Bàn thêm về phát triển thị trường công nghệ tài chính tại Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội

Tại Việt Nam, dù mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây nhưng công nghệ tài chính (Fintech) đề ra đang phát triển mạnh mẽ và được các nhà đầu tư đánh giá có triển vọng trở thành một trong những thị trường Fintech tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng rộng mở, thị trường Fintech Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bài viết đề cập đến Fintech từ lý thuyết đến thực tiễn tại Việt Nam, nhìn nhận các thách thức, qua đó đề xuất một số kiến nghị nhằm phát triển Fintech trong thời gian tới.

Fintech là một ngành công nghiệp tài chính mới áp dụng công nghệ để cải thiện hoạt động tài chính nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp, dịch vụ tài chính minh bạch.
Fintech là một ngành công nghiệp tài chính mới áp dụng công nghệ để cải thiện hoạt động tài chính nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp, dịch vụ tài chính minh bạch.

Cơ sở lý thuyết

Fintech là từ viết tắt của Financial Technology - Công nghệ tài chính. Đây là sự kết hợp giữa thuật ngữ Finance (tài chính) và Technology (công nghệ).

Mặc dù Fintech là một chủ đề thu hút rất nhiều sự quan tâm trong vài thập niên gần đây nhưng thực chất, khái niệm Fintech xuất hiện trên thế giới từ thế kỷ XX. Năm 1998, PayPal được thành lập, đại diện cho một trong những công ty fintech đầu tiên hoạt động chủ yếu trên internet - một bước đột phá trong việc cung cấp dịch vụ tài chính nhờ công nghệ di động, mạng xã hội và mã hóa dữ liệu.

Tuy nhiên, hoạt động Fintech chỉ thực sự được chú ý khi làn sóng khởi nghiệp tập trung vào lĩnh vực công nghệ trong tài chính nổi lên sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 và trở nên bùng nổ sau đại dịch COVID-19 bởi Fintech đã thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh của ngành Tài chính - Ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số nhằm vượt qua khủng hoảng và thích ứng với điều kiện mới. Những ứng dụng Fintech đột phá không chỉ là một trong những giải pháp giúp hệ thống tài chính - ngân hàng chống đỡ trước tình hình suy thoái kinh tế mà còn trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số.

Fintech là một ngành công nghiệp tài chính mới áp dụng công nghệ để cải thiện hoạt động tài chính nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp, dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống. Đồng thời, Fintech là một quá trình phát triển liên tục trong đó tài chính và công nghệ cùng song hành, dẫn đến nhiều ứng dụng đổi mới và đột phá.

Một số dịch vụ Fintech thường cung cấp như: Thanh toán điện tử (Payment); Cho vay ngang hàng (P2P lending); Công nghệ bảo hiểm (InsurTech); Chuỗi khối & tiền ảo (Blockchain/Crypto); Ngân hàng số (digital banking); Cho vay ngang hàng gọi vốn cộng đồng (crowdfunding)…

Các sản phẩm dịch vụ Fintech nói trên chủ yếu được cung ứng bởi các công ty Fintech. Đây là các công ty sử dụng những sáng tạo, đổi mới trong công nghệ nhằm cung ứng giải pháp hoặc dịch vụ tài chính hiện đại so với dịch vụ tài chính được cung ứng bởi các định chế tài chính truyền thống như ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm.

Các công ty trong lĩnh vực Fintech có thể được chia thành các phân khúc chính khác nhau theo mô hình kinh doanh đặc thù của từng công ty; đồng thời gần như tương ứng với các mảng hoạt động của tài chính ngân hàng trên toàn cầu. Những lĩnh vực hoạt động chính của Fintech gồm: (i) Thanh toán; (ii) Huy động vốn; (iii) Cho vay; (iv) Đầu tư và quản lý tài sản; (v) Bảo hiểm; (vi) Blockchain và các ứng dụng; (vii) Các công nghệ hỗ trợ cho hoạt động tài chính - ngân hàng.

Thực tiễn ở Việt Nam

Trong những năm qua, Fintech đã liên tục phát triển và thay đổi để đáp ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Thời gian tới, Fintech sẽ tiếp tục phát triển với các xu hướng: (i) Ngân hàng số (Digital Banking): là hình thức ngân hàng số hoá mọi dịch vụ của ngân hàng truyền thống trên nền tảng website hoặc ứng dụng di động. Thông qua Ngân hàng số, người dùng có thể thực hiện được mọi giao dịch ngân hàng qua Internet thông qua các hình thức như GPRS/3G/4G/Wifi, diễn ra mọi lúc mọi nơi. (ii) Công nghệ chuỗi khối (Blockchain): Blockchain được coi là một trong những công nghệ đột phá trong kỷ nguyên số. Blockchain có nhiều ứng dụng trong các dịch vụ tài chính và được xem là một công cụ làm thay đổi cả cách thức cung ứng và sử dụng các dịch vụ tài chính. (iii) Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) và Máy học (Machine learning - ML): Việc các giải pháp thông minh xâm chiếm các công ty fintech trong thập kỷ qua là điều không thể phủ nhận. Trí tuệ nhân tạo và máy học trong các ứng dụng fintech hiện diện hầu hết trong mọi lĩnh vực. Các công nghệ AI và ML đã thay đổi quy mô của các công ty công nghệ tài chính, xác định lại các dịch vụ cung cấp cho khách hàng. AI và ML có thể giảm chi phí vận hành, tăng giá trị cung cấp cho khách hàng và phát hiện gian lận.

Fintech bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2017, còn khá non trẻ so với thế giới. Tuy nhiên, cùng với làn sóng của cuộc cách mạng chuyển đổi số, hoạt động Fintech tại Việt Nam bùng nổ và phát triển mạnh trong các năm qua, góp phần làm thay đổi diện mạo của một ngành Tài chính - Ngân hàng hiện đại, thích ứng với bối cảnh mới. Mặc dù đại dịch COVID - 19 gây suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến đột phá của thị trường Fintech Việt Nam khi lần đầu được lên ở vị trí 14 trên 50 ở khu vực châu Á và vị trí 70 trên bảng xếp hạng thế giới. Hoạt động Fintech tại Việt Nam thời gian qua đã tăng trưởng cả về giá trị giao dịch và số lượng các công ty Fintech.

Theo số liệu được công bố năm 2022 trên website của YCP Solidiance, tổng giá trị giao dịch trên thị trường Fintech Việt Nam đã tăng gấp 5 lần từ khoảng 4,4 tỷ USD năm 2017 lên tới 22,6 tỷ năm 2022. Số lượng các công ty Fintech không ngừng tăng nhanh qua từng năm. Năm 2017, có 40 công ty Fintech bắt đầu hoạt động trên thị trường Việt Nam, đến cuối năm 2022 là 263 công ty.

Các công ty Fintech năng động đã cung cấp cho thị trường Việt Nam một hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ khá đa dạng. Theo chiều dọc, hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech của Việt Nam có thể được chia thành nhiều phân khúc như: Thanh toán điện tử; Quản lý tài sản; Công nghệ bảo hiểm; Chuỗi khối & tiền ảo; Ngân hàng số; Cho vay ngang hàng gọi vốn cộng đồng; Đánh giá điểm tín dụng…

Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư nhiều triển vọng nhất trong khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số nhanh nhất khu vực, đạt mốc 23 tỷ USD trong năm 2022 và đang hướng đến mục tiêu đạt 50 tỷ USD vào năm 2025. Cùng với đó, các tổ chức nước ngoài và quỹ đầu tư đều đánh giá Việt Nam là một “miền đất hứa” của lĩnh vực Fintech với triển vọng phát triển rộng mở, dựa trên một số cơ sở:

(i) Việt Nam có cơ cấu dân số “vàng” là đối tượng khách hàng tiềm năng của Fintech. Theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc ngày 12/03/2023, Việt Nam có dân số hơn 99,4 triệu người với độ tuổi trung bình 32,5 tuổi. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Reputa (Hệ thống Giám sát và Phân tích thông tin trên môi trường mạng) có tới 60% người dùng Fintech nằm trong độ tuổi từ 24-35 tuổi nên đây là đối tượng khách hàng tiềm năng mà các công ty Fintech có thể khai thác.

(ii) Lĩnh vực Fintech nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ phát triển của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ đã và đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để hình thành khung pháp lý nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các lĩnh vực của Fintech. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, đề án liên quan đến phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ trong hệ sinh thái Fintech. Ngày 30/3/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động về triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng 2025.

(iii) Thị trường Fintech Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển so với các nước lân cận. Việt Nam có tới 69% người dân chưa có tài khoản ngân hàng. Đây sẽ là một thị trường tiềm năng với nhu cầu khổng lồ để các công ty Fintech khai thác. Kể từ khi Fintech bùng nổ tại Việt Nam, với nhu cầu dịch vụ Fintech liên tục tăng trưởng nhưng nguồn cung - số lượng các công ty Fintech vẫn còn hạn chế.

