Người Việt mua sắm qua ứng dụng nhiều hơn

Theo Trần Duy Đông/thoibaonganhang.vn

Criteo - một công ty chuyên về nền tảng tiếp thị trực tuyến niêm yết trên thị trường chứng khoán Nasdaq - vừa công bố một kết quả khảo sát rất đáng chú ý, 89% người dùng di động ở Việt Nam đã thực hiện tất cả các bước để mua hàng qua ứng dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Thực ra, không phải đến khi hãng công nghệ Grab mang dịch vụ gọi xe trên internet đến, người Việt mới biết có một bên thứ ba kết nối người có xe với người đi xe lại với nhau. Nhiều người Việt Nam đã quen với dịch vụ đặt phòng khách sạn như Agoda, Expedia, Traveloka… cũng là dạng bên thứ ba đặt phòng cho du khách và tìm khách cho chủ khách sạn.

Trong khảo sát của Criteo người tiêu dùng Việt mỗi khi đi du lịch thường sử dụng các ứng dụng như dịch vụ thuê xe và đặt taxi chiếm 67,3%, khách sạn lưu trú chiếm 55,2%, đặt vé máy bay chiếm 46%, đặt vé tàu hỏa chiếm 45,4% số người được khảo sát... Cũng theo thống kê, hàng hóa như thiết bị điện tử tiêu dùng đứng đầu bảng trong lựa chọn mua hàng qua ứng dụng trên internet của người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng mặc dù được người tiêu dùng xem xét lựa chọn và trực tiếp thử hàng tại điểm bán như trang phục, giày dép, túi xách và phụ kiện nhưng đến khi giao dịch cũng qua mạng.

Điều đáng chú ý là người mua sắm trực tuyến đa kênh ngày nay không còn chỉ tìm kiếm và lưu các sản phẩm trên những ứng dụng điện thoại, mà họ sẽ thực hiện đến thao tác cuối cùng trong việc mua sắm. Như vậy, muốn theo kịp hành vi của người tiêu dùng Việt và duy trì hoặc tăng doanh số bán hàng, các nhà bán lẻ cần đánh giá xu hướng này và tập trung mạnh hơn vào tiếp thị kỹ thuật số.

Ông Alban Villani - Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hồng Kông và Đài Loan của Criteo cho rằng: Khi mua sắm đa kênh tăng lên cũng là thời điểm thích hợp để các nhà tiếp thị có được chiến dịch thu hút, chuyển đổi và tương tác lại, không chỉ thu hút khách hàng mới mà còn thu hút những khách hàng hiện có.

Với một thị trường có đến 73% người dùng di động trên tổng số 96,5 triệu dân Việt Nam các hãng công nghệ đang tập trung đưa ra các dữ liệu cho các nhà bán lẻ khai thác thị trường phân phối hàng hóa qua mạng với chi phí thấp. Người Việt (26,2%) chỉ đứng sau Thái Lan (27,2) về mức độ dành thời gian nhiều nhất (khu vực Đông Nam Á) trong ngày hoạt động trên mạng internet.

Nếu Amazon và Alibaba là những tập đoàn bán lẻ qua mạng hoạt động đứng đầu ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới thì tại Việt Nam các công ty trong nước mới là những tổ chức dẫn đầu. Chẳng hạn, nghiên cứu của comScore  Media Metrix xếp top 5 nhà bán lẻ tốt nhất theo quốc gia trên không gian internet thì ở Việt Nam bắt đầu là: Vatgia.com, Lazada.vn, 5giay.vn, enbac.com, thegioididong.com. Trong khi Amazon đứng đầu ở Singapore, Malaysia, Philippines và đứng thứ hai ở Indonesia…

Các tập đoàn dữ liệu quốc tế cho rằng, hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm ít nhất một lần một tháng bằng cách sử dụng một ứng dụng bán lẻ, trong khi 60% làm điều này ba lần hoặc nhiều hơn mỗi tháng. Điều này một phần vì người tiêu dùng Việt Nam (hơn 82%) thấy thuận tiện hơn khi mua sắm qua ứng dụng di động thay vì web di động.

Cơ hội cho các nhà cung ứng các ứng dụng thương mại trên thị trường là rất rõ đòi hỏi các nhà cung ứng dịch vụ thanh toán đi kèm với rất nhiều hình thức thanh toán hàng hóa mua qua mạng khác nhau. Mặc dù, mua sắm trên các ứng dụng internet được các nhà làm dữ liệu nước ngoài đánh giá là rất sôi động nhưng cũng có một thực tế hiện nay mức độ chi trả tiền hàng bằng tiền mặt vẫn chiếm một tỷ lệ áp đảo trong các giao dịch hàng hóa dịch vụ qua mạng.

Giới kinh doanh hàng qua mạng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người tiêu dùng mua hàng qua mạng vẫn trả tiền khi nhận được hàng hóa sản phẩm dịch vụ do chất lượng hàng hóa còn làm cho người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng. Bên cạnh đó, tâm lý đổi trả cũng làm thanh toán phi tiền mặt chưa phát triển và đặc biệt tâm lý lo ngại rủi ro an toàn tài chính còn rất lớn.