Ban Kinh tế Trung ương được giao nhiệm vụ chủ trì, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 22 và Kết luận số 96-KL/TW của Ban Bí thư
(Tài chính) Ngày 02/7, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 05/6/2008 và triển khai Kết luận số 96-KL/TW, ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Các đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng chủ trì Hội nghị. Hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh, thành với thành phần gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương; các bộ, ban, ngành và tất cả các địa phương trong cả nước.
Được sự ủy quyền của Ban Bí thư, đồng chí Vương Đình Huệ đã trình bày và làm rõ thêm những nội dung cơ bản của Kết luận số 96-KL/TW, ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư. Đồng chí nhấn mạnh một số điểm chính về Quan hệ lao động (QHLĐ), Nhận diện quan hệ lao động, Mục tiêu xây dựng quan hệ lao động, hài hoà và ổn định trong quan hệ lao động, đồng thời nhấn mạnh một số kết quả đã đạt được của kết luận quan trọng này. Cụ thể về nhận thức, Ban Bí thư nhận định: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư khoá X, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động về xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp có chuyển biến bước đầu. Về hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về quan hệ lao động tiếp tục được hoàn thiện; quản lý nhà nước về quan hệ lao động được tăng cường. Về vai trò của tổ chức đảng, công đoàn và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp từng bước được phát huy; nhiều doanh nghiệp nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể quần chúng đối với sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đề cập đến những hạn chế, yếu kém mà Kết luận số 96-KL/TW của Ban Bí thư đã chỉ rõ: Trước hết là đời sống của người lao động nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, điều kiện ăn, ở, đi lại, học tập, chăm sóc sức khoẻ, sinh hoạt văn hoá tinh thần chưa đáp ứng được nhu cầu; Tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động vẫn diễn ra phổ biến; Trình độ tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận người lao động còn thấp; Ở một số nơi, tổ chức đảng và đảng viên, tổ chức công đoàn và đoàn viên trong doanh nghiệp phát triển chậm; vai trò của tổ chức đảng còn hạn chế; tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ trong doanh nghiệp chưa thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Tổ chức đại diện của người sử dụng lao động chưa rõ, chưa được kiện toàn để phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của ngành và địa phương; tình trạng tranh chấp lao động còn diễn ra phức tạp.
Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; tạo môi trường lao động an toàn, bình đẳng, công bằng cho người lao động. Quan hệ này tốt đẹp là trực tiếp tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong nước và ngoài nước; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đây cũng chính là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước luôn hướng tới.
Tuy nhiên, quan hệ lao động trong doanh nghiệp vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Tình trạng tranh chấp lao động còn diễn biến phức tạp... Đặc biệt, trong thời gian qua, trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng một số cá nhân đã có hành động quá khích làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tới hình ảnh thân thiện, an toàn và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức rõ… đồng thời đổi mới phương thức học tập, quán triệt, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về quan hệ lao động trong doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng doanh nghiệp và từng đối tượng.
Thứ hai, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, nhất là ở các cấp địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra, xử lý các sai phạm. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức quần chúng trong các doanh nghiệp; tích cực xây dựng, phát triển các tổ chức đảng, làm tốt công tác phát triển đảng viên, xây dựng các mô hình tập hợp thanh niên, phụ nữ trong các doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn, các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng.
Thứ ba, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách pháp luật về việc làm, bảo hiểm xã hội, dạy nghề, tiền lương tối thiểu, an toàn và vệ sinh lao động phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý, tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về lao động. Hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đất đai, tài chính, khuyến khích người sử dụng lao động tham gia xây dựng các công trình phúc lợi, cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập, chăm sóc sức khoẻ, sinh hoạt văn hoá tinh thần cho người lao động.
Thứ tư, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Uỷ ban Quan hệ lao động quốc gia; tăng cường các thiết chế hoà giải và trọng tài theo quy định của pháp luật về lao động, tiến tới xây dựng đội ngũ hoà giải viên chuyên nghiệp.
Thứ năm, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức công đoàn; chú trọng thành lập tổ chức công đoàn và phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân; xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể để thành lập tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn ở cơ sở; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, để thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể; lấy đối thoại, thương lượng, thoả thuận làm phương tiện để phát huy dân chủ; thể hiện tốt vai trò đại diện và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tăng cường sự gắn bó giữa doanh nhân với người lao động trong doanh nghiệp, xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định hệ thống tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở cấp Trung ương và địa phương.
Thứ bảy, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW và Kết luận số 96-KL/TW, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.