Bán lẻ trực tuyến kết hợp ngoại tuyến đang là xu hướng?
Mặc dù lĩnh vực bán lẻ trực tuyến tiếp tục khẳng định mức tăng trưởng vượt bậc khi các sàn thương mại điện tử đạt đơn hàng bán ra “khủng” trong sự kiện mua sắm trực tuyến 11/11 vừa qua, song lĩnh vực bán lẻ truyền thống cũng cho thấy tương lai của ngành bán lẻ sẽ không loại bỏ hẳn trung tâm mua sắm truyền thống.
Theo một nghiên cứu gần đây của các công ty nghiên cứu thị trường, quần áo, trang phục thể thao và trang thiết bị, mỹ phẩm và đồ điện tử đứng đầu danh sách mua sắm của người tiêu dùng trực tuyến. Ở cửa hàng truyền thống, người tiêu dùng chi tiền cho đồ ăn và thức uống, phòng gym, đồ lót và dịch vụ giải trí như vé xem phim và khu vui chơi trẻ em, tất cả đều chạy chương trình khuyến mãi đặc biệt.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam -cho biết, thu nhập khả dụng tăng, tốc độ đô thị hóa và mức sống ngày càng tăng đã làm cho Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Tầng lớp trung và thượng lưu tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và con số này sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2014-2020. Người tiêu dùng thuộc tầng lớp này với thu nhập trên 15 triệu VND/tháng (714USD) chính là những khách hàng tiềm năng cho các nhà bán lẻ. Vì thế, không có gì là ngạc nhiên khi các trang thương mại điện tử “cháy hàng” và trung tâm thương mại chật kín người mua sắm vào dịp Black Friday mới đây.
Cụ thể, trong suốt thời gian diễn ra Black Friday từ 16 đến 23/11, trang thương mại điện tử Sendo đã có 5 triệu đơn hàng được bán ra, trong đó có 500.000 sản phẩm đồng giá 1.000 đồng. Số lượng đơn hàng cũng tăng gấp 8 lần so với lượng mua bán ngày thường. Đặc biệt, trong ngày cuối cùng của chương trình giảm giá, ứng dụng đạt 6,1 triệu lượt truy cập.
Ở các kênh bán lẻ truyền thống như trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang… hàng ngàn khách hàng cũng đứng chen chân xếp hàng để có thể mua được món đồ yêu thích với giá “hời”.
Theo các chuyên gia, để nắm bắt xu hướng mua sắm kết hợp giữa trực tuyến và ngoại tuyến của người tiêu dùng, rất nhiều công ty lớn trên thế giới đã thiết lập hệ thống bán lẻ có cả hai kênh này. Đơn cử Starbucks đã cho chạy một trong những chiến dịch ngoại tuyến-trực tuyến quy mô lớn chỉ vài tháng sau khi thông báo quan hệ đối tác với Alibaba. Chương trình khuyến mãi tại cửa hàng đã thúc đẩy doanh số bán hàng tại các cửa hàng cà phê trên 11 thành phố của Trung Quốc, trong khi các ưu đãi thông qua ứng dụng phân phối thực phẩm của Alibaba, Ele.me, đã giúp nâng số lượng các đơn đặt hàng trực tuyến vào cuối tuần.
Tại Việt Nam, thực tế cũng cho thấy đã có rất nhiều doanh nghiệp áp dụng cả hai hình thức này vào kinh doanh. Biti's Việt Nam - ngoài các cửa hàng, đại lý truyền thống đã thiết lập hẳn một trang bán hàng trực tuyến nhằm cập nhật nhanh nhất các mẫu giày cũng như xu hướng thời trang để người tiêu dùng nắm bắt; đồng thời liên kết với các sàn thương mại điện tử như Lazada để tăng độ phủ của sản phẩm tới người tiêu dùng. Chính việc hợp tác với doanh nghiệp thương mại điện tử và đầu tư cho quảng cáo online đã giúp doanh số bán hàng của Bitis được ghi nhận tăng kỉ lục từ năm 2017 tới nay.
Ngoài Biti's một số thương hiệu khác như Canifa, Unilever, Samsung cũng khá thành công khi đưa hàng lên sàn thương mại điện tử. Trong đó, Samsung ghi nhận doanh số bán hàng qua online tăng tới 300-400% so với trước đây.