Bàn thêm về hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế trong giai đoạn mới
Năm 2016, trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại tự do - FTA được triển khai mạnh mẽ, đồng thời chuẩn bị thực hiện cam kết trong các FTA thế hệ mới, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và hội nhập tài chính nói riêng dự báo cũng sẽ triển khai mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện hơn.
Chủ động hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế
Hợp tác tài chính quốc tế đã giúp khai thác tối đa và có chọn lọc những kết quả hợp tác và tăng cường thu hút, vận động và sử dụng có hiệu quả những nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để phục vụ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đầu tư phát triển đất nước, góp phần hiện đại hóa ngành Tài chính, hoàn thiện thể chế và chính sách tài chính, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tài chính. Việc đa dạng hóa và tăng cường hiệu quả các hình thức hợp tác tài chính đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hợp tác tài chính khu vực là trọng tâm của chiến lược hợp tác tài chính quốc tế, từ đó hình thành cầu nối giữa Việt Nam với từng nước trong khu vực, tiến tới thiết lập một cơ chế hợp tác tài chính bền vững và hiệu quả với các tổ chức tài chính quốc tế trong dài hạn…
Năm 2015, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong đàm phán và ký kết các FTA mới với các đối tác. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết năm 2015, Việt Nam đã ký kết 10 FTA song phương và đa phương. Hai Hiệp định quan trọng với đối tác Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ đã tuyên bố kết thúc đàm phán là Hiệp định Việt Nam - EU (ngày 02/12/2015) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (ngày 05/10/2015) tiếp tục đánh dấu mốc hội nhập quan trọng kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là động lực để thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường thương mại hai chiều giữa Việt Nam với EU và Hoa Kỳ, cải thiện thể chế chính sách… Hiện Việt Nam đang triển khai đàm phán 3 FTA khác gồm: FTA Việt Nam-Khối EFTA (Thụy Sỹ, Nauy, Iceland và Liechtenstein), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN với 6 nước đối tác (RCEP) và FTA ASEAN-Hồng Kông.
Năm 2015 cũng chứng kiến sự chủ động, tích cực của ngành Tài chính trong các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, ASEAN+3, APEC, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và G20; Tích cực triển khai xây dựng phương án đàm phán, phương án kết thúc các hiệp định thương mại tự do; Tiếp tục rà soát, chuyển đổi biểu thuế và triển khai Thông tư ban hành Biểu thuế cho các FTA. Có thể nói, hoạt động đối ngoại, hợp tác tài chính quốc tế đã góp phần tích cực trong thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài; thu hút có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ cho đầu tư phát triển đất nước; góp phần hoàn thiện về chính sách và thể chế quản lý của ngành Tài chính trên các lĩnh vực như thuế, hải quan, quản lý giá, phát triển thị trường vốn và các chính sách tài chính khác.
Hội nhập tài chính góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách kinh tế trong nước thông qua việc thúc đẩy các hoạt động thương mại quốc tế, chuyển đổi cơ cấu ngành, vùng. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xét về thương mại hàng hóa, các đối tác FTA của Việt Nam đều là các đối tác thương mại quan trọng, thể hiện ở giá trị thương mại lớn và tỷ trọng cao trên tổng số liệu thương mại với thế giới của Việt Nam hàng năm. Thương mại của Việt Nam với các đối tác đã và đang đàm phán luôn chiếm trên 80% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam.
Năm 2015, mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam với các đối tác FTA đã ở mức khá cao: Trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đạt khoảng 93%, ASEAN-Trung Quốc 84% số dòng thuế về 0%, ASEAN-Hàn Quốc 78% và ASEAN-Nhật Bản 62%. Cam kết về thuế nhập khẩu trong 2 khuôn khổ FTA thế hệ mới là TPP và Việt Nam - EU có tỷ lệ tự do hóa cao hơn với lộ trình ngắn hơn, hướng tới cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 100% số dòng thuế. Như vậy, cho đến nay, phạm vi đối tác FTA của Việt Nam đã khá rộng và toàn diện, trong 3-5 năm tới sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu với các đối tác thương mại chính. Về thuế xuất khẩu, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng phương án cam kết về thuế xuất khẩu với EU và các nước TPP nhằm phù hợp với xu hướng quốc tế, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN)...
