Bán lẻ đón đầu xu hướng mới
Ngành bán lẻ trên toàn cầu đang xem trực tuyến – ngoại tuyến là xu hướng bán lẻ mới, tiếp cận khách hàng mang tính công nghệ, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng này.
Tương lai ngành bán lẻ ở Việt Nam được cho là sẽ khó loại bỏ các trung tâm mua sắm truyền thống. Và trên thực tế, xu hướng bán lẻ mới chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trực tuyến với ngoại tuyến hoặc đa kênh (Omni-channel).
Chẳng hạn, với mặt hàng điện máy, phân tích từ CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống vẫn chiếm 30- 40% tổng thị phần và đây là cơ hội cho các chuỗi bán lẻ lớn.
Nở rộ cửa hàng tiện lợi
Mặt khác, để gia tăng thị phần, một doanh nghiệp (DN) điện máy cỡ lớn có thể nên mở thêm nhiều cửa hàng ở quy mô nhỏ để đạt mức bao phủ rộng. Và thay vì bỏ qua phân khúc điện máy online giá rẻ, DN có thể đưa ra mức giá bán cạnh tranh trên các cửa hàng trực tuyến.
Đây có thể gọi là mô hình một sản phẩm điện máy được bán với hai mức giá trên kênh truyền thống và kênh online như trường hợp của Thế giới Di động (MWG) đang thử nghiệm trong tháng 12 này.
Hệ thống Bách Hóa Xanh được cho là đang vận hành hiệu quả mô hình bán lẻ đa kênh. Họ chưa vội mở mới mà di dời các cửa hàng vào sâu trong các khu vực đông dân cư với sự đầu tư đa dạng các chủng loại hàng tươi sống và ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Ngoài ra, Bách Hóa Xanh mở rộng thử nghiệm mô hình chuẩn đi các tỉnh lân cận cách TP.Hồ Chí Minh 30-40km và thử nghiệm mô hình cửa hàng quy mô lớn 300m2, được đầu tư với tổng số lượng hơn 3.000 mặt hàng đặt gần chợ truyền thống.
Với chỉ số bán lẻ vẫn trên đà tăng trưởng tốt, nhiều "đại gia" trong ngành bán lẻ nội địa đang tập trung vào xu hướng đa kênh, cho "nở rộ" các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng thực phẩm, cùng với đó là hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, theo ước tính hiện có hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini của các thương hiệu nội và ngoại như Family Mart, Bs mart, Circle K, Ministop, Shop&Go, Vinmart, Co.op Food, Satrafoods…
Trong đó, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi tiếp tục được các DN bán lẻ nội xem là kênh phân phối trọng yếu tiêu thụ hàng Việt và các sản phẩm liên kết. Với phương án kinh doanh nhượng quyền thương hiệu, các cửa hàng thực phẩm này sẽ giúp họ đẩy nhanh tốc độ phát triển chuỗi cửa hàng.
Xu hướng trực tuyến – ngoại tuyến
Theo khảo sát người tiêu dùng năm 2018 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn còn sức hút đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, sức mua có giảm và đang có xu hướng chuyển dịch sang các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích/tiện lợi – 29%).
Trong khi đó, các sản phẩm tiêu dùng ít nhiều đều được người tiêu dùng lựa chọn mua online, nhất là các dòng sản phẩm thuộc ngành hàng như thiết bị – đồ điện tử kỹ thuật cao; đồ chơi – dụng cụ thể thao; mỹ phẩm; chăn mền, drap, gối, rèm cửa; dụng cụ làm đẹp; văn phòng phẩm và các mặt hàng thời trang (chiếm tỷ lệ 10 – 30% người tiêu dùng chọn mua online).
Còn ở cửa hàng truyền thống, người tiêu dùng chi tiền cho đồ ăn và thức uống, phòng gym, đồ lót và dịch vụ giải trí như vé xem phim và khu vui chơi trẻ em, đa phần đều chạy chương trình khuyến mãi đặc biệt.
Về triển vọng của xu hướng bán lẻ kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến tại Việt Nam, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, cho biết: "Tầng lớp trung và thượng lưu tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và con số này sẽ tăng gấp đôi đến năm 2020. Người tiêu dùng thuộc tầng lớp này với thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng (714 USD) chính là những khách hàng tiềm năng cho các nhà bán lẻ.
Vì thế, theo ông Stephen, không có gì là ngạc nhiên khi các trang thương mại điện tử đã "cháy hàng" và trung tâm thương mại chật kín người như đợt mua sắm Black Friday vừa qua.
Phân tích về xu hướng bán lẻ mới, giới chuyên gia nêu ra trường hợp nhà bán lẻ trực tuyến Alibaba (đang dần tấn công thị trường Việt) đã thiết lập cửa hàng pop-up giảm giá với chương trình khuyến mãi kết hợp với cửa hàng truyền thống, khuyến khích người tiêu dùng không chỉ mua hàng trực tuyến mà còn đến các trung tâm mua sắm.
Từ chỗ tập trung vào bán lẻ trực tuyến, Alibaba dần chuyển sang cửa hàng truyền thống khi mua lại một chuỗi cửa hàng bách hóa vào năm ngoái để nhắm vào xu hướng trực tuyến – ngoại tuyến, nơi NTD đi vào cửa hàng, mua đồ và đi về mà không cần tương tác với con người.
Có thể nói, cách tiếp cận khách hàng mang tính công nghệ và coi trực tuyến – ngoại tuyến là xu hướng bán lẻ mới là một bài học cho các DN bán lẻ Việt Nam.
Các nhà bán lẻ khởi đầu bằng cửa hàng trực tuyến có thể thu lợi tại cửa hàng truyền thống với những dữ liệu thu thập được qua internet.
Bằng cách lập hồ sơ thói quen mua sắm trực tuyến và đưa ra nhận định đúng đắn, họ có thể thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng mà không lãng phí không gian.
Như lưu ý của ông Bob Hayward, tư vấn chiến lược của KPMG: Ngành bán lẻ trên toàn cầu đang thay đổi nhiều khi các DN bán lẻ sẽ trở thành một công ty công nghệ làm việc trong ngành bán lẻ, tại thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.