Bàn thêm về giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

ThS. Lữ Minh Đăng - ThS. Trần Thúy Phượng - Trường Chính trị TP. Cần Thơ/tapchicongthuong.vn

Bài viết phân tích các quy định hiện hành để doanh nghiệp tiến hành thủ tục giải thể trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Qua đó chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc và đưa ra một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về giải thể doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa đưa ra khái niệm cụ thể về giải thể doanh nghiệp mà chỉ đưa ra các dấu hiệu pháp lý để xác định giải thể doanh nghiệp[1]. Theo từ điển tiếng Việt, “giải thể” là việc mất dần tính chỉnh thể để tiến tới chấm dứt sự tồn tại, hoặc không còn, hoặc làm cho không còn tồn tại với tư cách là một tổ chức nữa[2]. Theo quyển sách “Giải thể và phá sản doanh nghiệp những vấn đề cần lưu ý” ghi nhận: “giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của một doanh nghiệp theo ý chí của doanh nghiệp hoặc của cơ quan có thẩm quyền”[3]

Đây là một thủ tục hành chính để doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách hợp pháp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiến hành giải thể, xét về mặt thủ tục nói chung pháp luật hiện hành quy định rất đơn giản, dễ thực hiện, tuy nhiên khi tiến hành giải thể trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp còn một số vướng mắc nhất định, bởi lẽ đây được hiểu là giải thể doanh nghiệp trong điều kiện bắt buộc, có thể ngoài sự mong muốn của doanh nghiệp.

2. Quy định về giải thể trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Thứ nhất, cơ sở để tiến hành giải thể doanh nghiệp - Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong một số trường hợp sau:

i) Trường hợp nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;

ii) Trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký có cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp;

iii) Trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế;

iv) Trường hợp doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp;

v) Trường hợp Tòa án quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

vi) Trường hợp Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật;

vii) Doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương bị thu hồi nội dung đăng ký kinh doanh trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp năm 2020[4].

Tùy theo các trường hợp cụ thể nêu trên, thủ tục thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có sự khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là Cơ quan đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đây là cơ sở bắt buộc doanh nghiệp tiến hành thủ tục giải thể.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý các doanh nghiệp giải thể trong phạm vi bài viết không rơi vào trường hợp sau: “trường hợp khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” - đó là những trường hợp mà cơ quan đăng ký kinh doanh xác định doanh nghiệp không thuộc trường hợp phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các cơ quan theo quy định của pháp luật đề nghị khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp[5].

Thứ hai, trình tự, thủ tục giải thể khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Việc tiến hành giải thể doanh nghiệp khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong phạm vi bài viết tạm chia thành 2 trường hợp sau: giải thể chủ động và giải thể tự động.

i) Giải thể chủ động được hiểu là sau khi có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp tiến hành các bước theo luật định để giải thể, rút khỏi thị trường một cách hợp pháp, cần lưu ý trong trường hợp này doanh nghiệp phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài[6]. Căn cứ theo Điều 209 Luật Doanh nghiệp năm 2020, có thể tóm tắt theo quy trình như sau:

Bước 1: Thông báo. Cơ quan đăng ký kinh doanh, phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đồng thời với việc ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

Bước 2: Doanh nghiệp quyết định giải thể. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải triệu tập họp để quyết định giải thể; 

Bước 3: Tổ chức thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ. Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nợ thuế, chi phí giải thể,… 

Bước 4: Nộp hồ sơ yêu cầu giải thể doanh nghiệp. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi đề nghị giải thể cho Cơ quan đăng ký kinh doanh; 

Bước 5: Cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp. Trong thời 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

ii) Giải thể tự động được hiểu là sau khi có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể tiến hành giải thể vì những lý do, mục đích nào đó, chẳng hạn như: doanh nghiệp chưa thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác hoặc đang trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án, Trọng tài,...

