Ban Kinh tế Trung ương làm việc với thành ủy Hải Phòng

Nguyễn Thanh Liêm

(Tài chính) Tiếp tục chuyến công tác sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày 21/4 tại Thành ủy Hải Phòng, GS., TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Thành ủy Hải Phòng.

Ban Kinh tế Trung ương làm việc với thành ủy Hải Phòng - Ảnh 1
GS., TS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi Sơ kết. Nguồn: kinhtetrunguong.vn 

Tham dự sơ kết có các đồng chí: Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng; các đồng chí Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng thuộc Ban Kinh tế Trung ương; Văn phòng Chính phủ và các bộ: Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp. 

Thể chế hóa Nghị quyết

Báo cáo của Thường vụ TP. Hải Phòng về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cho thấy, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 07/7/2008.

Sau 3 năm thực hiện, Ban Thường vụ Thành ủy đã tiến hành sơ kết và ra Thông báo kết luận số 39-TB/TU ngày 05/10/2011. Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 1123/QĐ-UBND ngày 19/7/2012 về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 19-CTr/TU. Trên cơ sở Chương trình hành động của Thành ủy, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân TP., một số sở, ngành, quận, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với địa phương, ngành, đơn vị.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, cho đến thời điểm này các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và tổ chức sản xuất kinh doanh được Hải Phòng quan tâm tạo điều kiện phát triển mạnh, đa dạng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Các loại thị trường cơ bản đã được hình thành, phát triển khá nhanh  theo hướng ngày càng đồng bộ, một số thị trường có sự phát triển mới. Thực hiện có hiệu quả việc gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, các lĩnh vực văn hóa –xã hội phát triển về quy mô, nâng cao về chất lượng; an sinh xã hội được tăng cường và đảm bảo; bảo vệ môi trường đạt kết quả rõ nét.

Phương thức lãnh đạo của Thành uỷ và các cấp uỷ tiếp tục được đổi mới, tiến bộ rõ trên nhiều mặt, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cấp uỷ. Chính quyền các cấp được củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; thực hiện cải cách hành chính đạt kết quả khá toàn diện và rõ nét. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, mở rộng, phát huy; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội có đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng lên.

Đạt được nhiều thành tựu về kinh tế

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, TP. Hải Phòng đã thực hiện đầy đủ thể chế về sở hữu: Về sở hữu đất đai, bất động sản, Hải Phòng là một trong 10 tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cao so với cả nước (90,3%); các tài nguyên khoáng sản hầu hết đều xác định được chủ quản lý, các tổ chức có hoạt động khai thác khoáng sản đều được cấp phép, quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp các loại thuế, phí như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…

Hải Phòng đang đứng thứ 6 cả nước với 2.412 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, Thành phố đã thành lập và đưa vào vận hành Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị, thu hút được hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, trao đổi; Hải Phòng có 27 doanh nghiệp tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán với tổng vốn điều lệ lên tới 5.242 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch trên thị trường tại Hải Phòng chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội; lực lượng lao động của Thành phố năm 2013 đạt 1.118.690 người, tăng 10,2% so với năm 2008. Số lao động được tạo việc làm hàng năm cũng tăng dần, từ 45.120 lượt người năm 2008 lên 51.160 lượt người năm 2013; về chủ thể sở hữu, tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất có ở hầu hết các loại hình, ngành nghề, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Sở hữu nước ngoài phát triển nhanh, chiếm vai trò lớn trong sản xuất công nghiệp, thương mại bán lẻ.

Đồng chí Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh, từ năm 2008 đến hết 2013, tổng sản phẩm trong nước (GDP) Hải Phòng tăng khá, ước bình quân giai đoạn 2008 - 2013 tăng 9,66%/năm; duy trì vị trí thứ hai ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; so với năm 2008, GDP năm 2013 tăng gấp 1,54 lần. Tỷ trọng GDP Hải Phòng trong GDP cả nước tăng dần từ 4,1% năm 2008 lên 4,7% năm 2012. Sản lượng hàng hóa qua cảng có sự tăng trưởng vượt bậc, từ 28,57 triệu tấn năm 2008 lên 53 triệu tấn năm 2013, gấp hơn 1,8 lần, tăng bình quân 15%/năm.

