Bàn về công tác dự báo lạm phát sau đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã và tác động xấu đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội nói chung, lạm phát nói riêng. Trong bối cảnh đó, công tác phân tích, dự báo lạm phát có ý nghĩa sức quan trọng đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô. Bài viết phân tích các yếu tác động đến công tác dự báo lạm phát trong đại dịch COVID-19, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị đối với công tác dự báo lạm phát tại Việt Nam khi đại dịch được kiểm soát…
Đặt vấn đề
Lạm phát đang là một trong những yếu tố được đề cập nhiều khi bàn về chính sách kinh tế của các nước sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Những kết quả khả quan về tiêm chủng được triển khai mạnh mẽ và dịch bệnh dần được kiểm soát đang củng cố thêm niềm tin về sự phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, cùng với đó cũng có không ít lo ngại về nguy cơ lạm phát phi mã, khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại sau một thời gian bị đình trệ. Do vậy, việc phân tích và dự báo lạm phát trong bối cảnh này là hết sức quan trọng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát sau đại dịch COVID-19
Mức độ bùng nổ tiềm năng của bên cầu
Một trong những biện pháp các nước thực hiện để hạn chế thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra là tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ, chưa có tiền lệ. Mục tiêu của các gói kích thích này là hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hộ gia đình trụ vững, duy trì phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và đảm bảo thông thương hàng hóa khi thực hiện các biện pháp cách ly. Sự bùng nổ chi tiêu sau đại dịch là hoàn toàn có thể xảy ra, các gói kích thích kinh tế, kích thích tiêu dùng nhưng cũng là lực đẩy của lạm phát.
Theo thống kê của Bloomberg vào đầu tháng 3/2021, người tiêu dùng ở các nước phát triển đã tiết kiệm được thêm 2.900 tỷ USD do đại dịch bùng phát, hạn chế đi lại và chi tiêu; trong đó, Mỹ chiếm 1.500 tỷ USD. Dự báo, sau khi đại dịch COVID-19 đi qua, số tiết kiệm này sẽ quay ngược lại cho chi tiêu, thậm chí tăng mạnh gấp nhiều lần. Dự báo hành vi chi tiêu của người dân bùng nổ hậu COVID-19 và lạm phát như thế nào sau đại dịch COVID-19 là vấn đề đặt ra.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tình hình kinh tế khó khăn, bất ổn có thể dẫn đến việc các hộ gia đình phải ưu tiên sử dụng tiền mình đang có cho việc thanh toán các khoản nợ, từ đó hạn chế tiềm năng chi tiêu sau COVID-19. Ngoài ra, đại dịch còn có thể gây giảm cầu một số loại hình hàng hóa hay dịch vụ, điển hình là nhu cầu đi lại bằng đường hàng không; Du lịch theo đoàn cũng sẽ gặp khó khăn để phục hồi, do người dân có xu hướng muốn du lịch theo gia đình và nhóm nhỏ hơn để đảm bảo an toàn cho chính mình và người thân. Tình trạng tương tự cũng có thể xảy ra với các hoạt động tập trung đông người khác… Như vậy, sự bùng nổ tiềm năng của bên cầu là yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát sau đại dịch COVID-19.
Mức độ gián đoạn bên cung
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ do đại dịch COVID-19, khiến nhiều DN phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động, dẫn đến khan hiếm hàng hóa. Sau đại dịch, nếu nguồn cung không phục hồi nhanh thì lạm phát có nguy cơ tăng phi mã. Ngược lại, nguồn cung suy giảm, khiến nhiều lao động mất việc làm, giảm thu nhập, làm hạn chế chi tiêu và áp lực tăng lương… thì cũng khiến lạm phát khó xảy ra.
