Bàn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Việc cử người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một phương thức để Nhà nước thực hiện quyền của chủ đầu tư vốn vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp thường được cử giữ vị trí, chức vụ lãnh đạo công ty như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc...
Những vị trí này có thể cho họ những quyền hạn lớn trong quản lý, điều hành đối với công ty. Chính vì vậy, cần phải quy định rõ ràng, minh bạch trách nhiệm của người đại diện, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp có hành vi vi phạm gây thiệt hại cho Nhà nước, cho doanh nghiệp, từ đó, ràng buộc người đại diện vốn nhà nước phải thực hiện công việc một cách mẫn cán, có trách nhiệm, hạn chế tối đa trường hợp doanh nghiệp thua lỗ, Nhà nước mất vốn, cá nhân hưởng lợi.
Đặt vấn đề
Trong quan hệ đại diện, đặc biệt là đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), người đại diện thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao (thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đại diện phần vốn nhà nước tại DN, người đại diện có thể có lợi ích riêng, xung đột với lợi ích chung.
Trong thực tế đã có không ít trường hợp người đại diện phần vốn nhà nước tại DN có hành vi sai trái như: tư lợi, che giấu thông tin, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm... trong thực hiện nhiệm vụ. Vì lẽ đó, cần có những công cụ tác động nhằm khuyến khích, ràng buộc người đại diện, góp phần hạn chế các hành vi sai trái của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN.
Việc áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN có hành vi vi phạm là yêu cầu tất yếu. Bên cạnh trách nhiệm pháp lý như: kỷ luật, hình sự, người đại diện vốn nhà nước tại DN còn phải bồi thường thiệt hại. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thực tiễn đang đặt ra những vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đại diện khi có hành vi vi phạm gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích của DN. Nếu không xác định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì người đại diện phần vốn nhà nước tại DN đang nắm quyền chi phối DN có thể không thực hiện công việc vì lợi ích của Nhà nước (bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, mang lại lợi tức cho nhà nước), lợi ích của DN, của cổ đông, người góp vốn khác mà sẽ vì lợi ích của cá nhân người đại diện.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định tại Điều 307 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và chương XXI về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, trong cả hai phần này đều không nêu rõ khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà chỉ nêu lên căn cứ phát sinh trách nhiệm, nguyên tắc bồi thường, năng lực chịu trách nhiệm, thời hạn hưởng bồi thường…
Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự mà theo đó, khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại cho người khác phải bồi thường những tổn thất mà mình gây ra.
Là một loại trách nhiệm pháp lý, nên ngoài những đặc điểm của trách nhiệm pháp lý nói chung (như do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng, áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, luôn mang đến hậu quả bất lợi cho người bị áp dụng, được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước….), thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN còn có những đặc điểm riêng như sau:
Về cơ sở pháp lý: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì họ phải bồi thường thiệt hại và bồi thường thiệt hại chính, đây chính là một quan hệ tài sản do Luật Dân sự điều chỉnh và được quy định tại Điều 307, Chương XXI Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự.
Về điều kiện phát sinh: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ đặt ra khi thoả mãn các điều kiện nhất định đó là: Có thiệt hại xảy ra, có hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại với thiệt hại xảy ra; có lỗi của người gây thiệt hại. Đây là những điều kiện chung nhất để xác định trách nhiệm của một người phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.
Về hậu quả: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại luôn mang đến hậu quả bất lợi về tài sản cho người gây thiệt hại. Bởi lẽ, khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì tổn thất đó phải tính toán được bằng tiền hoặc phải được pháp luật quy định là một đại lượng vật chất nhất định nếu không sẽ không thể thực hiện được việc bồi thường. Do đó, những thiệt hại về tinh thần mặc dù không thể tính toán được nhưng cũng sẽ được xác định theo quy định của pháp luật để bù đắp lại tổn thất cho người bị thiệt hại. Cũng chính vì vậy, thực hiện trách nhiệm bồi thường sẽ giúp khôi phục thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Về chủ thể bị áp dụng trách nhiệm: Ngoài người trực tiếp có hành vi gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn được áp dụng cả đối với những chủ thể khác đó là cha, mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ của người được giám hộ, pháp nhân đối với người của pháp nhân gây ra thiệt hại, trường học, bệnh viện trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, gây thiệt hại hoặc tổ chức khác như cơ sở dạy nghề…
Về nguyên tắc, để buộc người đại diện phần vốn nhà nước tại DN bồi thường thiệt hại thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chứng minh đủ các yếu tố sau: (1) Tồn tại nghĩa vụ đối với Nhà nước; (2) Có hành vi vi phạm nghĩa vụ; (3) Có thiệt hại xảy ra và (4) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ với thiệt hại xảy ra.
Người đại diện phần vốn nhà nước tại DN được Nhà nước giao thực hiện các quyền hạn trong quá trình đại diện phần vốn nhà nước. Khi người đại diện không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm được giao gây thiệt hại, thì có trách nhiệm bồi thường. Cơ sở của trách nhiệm bồi thường của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN bao gồm:
Thứ nhất, nghĩa vụ phải thực hiện: Người đại diện phần vốn nhà nước tại DN được Nhà nước giao đại diện cho Nhà nước thực hiện các công việc nhất định và phát sinh các nghĩa vụ của người đại diện đối với Nhà nước trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, có hành vi vi phạm nghĩa vụ đại diện phần vốn nhà nước tại DN: Là một loại trách nhiệm pháp lý, cho nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có hành vi vi phạm. Người đại diện phần vốn nhà nước tại DN có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước trong quá trình thực hiện tư cách người đại diện phần vốn nhà nước tại DN.
