Bán lẻ hiện đại trỗi dậy
Năm 2018 được xem là năm thay đổi chưa từng có của kênh thương mại hiện đại (hệ thống đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh...) khi số lượng điểm bán tăng mạnh mẽ, giành thêm được thị phần từ kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa). Tuy nhiên, những người tham gia thị trường này cũng đang gặp không ít vấn đề.
Xa hơn, nếu không sớm thực hiện chuyển đổi số, họ cũng sẽ bị kênh thương mại điện tử xâm lấn, giành mất thị phần và biến thành truyền thống, đúng như cách bán lẻ hiện đại đã và đang làm với chợ.
Cửa hàng tiện lợi “vây” chợ
Cá thu đao 58.500/kg, thịt đùi heo 89.000 đồng, cải ngọt 18.800 đồng/kg, những áp phích với nội dung như vậy treo cột điện dọc bên đường Phạm Hữu Lầu, khúc dẫn ra cầu Phú Xuân nối giữa quận 7 và huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.
Ở ngay ngã tư, cô nhân viên mặc đồng phục cũng nhanh tay phát tờ rơi cho khách chạy xe dừng đèn đỏ. Tất cả, đều chỉ dẫn về cửa hàng Bách Hóa Xanh vừa khai trương ở số 35. Cách đó không xa, phía bên kia đường, Vinmart+ gây chú ý bằng tiếng nhạc rộn ràng cùng hình nhân khí bay phất phới. Và thêm chưa tới 300 mét đường nữa đã có một cửa hàng Bách Hóa Xanh khác, cũng mới mở chưa tới một năm. Xa hơn chút có Co.op Food hoạt động đã nhiều năm.
Ở gần như trung tâm nhưng nằm trong đường số 15B, con đường nhỏ giao với đường Phạm Hữu Lầu, là siêu thị Auchan. Và trung tâm của những cửa hàng thực phẩm tiện lợi và siêu thị này là chợ Phước Long, khu chợ được coi là lớn nhất và rẻ nhất Nam Sài Gòn với quy mô khoảng 700 sạp, bán đủ các loại hàng hóa.
Hình ảnh kể trên đang rất phổ biến ở TP. Hồ Chí Minh, nơi chợ truyền thống “bị bao vây” bởi các cửa hàng thực phẩm tiện lợi (chuyên kinh doanh thực phẩm tươi sống, còn có thể gọi là siêu thị mini khác với mô hình cửa hàng tiện lợi - CVS (Convenience Store) - hoạt động 24/7, chuyên bán các loại thực phẩm ăn liền), siêu thị hàng tiêu dùng.
Theo báo cáo của Nielsen Việt Nam, siêu thị mini dẫn đầu về tốc độ khai trương điểm bán mới trong chín tháng đầu năm 2018. Và tình hình này tiếp tục trong những tháng cuối năm, nhất là tháng 12, khi hàng trăm điểm bán ra đời để tranh thủ bán hàng dịp Tết Nguyên đán cũng như để các nhà đầu tư “tất toán” kế hoạch 2018 với cổ đông.
Hôm 31/12, chuỗi Vinmart+ của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce (thuộc Vingroup) đồng thời có thêm 117 điểm bán mới (được khai trương đồng loạt ở nhiều tỉnh thành) và nâng tổng số cửa hàng lên 1.700. Chuỗi Bánh Hóa Xanh của Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cũng kết thúc năm 2018 bằng mốc 405 điểm bán, tăng mạnh so với con số cuối năm 2017. Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng có thêm hàng chục điểm bán mới của chuỗi Co.op Food bằng cả hai hình thức, nhượng quyền và trực tiếp mở...
Theo Nielsen, số lần đi chợ trung bình trong một tháng của người Việt trong năm 2018 là gần 19 lần, giảm 6 lần so với 2010. Thị phần của kênh bán lẻ hiện đại, theo đó, được ghi nhận tăng lên mức 26% tổng thị trường, tốc độ tăng trưởng 11,8%/năm.
Trong khi đó, mô hình cửa hàng tiện lợi với các chuỗi như Cirle K, FamilyMart, B’s mart, 7- Eleven, GS25... theo Nielsen đã tăng gấp bốn lần (tính đến hết tháng 9/2018, so với năm 2012) về điểm bán. Các cửa hàng chuyên bán sản phẩm chăm sóc cá nhân và các cửa hàng thuốc hiện đại cũng đã mở rộng nhanh chóng, tăng gấp đôi trong hai năm qua.
Qua đây, doanh thu của mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của kênh thương mại hiện đại ở khu vực thành thị đạt mức tăng trưởng lên đến hai con số (mức 11,3% trong quí 2/2018), vượt trội hơn so với kênh truyền thống chỉ tăng chưa tới 2%.
Người mua hàng Việt Nam đi chợ ít hơn, đi siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh... nhiều hơn. Số liệu theo ghi nhận của Nielsen, số lần đi chợ trung bình trong một tháng của người Việt trong năm 2018 là gần 19 lần, giảm 6 lần so với 2010. Tương tự, họ giảm đến siêu thị nhưng tăng đến cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
Thị phần của kênh bán lẻ hiện đại, theo đó, được ghi nhận tăng lên mức 26% tổng thị trường, tốc độ tăng trưởng 11,8%/năm.
Cuộc đánh chiếm bằng tiền
Tuy nhiên, tốc độ mở điểm, phát triển hệ thống chưa thể nói lên tất cả. Nói như bà Nguyễn Thị Thu Trinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, là các chuỗi mở điểm bán nhanh mà đóng cửa cũng nhanh. Bà liên tục nhận được e-mail thông báo của các chuỗi (vì là nhà cung cấp hàng) nhưng có những điểm bán mới chưa kịp nhớ thì đã nhận được e-mail thông báo đóng cửa.
Doanh nghiệp của bà, chỉ bán ở kênh bán lẻ hiện đại, nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini... cũng đang phát triển theo nhưng bà thừa nhận, đó là sự song hành, cùng chia sẻ (win - win).
Tập trung mở rộng chuỗi để giành giật thị phần với nhau khiến hầu hết các chuỗi, như nhận xét của những người trong ngành, đang lỗ. Bởi lẽ, mức đầu tư cho từng cửa hàng lớn, chi phí vận hành cao, nhất là mặt bằng nhưng biên lợi nhuận cho từng mặt hàng thấp, doanh số chưa đủ lớn để bù đắp.
Trong số này, mô hình cửa hàng tiện lợi đang chịu lỗ nặng nhất. Tiền thuê mặt bằng, với các cửa hàng ở những trung tâm thương mại, mặt phố... nằm ở khu vực trung tâm có thể lên tới 9.000-11.000 đô la Mỹ/tháng, được nhận xét là “ăn hết vào lợi nhuận”. Bên cạnh đó là các khó khăn về nhân sự, logistics...
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và vận hành khó khăn, tiềm lực tài chính chính là thước đo về mức độ “lì đòn” của các tay chơi trên thị trường. Năm 2018, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự gia nhập của một số tên tuổi mới như GS25 (thương hiệu CVS của Hàn Quốc được tập đoàn Sơn Kim đưa về); Fujimart (thương hiệu siêu thị Nhật Bản, liên doanh với tập đoàn BRG) nhưng cũng có nhà đầu tư không chịu nổi “nhiệt”. Nhà bán lẻ Giant của Singapore, vốn có một siêu thị nằm ở tầng hầm Cresent Mall (quận 7) vừa rồi cũng đã phải nhường sân, chuyển đổi địa điểm cho chủ đầu tư khác là Auchan (Pháp).
Cần chuyển đổi nhanh hơn
Ở thời điểm hiện tại, ngoài nỗ lực phát triển điểm bán, mở rộng hệ thống, các nhà bán lẻ hiện đại tại Việt Nam cũng đã mở rộng phương thức tiếp cận người tiêu dùng bằng việc ứng dụng bán hàng trực tuyến (online). Hệ thống Auchan ngoài bán hàng trên website còn hợp tác chiến lược với Lazada để có cửa hàng Auchan trên LazMall, cung cấp các sản phẩm tiêu dùng nhanh với dịch vụ giao nhận của Lazada.
Trong tương lai, tất cả sản phẩm của Auchan sẽ lên LazMall và hai bên kỳ vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam một trải nghiệm dịch vụ O2O (online to offline), kết hợp tốt nhất giữa trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline). Trong khi đó, hệ thống LotteMart có ứng dụng mua hàng online Speed L ngay trên điện thoại...
Tuy nhiên, nhìn chung, như nhận xét của giám đốc một công ty nghiên cứu thị trường, sự chuyển đổi là chậm so với tốc độ thay đổi của thị trường. Sự chuyển đổi mới dừng lại ở việc có thêm kênh bán hàng online trong khi người tiêu dùng đang mong chờ ngày càng nhiều vào sự hợp nhất giữa các phương thức để mang lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn (omni - chanel).
Trong cuộc đua chuyển đổi, dường như các nhà bán lẻ trong nước đang chậm chân hơn dù có nhiều lợi thế về dữ liệu người tiêu dùng, về sự am hiểu thị trường. Vì vậy, khuyến nghị là cần chuyển đổi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong việc cung cấp trải nghiệm để giữ chân khách hàng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc chiến lược của Red Design, nguyên giám đốc dự án siêu thị cao cấp của Saigon Co.op, cho rằng ở thời điểm hiện tại của Việt Nam, còn quá sớm để đề cập đến những định dạng cửa hàng kết hợp giữa online và offline hay sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nhận dạng khuôn mặt để vận hành cửa hàng không nhân viên như Amazon, Alibaba, JD.com... đã làm tại Mỹ, Trung Quốc...
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cần coi việc mở rộng các định dạng cửa hàng mới, thu hút khách hàng làm động lực tăng trưởng trong năm 2019. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cần sớm sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ mới như tự thanh toán, đặt hàng online - nhận tại cửa hàng...