Theo góc nhìn lạc quan, hoạt động sản xuất, kinh doanh có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch. Nguyên nhân là do các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, vận chuyển vẫn an toàn, khi dịch bệnh được đẩy lùi, DN hoạt động bình thường trở lại, các công cụ phục vụ sản xuất sẽ thoát khỏi tình trạng “đắp chiếu”. Điều này có thể giúp nguồn cung bù đắp cho sự gia tăng cầu đột biến, khi người dân chi tiêu thoải mái hơn trước, từ đó làm giảm nguy cơ cầu vượt cung.
Sức mạnh, vị thế của người lao động có thể thay đổi sau đại dịch
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch làm giảm khả năng quyết định chính sách tiền lương của giới chủ DN, do tầm ảnh hưởng của họ bị thu hẹp. Do vậy, sau đại dịch người lao động có thể thay đổi vị thế khi các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới.
Mức độ mở cửa thương mại
Chuỗi cung ứng đứt gãy có thể dẫn đến gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, các nước có nền kinh tế mạnh xuất khẩu có thể phải chịu thiệt hại do giảm cầu ở các bạn hàng, từ đó làm giảm thu nhập quốc dân, chi tiêu và có thể dẫn đến giảm phát. Do vậy, mức độ mở cửa thương mại cũng là yếu tố tác động đến lạm phát sau đại dịch COVID-19.
Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa
Việc đánh đổi giữa giảm lạm phát và ổn định tăng trưởng kinh tế có thể khó khăn hơn bởi áp lực đến từ nguồn cung bị gián đoạn. Ngoài chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng tác động lớn đến nguy cơ bùng nổ lạm phát sau đại dịch COVID-19, điển hình là việc tung ra hàng loạt gói cứu trợ với quy mô lớn ở nhiều nước. Điều này làm gia tăng đáng kể cung tiền trong nền kinh tế.
Diễn biến lạm phát thời gian gần đây
Trong năm 2020, GDP của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,91%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân 3,23% (trong đó lạm phát cơ bản tăng bình quân 2,31%) so với năm 2019. Theo báo cáo tháng 1/2021 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 6,7%. Theo đánh giá của Ngân hàng HSBC (tháng 3/2021), kỳ vọng lạm phát bình quân năm 2021 của Việt Nam sẽ là 3%, thấp hơn mục tiêu tối đa là 4%.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng 9/2021, tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%. Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy, lạm phát đang trong tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát ở Việt Nam
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam khó có khả năng bùng nổ chi tiêu, tức là không có khả năng người dân chi tiền tăng đột biến sau khi đại dịch COVID-19.
Dù thời gian qua, Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ DN, người lao động và đã thu được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn phát sinh một số hạn chế cần khắc phục. Theo báo cáo “Đánh giá các chính sách ứng phó với COVID-19 và các khuyến nghị” do trường Đại học Kinh tế quốc dân và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) cho thấy, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng có nhiều bất cập. Trong đó, tính đến giữa tháng 8/2020, số tiền giải ngân chỉ được 17.000 tỷ đồng, chỉ có 16 triệu người được nhận hỗ trợ.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam năm 2020 khoảng 2,26% và lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Báo cáo của Ngân hàng HSBC cho rằng, thị trường việc làm Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục suy giảm, từ đó làm giảm áp lực tăng lạm phát từ phía cầu. Trong 2 tháng đầu năm 2021, cả nước có 29.200 DN đăng ký mới hay hoạt động trở lại, trong khi lại có đến 33.600 DN tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động hoặc đã hoàn tất thủ tục giải thể.
Phân tích trên cho thấy, khả năng lạm phát vượt mục tiêu 4% trong năm 2021 là không quá lớn, nhưng vẫn còn một số yếu tố cần phải cân nhắc. Giá dầu sau đợt sụt giảm sâu vào tháng 4/2020 (do sản lượng khai thác dầu không thể giảm kịp theo nhu cầu nhiên liệu giảm đột ngột do đi lại bị hạn chế, cộng với tranh cãi giữa Nga và Ả-rập Xê-út về việc cắt giảm sản lượng), đã phục hồi và khởi sắc trong các tháng sau đó. Tuy nhiên, tháng 3/2021, giá dầu thô đã gần chạm mức 70 USD/thùng do triển vọng nửa sau năm 2021 kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến chi phí vận tải, giá các mặt hàng thiết yếu và dẫn đến khả năng lạm phát.