Thứ ba, có thiệt hại xảy ra trong thực tế: Nội dung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại là việc người có nghĩa vụ phải bù đắp cho phía bên kia những tổn thất vật chất mà mình đã gây ra do việc vi phạm nghĩa vụ. Vì vậy, việc xác định có thiệt hại xảy ra hay không, thiệt hại bao nhiêu là một việc làm cần thiết và hết sức quan trọng khi áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Thứ tư, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra được hiểu là giữa chúng có mối liên hệ nội tại, tất yếu. Trong đó, hành vi vi phạm là nguyên nhân, thiệt hại xảy ra là kết quả. Chỉ khi nào thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN thì người đại diện mới phải bồi thường thiệt hại. Đối với những thiệt hại không xuất phát từ hành vi của người đại diện thì người đại diện không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Người đại diện phần vốn nhà nước có hành vi vi phạm gây thiệt hại, nghĩa là có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ được giao. Người đại diện chỉ được miễn trách nhiệm bồi thường khi chứng minh được thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của chủ thể khác có trách nhiệm trong quản lý vốn nhà nước.
Như vậy, để áp dụng trách nhiệm bồi thường đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN, thì phải có quy định về nghĩa vụ phải thực hiện của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN, có hành vi vi phạm, có thiệt hại thực tế xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của người đại diện với thiệt hại thực tế xảy ra. Thiệt hại mà Nhà nước phải gánh chịu bao gồm thiệt hại vất chất và thiệt hại về tinh thần. Trong đó, thiệt hại vất chất là các tổn thất về tài sản (bao gồm cả trường hợp giá trị vốn của Nhà nước bị giảm sút, các khoản tiền phải chi để bồi thường cho người thứ ba) và các thu nhập mà Nhà nước bị mất đi do hành vi vi phạm.
Một số vấn đề cần lưu ý
Về mặt nguyên tắc, người vi phạm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại vất chất mà bên bị vi phạm (trong trường hợp này là đối với Nhà nước) phải ghánh chịu. Trước hết, người vi phạm phải bồi thường cho bên bị vi phạm các thiệt hại về tổn thất tài sản, các chi phí để khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm. Tiếp đến, người vi phạm phải bồi thường cho bên bị vi phạm khoản lợi tức bị mất do hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, “một thiệt hại phải thỏa mãn một vài điều kiện để bên bị thiệt hại có thể đòi hỏi bồi thường: thiệt hại phải chắc chắn, dự kiến trước được và có mối liên hệ đầy đủ với hành vi gây thiệt hại”. Như vậy, khoản lợi tức bị mất phải là khoản lợi tức có thể dự kiến trước được. Về mặt lý luận, tòa án sẽ chỉ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn bồi thường khoản lợi tức bị mất do vi phạm nghĩa vụ nếu nguyên đơn chứng minh được: (1) Khoản lợi tức bị mất là khoản thu nhập mà Nhà nước chắc chắn có được; (2) Có thể tính toán cụ thể khoản lợi tức đó và (3) Hành vi vi phạm nghĩa vụ và khoản lợi tức bị mất có mối quan hệ nhân quả.
Thực tế hiện nay, để áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN gặp phải những khó khăn nhất định. Cụ thể, khó khăn từ việc thiếu các quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN; khó khăn trong việc xác định hành vi và thiệt hại xảy ra.
Nhiều trường hợp cho thấy, có thể người đại diện đã về hưu hoặc chuyển công tác mới phát hiện được hành vi vi phạm, hoặc trong trường hợp nhiều người được cử làm đại diện vốn nhà nước tại một DN thì trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại như thế nào? hoặc việc xác định thiệt hại thực tế do hành vi của người đại diện hay do những nguyên nhân khách quan khác trong sản xuất, kinh doanh, hiện nay vẫn thiếu cơ sở để xác định. Do vậy, việc hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của người đại diện vốn nhà nước tại DN là vấn đề cấp bách hiện nay.
Nhằm tăng cường trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN, trước mắt, cần xác định cụ thể một số vấn đề sau:
Thứ nhất, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN trong từng trường hợp cụ thể.
Thứ hai, quy định rõ về hành vi vi phạm và các trường hợp áp dụng trách nhiệm bồi thường.
Thứ ba, quy định rõ cơ sở xác định thiệt hại thực tế và mức bồi thường thiệt hại.
Thứ tư, quy định các trường hợp liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp nhiều người đại diện vốn nhà nước tại một DN.
Thứ năm, quy định các trường hợp miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp người đại diện chứng minh được hành vi vi phạm do sự bất khả kháng hay phải tuân thủ quyết định không đúng của cấp trên mặc dù đã có những biện pháp hợp lý để ngăn cản...
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Dân sự năm 2005 (tập 2), NXB Chính trị quốc gia, trang 57;
2. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
3. Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội (2013), NXB Công an nhân dân;
4. Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước và các quy định pháp luật hiện hành;
5. Các thuật ngữ hợp đồng thông dụng, NXB Từ điển Bách khoa, trang 468.