Bán sổ bảo hiểm xã hội, bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu

Lan Nguyễn

Các chuyên gia khuyến nghị, người lao động cần cân nhắc, lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần không nên vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Người lao động cần cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH một lần không nên vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu.
Người lao động cần cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH một lần không nên vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu.

Nhận BHXH một lần chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động lớn đến nền kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đông doanh nghiệp.

Đặc biệt, đại dịch đã khiến nhiều người lao động thất nghiệp và gặp khó khăn khi tìm việc làm mới. Bối cảnh đó dẫn tới cuộc sống của người lao động gặp rất nhiều khó khăn nên họ quyết định nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống.

Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã thu mua sổ BHXH của người lao động nhằm trục lợi. Chẳng hạn như: Tại Bình Dương, có đối tượng lập trang facebook mạo danh BHXH tỉnh, rao mua sổ BHXH là một ví dụ điển hình.

Làm rõ về vấn đề này, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, sổ BHXH không phải là đối tượng của cầm cố, thế chấp hoặc mua bán. Hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là bất hợp pháp và sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. 

Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, chuyên gia về an sinh việc làm cho biết, người lao động khi nhận BHXH một lần, quyền lợi sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu. Việc nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn đối với người lao động. Đặc biệt, khi họ rời khỏi “lưới an sinh” sẽ mất cơ hội được hưởng lương hưu và chế độ BHYT.

Với mức đóng 22% tiền lương tháng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất, tổng mức đóng một năm là 2,64 tháng lương. Tuy nhiên, mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Chưa kể, người nghỉ hưu có lương hưu không phải tự mua thẻ BHYT. Khi hết tuổi lao động và dễ gặp bất trắc về sức khỏe, Quỹ BHXH sẽ trả kinh phí cấp thẻ BHYT và người nghỉ hưu được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT cũng như quyền lợi tử tuất.

Có thể bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc

Phân tích thêm, chuyên gia Bùi Sỹ Lợi cho biết, khi người lao độngnhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH, họ sẽ không được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm, mà chỉ tính thời gian đóng mới.

Như vậy, người lao động mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, trường hợp khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu thì số tiền lương hưu sẽ thấp.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, người lao động nếu ngừng đóng bảo hiểm có thể bảo lưu thời gian đóng để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đưa ra khuyến nghị với người lao động, ông Lợi lưu ý, nên cố gắng khắc phục những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, nền kinh tế vận hành bình thường trở lại người lao động có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.

“Người lao động cần cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH một lần, không nên vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ”, ông Bùi Sỹ Lợi khuyến nghị và nêu rõ.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động

Thực tế cho thấy, do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, người lao động đối mặt với nhiều khó khăn, nên tuy đang tham gia BHXH do gặp khó, họ rút để hưởng chính sách một lần, bán sổ BHXH. Tình trạng này thực sự diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, bán sổ BHXH thực chất là người lao động đang tham gia bảo hiểm, sau đó rút BHXH để hưởng chính sách một lần và ngại đi làm thủ tục hoặc vì một số lý do, thì nhượng lại sổ BHXH đó cho người khác để hưởng.

Theo Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay có khoảng 870.000 người rút BHXH một lần. Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới cần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp căn cơ.

Trước tiên là phải chăm lo, nâng cao đời sống người lao động, vì đa phần người rút BHXH một lần đều là người khó khăn, có hoàn cảnh éo le.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để cho người lao động hiểu và thấy rằng sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài của BHXH, để họ có một khoản lương hưu khi về già. 

Cùng với đó là phải sửa Luật BHXH. hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội xem xét, quyết định.