Chủ động hội nhập tài chính quốc tế giai đoạn 2015-2020

Trang Trần

(Tài chính) Đó là thông điệp được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đưa ra tại Hội nghị đối ngoại và hợp tác quốc tế của Bộ Tài chính năm 2015 diễn ra ngày 31/3 tại Trụ sở Bộ Tài chính với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng lãnh đạo các Vụ, cán bộ của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.

Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: financeplus.vn
Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: financeplus.vn

Mang lại nhiều lợi ích

Thực hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ-TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Trương Chí Trung cho biết, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều Hiệp định thương mại đa phương và song phương với cam kết mở cửa thị trường trên nhiều lĩnh vực như hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Đối với ngành Tài chính, năm vừa qua, toàn ngành đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, ASEAN+3, APEC, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và G20; tích cực triển khai xây dựng phương án đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA bước vào giai đoạn cuối cùng như hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh Hải quan, Việt Nam - Hàn Quốc; tập trung rà soát, chuyển đổi biểu thuế và hoàn thiện lộ trình cắt giảm thuế quan cho 8 FTA đã ký kết cho giai đoạn 2015 - 2018 để thực hiện từ ngày 01/01/2015.

Nhờ đó, hoạt động đối ngoại, hợp tác tài chính quốc tế đã đóng góp tích cực vào việc thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài; giúp thu hút có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ cho đầu tư phát triển đất nước; góp phần hoàn thiện về chính sách và thể chế quản lý của ngành tài chính trên các như thuế, hải quan, quản lý giá, phát triển thị trường vốn và các chính sách tài chính khác. Có thể nói, hội nhập tài chính đã góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách kinh tế trong nước thông qua việc thúc đẩy các hoạt động thương mại quốc tế, chuyển đổi cơ cấu ngành, vùng.

Không ít những thách thức

Bên cạnh những lợi ích mang lại, tiến trình hội nhập cũng đặt ra các thách thức đối với nền kinh tế nói chung và ngành tài chính nói riêng. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, trong đó năng lực cạnh tranh của các ngành, doanh nghiệp nói riêng còn hạn chế cộng thêm quy mô các ngành kinh tế còn nhỏ và phân tán, giá trị gia tăng nội địa thấp cũng là thách thức không nhỏ đối với những người làm chính sách.

Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm dưới tác động của việc thực thi các cam kết cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ các Hiệp định FTA với các đối tác lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nội khối ASEAN… cũng đang là vấn đề nổi cộm đối với an ninh tài chính quốc gia.

Bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động phức tạp như vai trò của các nước mới nổi và đang phát triển đặc biệt là Trung Quốc ngày càng tăng; xung đột mâu thuẫn xảy ra ở nhiều nơi đặc biệt là căng thẳng trên Biển Đông, cuộc khủng hoảng và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS ở Trung Đông, cấm vận của phương Tây với Nga... cũng gián tiếp tác động bất lợi tới hợp tác tài chính quốc tế.

Trong khi đó, xu hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa vẫn đang tiếp diễn, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng gia tăng khiến cho những biến động của một nước này sẽ có tác động lớn tới nhiều nước khác. Đứng trước bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi như vậy thì vai trò của công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng được nâng cao, gắn với các yêu cầu ngày càng cao nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được chính thức hình thành từ cuối năm 2015.

Bàn về những giải pháp

Để làm tốt công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế trong giai đoạn 2015-2020, Thứ trưởng Trương Chí Trung chia sẻ, ngành Tài chính sẽ tập trung rà soát đánh giá tổng kết công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế thời gian qua; từ đó rút ra các mặt ưu, nhược và xác định rõ các thách thức đặt ra đối với ngành để có chương trình hành động cụ thể, đảm bảo hội nhập chủ động, tích cực và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho rằng, cần có một cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ để có định hướng đối ngoại phù hợp, bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 31/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết 22, phù hợp với xu thế chung của thế giới và những cam kết mà Việt Nam đã tham gia nhằm phát huy tối đa các thành quả của hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế (đặc biệt là các cam kết hội nhập) trong quá trình phát triển kinh tế nói chung và thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính.

Bàn về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Thị Bích đề xuất, trong giai đoạn tới, tập trung triển khai các cam kết hội nhập đã ký kết và tiếp tục mở rộng hội nhập trong các lĩnh vực ưu tiên, như thị trường chứng khoán, bảo hiểm, kế toán kiểm toán… để từng bước tiếp cận các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế. Đồng thời, triển khai một cách hiệu quả công tác huy động và sử dụng các nguồn lực quốc tế cho phát triển trong nước. Chú trọng hợp tác tài chính đa phương và song phương, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác truyền thống.

Chủ động tuyên truyền về công tác đối ngoại của ngành Tài chính; phổ biến sâu rộng các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia để tạo sự đồng thuận trong nhận thức và trong tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt trong công tác xây dựng chính sách chế độ trong bối cảnh hội nhập. Tổ chức công tác thông tin, quảng bá đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ và của ngành đến các đối tác, các nhà đầu tư để góp phần thu hút đầu tư, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.