Bên cạnh đó, do quy mô thị trường chứng khoán và bảo hiểm của Việt Nam còn hạn chế, nên Bộ Tài chính đã xây dựng phương án và tham gia đàm phán với EU và TPP trên nguyên tắc thận trọng, có bước đi phù hợp. Dịch vụ kế toán kiểm toán và dịch vụ thuế theo cam kết WTO cũng đã ở mức tự do hóa rất cao, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường, tăng cường minh bạch hóa quản trị doanh nghiệp (DN) và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
Một số nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2016, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế và vị thế chính trị của Việt Nam với thế giới. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách 2016, công tác hội nhập và hợp tác tài chính cần bám sát các nhiệm vụ mà ngành Tài chính đã đặt ra cho năm 2016, trong đó, chú trọng một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục triển khai và theo dõi việc thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu trong các FTA đã ký kết theo lộ trình đã ban hành. Theo đó, năm 2016, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các cam kết về thuế nhập khẩu theo các thông tư đã ban hành các biểu FTA, theo dõi việc thực thi và tăng cường trao đổi, tiếp thu ý kiến của DN. Năm 2016, Hiệp định TPP và Việt Nam-EU có thể chưa có hiệu lực ngay nhưng do đây là các FTA thế hệ mới với mức độ tự do hóa cao và cam kết trên phạm vi rộng nên Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để nghiên cứu, rà soát hệ thống chính sách, từ đó đề xuất sửa đổi nhằm phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định.
Hai là, tiếp tục xây dựng phương án và tham gia đàm phán các lĩnh vực thuế nhập khẩu, dịch vụ tài chính và dịch vụ khác (nếu có) trong các FTA đang và sẽ đàm phán. Bộ Tài chính cần chủ động trong đàm phán để xây dựng bước đi phù hợp, cân bằng lợi ích của Việt Nam và đối tác RCEP, EFTA, ASEAN-Hồng Kông. Một số FTA song phương đang chuẩn bị khởi động đàm phán, vì vậy Bộ Tài chính cũng chuẩn bị nguồn lực và chủ động tham vấn với các bộ, ngành, hiệp hội và địa phương để tích cực tham gia đàm phán trong các lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu và đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế trong các FTA đến thu NSNN, sản xuất kinh doanh trong nước và tác động đến một số ngành hàng quan trọng, từ đó kịp thời kiến nghị điều chỉnh các chính sách liên quan.
Ba là, đẩy mạnh hợp tác tài chính quốc tế và khu vực; đánh giá quan hệ với từng đối tác, bao gồm cả song phương và đa phương, cả cấp Trung ương, địa phương, khu vực DN và tư nhân; gắn hợp tác quốc tế với yêu cầu cải cách và hiện đại hóa ngành Tài chính. Chủ động và tích cực trong công tác thu hút, vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ nhằm thúc đẩy quá trình cải cách tài chính công, hiện đại hóa ngành Tài chính, hoàn thiện thể chế tài chính, cải cách thủ tục hành chính, phát triển thị trường tài chính…
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền và đối thoại chính sách, hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước tận dụng các cơ hội và hạn chế tác động tiêu cực từ các thách thức do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin thường xuyên về cam kết của Việt Nam trong các FTA để nâng cao nhận thức trong cộng đồng DN và xã hội, nhất là những cơ hội và lợi ích trong các hiệp định, các điều kiện để hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế quan, các cải cách về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…
--------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính, Báo cáo chuyên đề Chủ động thực hiện cam kết hội nhập trong lĩnh vực tài chính (2015);
2.Bộ Tài chính, Tài liệu họp báo chuyên đề Cam kết TPP trong lĩnh vực tài chính (2015);
3. Một số website: ncseif.gov.vn, mof.gov.vn, tapchitaichinh.vn.