Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa với Cách mạng công nghiệp 4.0
Tại Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa với Cách mạng công nghiệp 4.0" vừa diễn ra, ông Phạm Ngọc Chính - Giảng viên cao cấp SIYB (Tổ chức Lao động quốc tế - ILO) cho rằng: ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa trong các khâu sản xuất là lựa chọn của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận cách mạng 4.0.
Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, hàng hóa.
Hiện nay, Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới doanh nghiệp Việt Nam. Nền tảng công nghệ 4.0 cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp có thể kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên theo ông Chính, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa chuẩn bị sẵn sàng cho CMCN 4.0. Một khảo sát trên 2.000 doanh nghiệp mới đây cho thấy, về chiến lược, có tới 79% doanh nghiệp trong số này trả lời rằng họ chưa làm gì để đón sóng cuộc CMCN 4.0; 67% doanh nghiệp không thấy liên quan và ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp; 76% doanh nghiệp chưa hiểu rõ bản chất của CMCN 4.0; và có đến 54% chưa có nhu cầu quan tâm về CMCN 4.0.
Để bắt kịp làn sóng CMCN 4.0, ông Chính cho rằng, doanh nghiệp cần nỗ lực thay đổi trình độ quản trị doanh nghiệp; đồng thời sẵn sàng đón làn sóng công nghệ mới và biến nó thành động lực phát triển, đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp của mình. Đối với người lao động, cần phải nhanh chóng tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ; làm chủ được thiết bị, máy móc để nâng cao năng suất lao động...
TS. Nguyễn Huyền Minh – Giảng viên phụ trách Văn phòng Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế - Trường đại học Ngoại thương - góp ý thêm: để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa với CMCN 4.0, ngoài việc đón làn sóng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cũng cần phải chú trọng đến vấn đề xây dựng thương hiệu trong kỷ nguyên số gắn với yếu tố cạnh tranh và nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng.