Bán lẻ liêu xiêu trong cạnh tranh
Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng tỷ trọng các doanh nghiệp bán lẻ nội địa vào thời gian tới. Tuy nhiên, trong cuộc đua khốc liệt trên thị trường bán lẻ hiện nay, liệu rằng doanh nghiệp nội có đủ sức để "lật ngược thế cờ", nhất là khi vẫn gặp rào cản về chính sách.
Mới đây, tại dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2035, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng tỷ trọng các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội.
Cụ thể đến năm 2025, mức bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 88% tổng mức bán lẻ và khu vực FDI chiếm khoảng 12%; đến năm 2030, mức bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm 80% tổng mức bán lẻ và khu vực FDI chiếm 20%…
Cạnh tranh khốc liệt
Nhìn vào thực tế, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng không phải thị trường bán lẻ bị DN FDI thâu tóm hoàn toàn, mà các DN trong nước cũng đang trong quá trình mua bán và sáp nhập để lấy lại thị phần. Do đó, chiến lược phát triển thị trường trong nước cần có các "đại gia" là DN Việt Nam dẫn dắt.
Trước mục tiêu trên, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, nêu quan điểm lượng hàng hóa nhập về Việt Nam hiện rất đa dạng, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, nên đối với những hàng tồn kho, các DN chấp nhận hạ giá, chịu lỗ.
Hiện nay, chỉ có một số DN bán lẻ truyền thống có lãi. Còn lại các hệ thống phân phối hiện đại đa phần là lỗ, như có DN nội làm thương mại điện tử lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng, lấy tiền đâu ra để mở rộng quy mô và phát triển.
Ông Đoàn cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là do cuộc chiến giành thị phần ở lĩnh vực bán lẻ đang diễn ra rất khốc liệt. Các DN đua nhau "sát phạt". Có DN đặt mục tiêu 10 năm hòa vốn, với mức đầu tư 2 tỷ USD để giành thị phần. Như vậy, việc khuyến khích DN Việt Nam "lao đầu" vào làm chưa phải là giải pháp thông minh.
Cụ thể, các cửa hàng tiện ích phải có khoảng 300 cửa hàng hay các siêu thị phải đạt số lượng 20-30 mới đạt đến điểm hòa vốn. Do đó, thời điểm gia nhập, cạnh tranh thị phần, hầu hết DN đều chấp nhận lỗ.
Vì vậy, đối với các DN Việt Nam nếu không có nhiều nguồn lực, tiền bạc, kinh nghiệm thì nên cân nhắc. Giai đoạn đầu có thể để các DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, sau 5-10 năm nữa có thể mua lại họ. Tất cả việc đó là hết sức bình thường.
Dẫn chứng thất bại từ liên minh bán lẻ gồm Satra, Hapro, Phú Thái và Saigon Co.op thành lập với kỳ vọng tạo nên một khối bán lẻ phát triển mạnh, chiếm lĩnh thị trường nội địa nhưng cuộc toan tính bất thành, ông Đoàn cho rằng rất khó khăn cho các DN, nhất là các chính sách đưa ra đều không khả thi.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy một bức tranh cạnh tranh rất khốc liệt trong ngành bán lẻ. Cụ thể, 11 tháng năm 2018, có 42,6 nghìn DN thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 35,1% tổng số DN thành lập mới), tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng số DN tạm ngừng hoạt động có thời hạn, không đăng ký thời hạn hoặc chờ giải thể và hoàn tất giải thể là 35,9 nghìn DN.
Khắc phục điểm yếu
Đánh giá cạnh tranh bán lẻ không chỉ diễn ra ở mô hình siêu thị và trung tâm thương mại mà còn ở các hình thức bán hàng khác, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng do có lợi thế cạnh tranh về nhiều mặt nên hầu hết các địa điểm kinh doanh đắc địa đã về tay các DN nước ngoài.
Cụ thể, các DN nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm, thương hiệu toàn cầu, tiềm lực tài chính rất mạnh. Trong khi đó, Việt Nam chưa có nhiều tập đoàn phân phối mạnh, có đủ sức mạnh để dẫn dắt thị trường nội địa.
Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam có xuất phát điểm thấp, manh mún, bộc lộ nhiều điểm yếu về tài chính, nhân lực… Đây là quãng thời gian các DN nội địa gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Con đường chuyển dịch ngành phân phối và bán lẻ Việt Nam từ khái niệm, quy mô, cấu trúc, hệ thống và tập quán kinh doanh truyền thống sang một ngành thương mại hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người tiêu dùng là không đơn giản.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chỉ rõ ngành bán lẻ đang có những điểm yếu như quản trị chuỗi (vấn đề kết nối từ thượng nguồn đến hạ nguồn, chi phí, trung gian cao), khả năng tích hợp chưa có (là điểm yếu của Việt Nam nhưng lại là điểm mạnh của nước ngoài, khiến các DN nước ngoài có điều kiện ồ ạt xâm nhập thị trường Việt Nam) và cuối cùng là năng lực tài chính còn yếu.
Tổ trưởng Tổ Tư vấn đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá rõ tác động của DN nước ngoài đối với kinh tế trong nước, xu hướng của thương mại nội địa và thương mại điện tử trong tương lai.
TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT), cũng cho rằng công nghệ đang thay đổi từng ngày và chắc chắn ngành bán lẻ sẽ chịu tác động, nếu DN nào không thích nghi, không ứng dụng công nghệ sẽ bị đào thải.
"Chúng ta đều biết tập đoàn bán lẻ lớn như Alibaba không hề có cửa hàng nào nhưng vẫn có thể giành được rất nhiều khách hàng từ các hệ thống bán lẻ truyền thống. Với Việt Nam hiện nay, những DN bán lẻ nước ngoài đang lấn át, mở rộng thị trường. Do cam kết mở rộng thị trường hiện nay, nên các hiệp định thương mại tự do vừa là cơ hội vừa là thách thức. Ta mở cửa cho họ và họ mở cho ta, sức ép cạnh tranh rất nhiều", ông Hùng nhấn mạnh.
Kiến nghị cụ thể, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng cần phải thay đổi ngành bán lẻ, hướng tới tiếp tục tăng trưởng và đảm bảo tính cạnh tranh. Tuy nhiên, không có giải pháp phù hợp với mọi DN, mọi loại hình kinh doanh, mà từng cá nhân, từng DN cần có chiến lược, con đường đi của riêng mình.
Ở góc độ DN FDI, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long, cho rằng Nhà nước cần tạo ra sân chơi với khuôn pháp lý chặt chẽ, tạo công bằng cho các DN dù lớn hay nhỏ đều có cơ hội phát triển ở thị trường Việt Nam.