Như vậy, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để trở thành một thị trường Fintech tiềm năng và triển vọng sẽ tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Khuyến nghị

Bên cạnh những triển vọng phát triển rộng mở, thị trường Fintech Việt Nam phải đối diện với 2 thách thức lớn, bao gồm: Thiếu khung pháp lý quy định hoạt động Fintech; Thiếu hụt nguồn nhân sự Fintech đủ kỹ năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Để vượt qua được những thách thức, tận dụng tốt những cơ hội mà Fintech mang lại, các tổ chức cung ứng dịch vụ Fintech như các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, công ty Fintech… có thể thực hiện các chiến lược sau để vượt qua thách thức, phát triển hoạt động kinh doanh của mình và góp phần phát triển thị trường Fintech tại Việt Nam:

Thứ nhất, chú trọng đào tạo bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực.

Trước áp lực về nhu cầu nguồn nhân lực và đáp ứng được nhu cầu hoạt động kinh doanh đang vận hành từng ngày, các công ty Fintech và các tổ chức tín dụng khác cần chú trọng triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn nhằm bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực hiện có.

Thứ hai, xây dựng cơ chế đãi ngộ nhằm thu hút, và giữ chân các nhân tài.

Nhân sự chính là nền tảng để xây dựng và gia tăng sức mạnh nội bộ, tăng sức cạnh tranh của mỗi tổ chức. Nếu không có các chính sách thu hút nhân tài, tổ chức sẽ trở nên yếu thế với các đối thủ cùng ngành sở hữu nhân sự giỏi. Vì vậy, mỗi tổ chức cần xây dựng chiến lược và phương pháp tiếp cận, thu hút ứng viên, đưa ra cơ hội việc làm và các đãi ngộ hấp dẫn nhằm thu hút ứng viên. Xu thế toàn cầu hóa và thương mại điện tử đã xóa mờ cản trở ranh giới địa lý, các tổ chức hoàn toàn có thể nghĩ tới và triển khai các chiến lược thu hút nhân sự giỏi ở nước ngoài về làm việc trong nước.

Ngoài ra, đối diện với thực trạng nhân sự ngành Tài chính - Ngân hàng đang có xu thế nghỉ việc, chuyển ngành khác thì các tổ chức cần có chiến lược, chế độ đãi ngộ để giữ chân nhân sự, đặc biệt là các nhân sự giỏi.

Thứ ba, kết nối với các cơ sở giáo dục để xây dựng các chương trình đào tạo và chương trình ngoại khóa, từng bước tiếp cận và phát hiện các nhân sự tiềm năng.

Đội ngũ sinh viên tốt nghiệp các trường đại học lớn, uy tín sẽ là nguồn nhân lực tiềm năng cho các tổ chức, đặc biệt với ngành công nghệ cao và chuyên môn sâu như Fintech. Các tổ chức nên có phương án, kế hoạch phối hợp với các trường đại học xây dựng các chương trình đào tạo trong đó bảo đảm các chuẩn đầu ra phù hợp với các vị trí việc làm của tổ chức.

Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính, các công ty Fintech nên tích cực tham gia các chương trình ngoại khóa, mở rộng các chương trình thực tập sinh để thông qua đó, từng bước tiếp cận và phát hiện các nhân tố, nhân sự tiềm năng trong tương lai, có kế hoạch đào tạo chuyên sâu phù hợp.

Kết luận

Cùng với những triển vọng phát triển, Fintech tại Việt Nam cũng phải đối diện với những thách thức, khó khăn, nhất là liên quan đến khung pháp lý quy định hoạt động Fintech và nguồn nhân lực đủ kỹ năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, những khuyến nghị của bài viết là gợi ý cho các tổ chức cung ứng dịch vụ Fintech như các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, công ty Fintech… vượt qua được những thách thức, tận dụng tốt các cơ hội của Fintech mang lại trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Trung Anh (2019), Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng - Chuyên đề Tin học Ngân hàng, Số 5;
  2. Đào Hồng Nhung, Trần Thanh Thu, Nguyễn Minh Tuấn (2020), Tác động của Fintech đối với tài chính toàn diện: bằng chứng thực nghiệm tại các quốc gia và một số khuyến nghị cho Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số 276;
  3. Vũ Cẩm Nhung, Lại Cao Mai Phương (2021), Fintech và xu hướng hợp tác với hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam, Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ;
  4. Nghiêm Thanh Sơn (2020), Thực trạng và giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ tài chính tại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng;
  5. Trần Lương Mộng Trinh (2021), Fintech - Xu hướng phát triển tài chính hiện đại, Tạp chí Công Thương, Số 4;
  6. Vũ Thị Ánh Tuyết, Vũ Thị Thanh Thủy (2021), Ứng dụng và phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Kỳ 2;
  7. Nguyễn Hải Yến (2019), Hoạt động của Fintech ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng pháp luật điều chỉnh và giải pháp pháp lí nhằm hoàn thiện pháp luật, Tạp chí Luật học, Số 6.
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 9/2023