Căn cứ theo Điều 209 Luật Doanh nghiệp năm 2020, có thể tóm tắt nội dung như sau: Bước 1; Bước 2; Bước 3: thực hiện quy trình như giải thể chủ động; Bước 4: Sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo tình trạng giải thể doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mà không nhận phản đối của bên có liên quan bằng văn bản thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

3. Một số vướng mắc khi tiến hành giải thể trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Thứ nhất, đối với giải thể tự động.

i) Doanh nghiệp không thể rút khỏi thị trường khi chưa bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ. Theo quy định của pháp luật để hoàn tất thủ tục giải thể doanh nghiệp phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, tuy nhiên trong trường hợp không thanh toán được hết các khoản nợ thì sau 180 ngày kể từ ngày Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo tình trạng giải thể doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp[7], Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng doanh nghiệp đã giải thể.

Như vậy, doanh nghiệp thật sự muốn rút lui khỏi thị trường trong trường hợp này cũng không thể, do không hoàn tất được thủ tục giải thể mà phải chờ hết thời gian theo luật định. Ngoài ra, hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp được phép chọn thủ tục phá sản thay thế thủ tục giải thể khi chưa bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ để chấm dứt hoạt động. Do đó, cần có hướng để doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách nhanh chóng trong trường hợp này.

ii) Doanh nghiệp không chịu rút khỏi thị trường khi hội đủ các điều kiện giải thể. Một số doanh nghiệp sau khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để tiến hành giải thể chủ động, tuy nhiên các doanh nghiệp này vì lý do nào đó nên chưa muốn rút khỏi thị trường, nên không thực hiện các thủ tục tiến hành giải thể, đây cũng là khoảng trống cần phải quy định để đảm bảo cho thị trường được minh bạch.

Thứ hai, về việc xác định thời điểm Quyết định giải thể của doanh nghiệp. Theo quy định về trình tự, thủ tục giải thể trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải triệu tập họp để quyết định giải thể (việc họp để quyết định giải thể được xác định bằng Nghị quyết giải thể hoặc Quyết định giải thể - sau đây gọi tắt là Quyết định giải thể).

Quyết định giải thể phải gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Đối với trường hợp pháp luật yêu cầu phải đăng báo, thì Nghị quyết, Quyết định giải thể doanh nghiệp phải được đăng ít nhất trên 01 tờ báo in hoặc báo điện tử trong 03 số liên tiếp[8].

Như vậy có thể thấy, trong khoảng thời gian này (10 ngày) bất cứ lúc nào doanh nghiệp cũng có thể ra Quyết định giải thể, tuy nhiên việc xác định thời điểm Quyết định giải thể của doanh nghiệp rất quan trọng, bởi lẽ ranh giới giữa thời điểm chưa có và có Quyết định giải thể ảnh hưởng đến một số hoạt động của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 211 của Luật Doanh nghiệp năm 2020, do vậy đây là khoảng trống, có thể tùy nghi vận dụng nhằm mục đích có lợi cho doanh nghiệp, đồng thời cũng có thể gây thiệt hại cho đối tác.

Bên cạnh đó, chưa kể đến việc doanh nghiệp có thể trì hoãn, kéo dài thời gian việc quyết định giải thể. Vì vậy, cần có một khung pháp lý để xác định, ràng buộc thời gian được xem là doanh nghiệp đã Quyết định giải thể.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành không quy định Cơ quan đăng ký kinh doanh phải cập nhật thông tin này trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, vì vậy các đối tác cũng khó tiếp cận thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp.

Thứ ba, đối với một số hoạt động của doanh nghiệp.

Sau khi có quyết định giải thể doanh nghiệp được phép ký kết các hợp đồng mới nhằm thực hiện mục tiêu giải thể doanh nghiệp[9] (Ví dụ: sau khi có quyết định giải thể, doanh nghiệp tiến hành ký kết các hợp đồng để bán các hàng hóa tồn kho nhằm mục đích thu hồi vốn). Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định cấm doanh nghiệp: cất giấu, tẩu tán tài sản; từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ; chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp; cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản; huy động vốn dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, pháp luật không quy định nếu các hoạt động trên diễn ra thì chủ thể nào có chức năng giám sát các hoạt động này và chế tài đối với các hoạt động này như thế nào. Chẳng hạn, trong trường hợp doanh nghiệp ký kết các hợp đồng mới nhằm mục đích tẩu tán tài sản thì Tòa án có quyền tuyên bố vô hiệu hay không. Hơn nữa, các hợp đồng mới ký kết như cầm cố, thế chấp, cho thuê tài sản,… là những hợp đồng thương mại nếu như các hợp đồng này ký kết nhằm mục đích giải thể doanh nghiệp. Vậy tại sao pháp luật lại cấmthế chấp tài sản của doanh nghiệp tư nhân để thanh toán các khoản nợ khi tiến hành giải thể theo quy định của pháp luật?

4. Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, bên cạnh trình tự, thủ tục chung về giải thể doanh nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu bổ sung quy định “thủ tục đặc biệt” để giải quyết trường hợp tiến hành giải thể khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà doanh nghiệp bị giải thể không bảo đảm đủ tài sản để thanh toán hết các khoản nợ, chẳng hạn như cơ chế mua bán nợ của các tổ chức tín dụng.

Quy định này nhằm để doanh nghiệp rơi vào tình trạng giải thể rút lui khỏi thị trường một cách có trật tự, tránh tình trạng kéo dài như hiện nay, góp phần tạo môi trường kinh doanh thương mại ổn định. Đồng thời, đây cũng là điều kiện để các chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp,… có thể sớm quay lại thị trường.

Thứ hai, hiện nay, pháp luật có quy định về chế tài trong trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 210 Luật Doanh nghiệp năm 202. Tuy nhiên, chưa có quy định về chế tài trong trường hợp không thực hiện thủ tục giải thể khi đã đầy đủ cơ sở, hội đủ các điều kiện để giải thể nói chung, cũng như trong trường hợp giải thể khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nói riêng. Vì vậy, thời gian tới, cần bổ sung chế tài đối với hành vi cố tình không thực hiện thủ tục giải thể khi đủ cơ sở, điều kiện giải thể.

Thứ ba, cần bổ sung quy định cụ thể về việc xác định thời gian phát sinh sự kiện pháp lý đối với Quyết định giải thể của doanh nghiệp, khuyến nghị theo hướng: thời gian được xác định khi Cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được Quyết định giải thể của doanh nghiệp hoặc hết thời hạn 10 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; đồng thời trong thời hạn 01 ngày kể từ nhận được Quyết định giải thể của doanh nghiệp hoặc sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Quy định trên vừa bảo đảm tính hiệu lực của Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đối với các hoạt động của doanh nghiệp khi có Quyết định giải thể; đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh thương mại, cũng như các chủ thể khác có liên quan.

Ngoài ra, việc xác định thời gian cụ thể nêu trên đối với Quyết định giải thể còn ràng buộc các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể.

Thứ tư, đối với một số hoạt động của doanh nghiệp kể từ khi có Quyết định giải thể. i) Đối với việc ký kết các hợp đồng mới, cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2020 theo hướng quy định nguyên tắc chung là Kể từ khi có Quyết định giải thể thì doanh nghiệp không được ký kết các hợp đồng mới trừ việc ký kết hợp đồng mới nhằm mục đích giải thể doanh nghiệp” hoặc hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nội dung này.

Tránh quy định liệt kê như hiện nay, để khi doanh nghiệp muốn ký kết các hợp đồng mới nhằm mục đích giải thể doanh nghiệp thì lại rơi vào các trường hợp cấm như đề cập ở phần trên. ii) Cần bổ sung quy định về hoạt động giám sát đối với các hoạt động của doanh nghiệp kể từ khi có Quyết định giải thể, theo hướng giao cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng này, cụ thể là Cơ quan đăng ký kinh doanh./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Xem thêm Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[2] Lê Thị Huyền - Minh Trí (2008), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Thanh Niên, tr.376.

[3] Bộ Tư pháp - Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (2020), Giải thể và phá sản doanh nghiệp những vấn đề cần lưu ý, Nxb Công Thương, tr.5.

[4] Xem thêm Điều 75 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp.

[5] Xem thêm Điều 76 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp.

[6] Xem thêm khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[7] Xem thêm khoản 5 Điều 209 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[8] Xem thêm khoản 2 Điều 209 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[9] Điểm d Khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tư pháp - Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (2020), Giải thể và phá sản doanh nghiệp những vấn đề cần lưu ý, Nxb Công Thương;

2. Chính phủ (2021), Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về Đăng ký doanh nghiệp;

3. Lê Thị Huyền - Minh Trí (2008), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Thanh Niên;

4. Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp 2020.