 20 Luật, nhưng có hàng trăm Thông tư của các bộ. Để thông thoáng hơn, đề cao quyền của người kinh doanh, đạo luật này chỉ ban hành tới Nghị định và sẽ không ban hành Thông tư” - ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Để những quy định trong Nghị định này sát với cuộc sống hơn, một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý là vấn đề sở hữu chéo và con dấu.

Theo ông Vũ Phương Đông - Giảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế (Đại học Luật Hà Nội), mặc dù Điều 3 của Dự thảo đã cụ thể một số nội dung về hạn chế sở hữu chéo giữa các công ty được quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2014. Song, vẫn còn một số nội dung chưa được quy định rõ ràng.

Đơn cử như, theo quy định của khoản 1 Điều 3: “Công ty con theo quy định tại khoản 2 Điều 189 Luật Doanh nghiệp là công ty đối với công ty mẹ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp”, nhưng tại khoản 3 Điều 3 lại quy định: “Sở hữu chéo là việc đồng thời hai hoặc nhiều doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau”.

Với những quy định này, ông Đông cho rằng, nội dung còn tối nghĩa và không cụ thể vấn đề. Vì thế, ông Đông kiến nghị, Dự thảo cần quy định cụ thể sở hữu chéo trực tiếp của hai doanh nghiệp, sở hữu chéo gián tiếp của nhiều doanh nghiệp.

Bởi sở hữu chéo trực tiếp là hình thức công ty A sở hữu cổ phần, phần vốn góp của công ty B và ngược lại. Còn sở hữu chéo gián tiếp của nhiều doanh nghiệp là hình thức công ty A sở hữu cổ phần, phần vốn góp của công ty B, công ty B sở hữu cổ phần, phần vốn góp của công ty C, công ty C lại sở hữu cổ phần, phần vốn góp của công ty A.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Bùi Thanh Lam thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, quy định như trong Dự thảo mới chỉ dừng lại ở việc chống sở hữu chéo vốn chủ sở hữu (phần vốn góp/cổ phần) của nhau, tức là mới tính đến sở hữu trực tiếp, thế còn sở hữu gián tiếp có tính không? Có cần quy định khống chế/hạn chế không? Đây là những vấn đề thực chất của sở hữu chéo và cần phải có quy định để hạn chế, như vậy tên điều khoản là “hạn chế sở hữu chéo giữa các công ty” mới đi vào bản chất”.

Luật sư Bùi Thanh Lam cũng cho rằng, Dự thảo cần sửa đổi, bổ sung theo hướng: Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ, các công ty con của cùng một công ty mẹ không được góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

Tuy nhiên, để làm rõ hơn hiệu lực thi hành và việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật sư Trần Đăng - Trưởng phòng Thủ tục pháp lý, Tập đoàn Vingroup đề nghị bổ sung quy định: Các doanh nghiệp không có cổ phần hoặc phần vốn góp do Nhà nước sở hữu 100% thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01/7/2015 không phải thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 189 Luật Doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này có quyền tái cấu trúc theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu chéo.

Đối với vấn đề con dấu, ông Đăng cho rằng, nên bỏ cụm từ “Đại hội đồng cổ đông”, thay bằng “Hội đồng quản trị” quyết định về con dấu. Vì, theo Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Đại hội đồng cổ đông không có thẩm quyền về việc quyết định con dấu.

"Tinh thần của Luật Doanh nghiệp mới là tạo thuận lợi thủ tục hơn nữa cho doanh nghiệp. Về thực tế, việc thay đổi con dấu là công việc mang tính sự vụ, để hội đồng quản trị quyết định về con dấu mới tạo được sự chủ động linh hoạt, đặc biệt đối với các công ty cổ phần niêm yết, đại chúng quy mô lớn hàng chục nghìn cổ đông mà nếu mỗi lần làm con dấu, thay đổi con dấu phải họp Đại hội đồng cổ đông thì sẽ rất phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp" - ông Đăng nhấn mạnh.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM), doanh nghiệp có quyền đăng ký con dấu và tự quyết định sử dụng, trừ hai thông tin bắt buộc là tên và mã số doanh nghiệp.

“Với những doanh nghiệp đang sử dụng con dấu, sau ngày 1/7 khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, nếu các đơn vị không muốn đổi thì con dấu cũ vẫn được sử dụng bình thường. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể tăng số lượng con dấu theo nhu cầu. Trong trường hợp nếu muốn làm con dấu mới, doanh nghiệp chỉ cần mang dấu cũ và giấy chứng nhận con dấu cũ trả lại cho cơ quan đã cấp”, ông Hiếu chia sẻ.

Cũng liên quan tới vấn đề con dấu, tại hội thảo, bà Nguyễn Bích Ngọc - Công ty Luật Allens cho biết, Điều 34 quy định: Trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trong trường hợp có thay đổi mẫu dấu, doanh nghiệp không cần thông báo thay đổi trước khi sử dụng con dấu mới, mà nghĩa vụ thông báo lại được thực hiện trong vòng 10 ngày sau khi có con dấu.

“Như vậy, trong khoảng thời gian 10 ngày này, con dấu mới hay con dấu cũ sẽ có giá trị pháp lý?” - bà Ngọc thắc mắc. Để làm rõ cho vấn đề này, bà Ngọc kiến nghị: Trong trường hợp thay đổi mẫu dấu, doanh nghiệp cũng cần thực hiện nghĩa vụ thông báo trước khi được sử dụng con dấu mới để phù hợp với cách tiếp cận khi thông báo sử dụng con dấu lần đầu tiên. Nếu không, bên thứ ba không thể xác định được việc doanh nghiệp đã có con dấu mới và liệu con dấu cũ khi đó còn giá trị pháp lý hay không.

Ngoài ra, bà Ngọc cũng cho rằng, ngay cả Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 cũng còn nhiều mâu thuẫn. Theo Điều 23.1 của Luật Đầu tư 2014, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 51% vốn điều lệ do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ sẽ bị áp dụng các điều kiện đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, Điều 4.27 của Luật Doanh nghiệp 2014 lại quy định rằng, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là tổng sở hữu vốn có quyền biểu quyết của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong một doanh nghiệp Việt Nam. Định nghĩa này sau đó không được sử dụng trong bất kỳ điều khoản nào khác của Luật Doanh nghiệp 2014.

Vậy, không rõ một công ty cổ phần được thành lập tại Việt Nam có được coi là nhà đầu tư nước ngoài không nếu công ty đó có cả cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi cổ tức và nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 51% tổng số cổ phần phổ thông (có quyền biểu quyết) trong công ty nhưng lại nắm giữ ít hơn 51% vốn điều lệ của công ty đó.

Đây là một vấn đề quan trọng sẽ ảnh hưởng đến việc cơ cấu các giao dịch M&A tại Việt Nam, vì vậy rất cần được làm rõ trong các văn bản hướng dẫn thi hành.