Việt Nam tuy xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu chế biến từ dầu. Do đó, diễn biến của giá dầu thế giới hoàn toàn gây hiệu ứng lớn lên giá cả và lạm phát ở Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 còn kéo dài, cùng với các bất ổn, xung đột kinh tế và địa chính trị như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của giá dầu có thể được bù đắp bằng việc gia tăng chậm của giá lương thực, vốn có tỷ trọng trong chỉ số giá tiêu dùng cao hơn chi phí vận tải (34% so với 10%). Ngoài ra, một rủi ro khác là chi phí dịch vụ y tế, giáo dục có thể gia tăng. Nguy cơ này có thể được kiểm soát tốt bằng chính sách giá của nhà nước… Điều này có ý nghĩa với việc dự báo và kiểm soát lạm phát ở Việt Nam.
Thách thức trong kiểm soát lạm phát, khống chế dịch COVID-19 và một số khuyến nghị
Dự báo lạm phát sau đại dịch COVID-19 là vấn đề đặt ra hiện nay. Hiện tại, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Đại dịch COVID-19 chỉ có thể được khống chế hoàn toàn khi người dân được tiêm chủng rộng khắp, hình thành miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu này khó đạt được trong ngắn hạn vì phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng vắc xin.
Bên cạnh đó, ngay cả khi người dân được tiêm chủng rộng khắp vẫn không đồng nghĩa với virus COVID-19 bị xóa sổ. Nói cách khác, dịch bệnh COVID-19 sẽ không kết thúc sớm và ảnh hưởng đến độ tin cậy của các dự báo kinh tế “sau đại dịch” nói chung và lạm phát nói riêng.
Để dự báo được lạm phát và kiểm soát lạm phát sau đại dịch COVID-19, cần rất nhiều giải pháp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, một số nội dung cơ bản cần quan tâm trong thời gian tới là: Nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, DN, đảm bảo đúng nhu cầu của các đối tượng. Trong đó, cần có đánh giá cụ thể, khách quan mức độ thiệt hại tối đa của các ngành nghề để có thể phân bổ nguồn lực hỗ trợ phù hợp. Cùng với đó, cần có lộ trình rõ ràng, minh bạch chính sách cứu trợ, thực hiện nhất quán, tránh xảy ra tình trạng tham nhũng, tư lợi; Cần phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành trong việc hỗ trợ DN và sinh kế người dân, để tránh tình trạng mất cân đối cung-cầu, dẫn đến lạm phát gia tăng.
Bên cạnh đó, cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động. Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành đã hỗ trợ tích cực cho DN tiếp cận vốn vay và áp lực trả lãi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên tiếp tục việc giảm lãi suất. Cho dù hạ lãi suất xuống thấp, cũng chỉ giúp các DN ở khoản vay vốn và trả nợ. Đồng thời, việc cắt giảm lãi suất cũng có thể làm tăng khả năng bùng nổ chi tiêu sau đại dịch, gây áp lực gia tăng lạm phát. Theo đó, để kiểm soát lạm phát cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch COVID-19, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Trọng Tài, “Kiểm soát lạm phát - những vấn đề đặt ra trong quản lý điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ”, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 12/2019;
2. Trần Huyền, “Việc kiểm soát lạm phát cần được đặt trong đa mục tiêu”, tapchitaichinh.vn;
3. Thời báo Tài chính Việt Nam Online. 2021. Gói hỗ trợ ứng phó với dịch Covid-19: Chính sách tài khóa được đánh giá phát huy hiệu quả nhất.
4. Ebrahimy, E., Igan, D. and Martinez Peria, S., 2020. The Impact of COVID-19 on Inflation:Potential Drivers and Dynamics. [ebook] International Monetary Fund.
* ThS. Trần Nguyễn Tịnh Đoan.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 11/2021