Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2015
Tháng Một năm nay là tháng trước tết Nguyên đán Ất Mùi nên nhu cầu mua sắm hàng hoá và tiêu dùng của dân cư tăng khá. Ngoài mạng lưới thương nghiệp phục vụ ổn định như trung tâm thương mại và siêu thị, nhiều điểm bán hàng lưu động tại các địa phương được tăng cường để bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hoá trong dịp Tết Nguyên đán.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một ước tính đạt 275,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2014, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một tăng 13%, loại trừ yếu tố giá tăng 11,9%, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước đạt 29,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% và tăng 13,7%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 236,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 86% và tăng 12,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,2% và tăng 17,1%.
Xét theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Một đạt 211,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,7%, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của một số ngành hàng so với tháng trước như sau: Hàng may mặc tăng 6,2%, là nhóm hàng tăng cao nhất; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,7%; lương thực, thực phẩm tăng 4%; phương tiện đi lại và xăng dầu tăng nhẹ.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 31 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3%, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có tốc độ tăng cao so với tháng trước như sau: Nghệ An tăng 13,5%; An Giang tăng 10,9%; Quảng Bình tăng 7%; Đắk Lắk tăng 6,7%; Đồng Tháp tăng 6,6%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,8%; riêng Hà Nội tăng nhẹ 1,8%.
Doanh thu hoạt động du lịch lữ hành đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,8%, giảm 1,8% so với tháng trước, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Hà Nội giảm 1,5% và tăng 2%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 1,6% và giảm 10%.
Doanh thu của các hoạt động dịch vụ khác đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,2%, giảm 4,2% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, doanh thu của Hà Nội tăng 1,2%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 2,5%; Đà Nẵng giảm mạnh ở mức 15,8%. Xét theo ngành hoạt động, ngành có doanh thu đạt mức tăng cao nhất so với tháng trước là nghệ thuật vui chơi và giải trí với mức tăng 8,7%; ngành có doanh thu giảm mạnh nhất là dịch vụ kinh doanh bất động sản với mức giảm 11,5%.