Giai đoạn 2011 - 2013 Thành phố đã có những bước đột phá mạnh mẽ về thu hút FDI với lượng vốn thu hút được hơn 4.8 tỷ USD, bằng gần 50% tổng số vốn thu hút từ trước tới nay; năm 2013 đạt trên 2,6 tỷ USD đứng thứ 3 toàn quốc, GDP bình quân đầu người năm 2013 gấp 1,48 lần năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, bình quân mỗi năm giảm trên 1%, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Nghị quyết có tác động rất lớn  

Với vị trí, vai trò là Thành phố trực thuộc Trung ương, các đại biểu của đoàn công tác Trung ương quan tâm đến kinh nghiệm của TP. Hải Phòng trong quá trình thực hiện Nghị quyết; thực tiễn cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự điều tiết của Nhà nước ở Hải Phòng trong 5 năm qua đạt được những thành tựu, hạn chế như thế nào; có cơ chế vận hành, vấn đề phân cấp, thực hiện các chính sách pháp luật; quyền sử dụng đất đai, các chế độ sở hữu; chiến lược thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, quan hệ giữa công nghiệp hóa – đô thị, kinh tế với đô thị; quy hoạch phát triển kinh tế cảng biển…

Tại buổi sơ kết, các đại biểu dự sơ kết đều khẳng định mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta là hoàn toàn đúng đắn, các địa biểu đều cho rằng Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội tại TP. Hải Phòng nói riêng và đất nước nói chung, đưa đất nước ta từ nước nghèo trở thành nước có kinh tế thị trường, hội nhập với quốc tế.

Tuy nhiên các đại biểu cũng thấy rõ thêm những vấn đề mới đặt ra cần được tiếp tục nghiên cứu, giải đáp để khắc phục cơ bản những hạn chế, yếu kém trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn ở Hải Phòng cho thấy, muốn bứt phá được, theo các đại biểu cần xây cơ sở pháp lý phù hợp hơn với thời kỳ mới, Nhà nước đưa khung pháp lý chung còn nên ủy quyền, phân cấp cho địa phương được chủ động, phải tạo được tính năng động, sáng tạo, bảo đảm tính liên kết vùng có vai trò điều tiết của Nhà nước

Phát biểu kết luận buổi sơ kết,Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các sở, ngành rất thẳng thắn, trách  nhiệm, có lý luận, thực tiễn cao. Là Thành phố trực thuộc Trung ương, đồng chí đánh giá Thành ủy Hải Phòng đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết, tổ chức quán triệt, có chương trình hành động, kế hoạch hết sức cụ thể, sau 3 năm có sơ kết, có lẽ Hải Phòng mới làm được việc này.

Qua báo cáo 5 năm triển khai, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, sự tác động của Nghị quyết đối với phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng trong thời gian qua là rất rõ rệt, nhất là thu hút vốn FDI, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, vận tải, cảng biển, quan tâm đến công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, tính liên kết vùng, bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng buổi làm việc đã thu được nhiều kết quả quan trọng, đúc rút được nhiều vấn đề đóng góp cho việc xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng và phương hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020.

Hải Phòng kiến nghị Trung ương 4 vấn đề lớn

Tại buổi sơ kết, Thành ủy Hải Phòng kiến nghị với Trung ương một số nội dung cụ thể:

Một là, sớm triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 72-KL/TW ngày 10/10/2013, trong đó cho phép TP. Hải Phòng được để lại tỷ lệ điều tiết hợp lý nguồn thu ngân sách từ xuất nhập khẩu trên địa bàn để thực hiện các dự án, chương trình theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 72-KL/TW ngày 10/10/2013.

Hai là, sửa đổi, ban hành một số cơ chế, chính sách theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy thu hút đầu tư và đảm bảo đồng bộ. Có các cơ chế, chính sách phát triển cho từng vùng và liên vùng trong thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, giải quyết các vấn đề môi trường…

Ba là, đề nghị Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn trung ương cho Thành phố  để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Khu bay - Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, vốn cho việc xây dựng Khu tái định cư Nghĩa Lộ của Dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Bốn là, các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển của cả vùng như: đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện; Khu dịch vụ hàng không Cảng hàng không quốc tế Cát Bi…